10 cách đơn giản cải thiện trí nhớ

(CTG) Ngủ đủ giấc, rèn luyện ghi nhớ, hạn chế thiết bị điện tử, học nhạc và ngoại ngữ, góp phần duy trì cải thiện trí nhớ cho nhiều lứa tuổi.

BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lối sống thiếu khoa học, ít vận động, căng thẳng, ăn nhiều đường, ngủ không đủ giấc có thể gây giảm trí nhớ sớm. Bác sĩ gợi ý 10 cách hỗ trợ duy trì và cải thiện trí nhớ.

Ngủ đủ giấc: Mất ngủ thường xuyên dễ làm suy nhược thần kinh. Rối loạn giấc ngủ làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer và suy giảm trí nhớ. Giấc ngủ có vai trò quan trọng cho phục hồi não bộ, giúp suy nghĩ nhạy bén. Mọi người nên ngủ sớm và đủ giấc, tránh ngủ quá nhiều hay quá ít.

Rèn luyện ghi nhớ và phản xạ nhanh: Não bộ cần được rèn luyện để duy trì chức năng bình thường, tăng khả năng ghi nhớ, xử lý thông tin.

Một số cách góp phần rèn luyện và kích thích trí não như tạo thói quen ghi chép các sự kiện trong ngày; hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp; đọc sách; làm trắc nghiệm phản xạ nhanh cho não...

Tập thể dục thường xuyên: Vận động tác động tích cực đến sức khỏe của não bộ, tăng trao đổi chất và tuần hoàn máu, cải thiện thiếu máu. Các bài tập cũng góp phần giảm lão hóa não, từ đó hạn chế nguy cơ suy giảm trí nhớ tuổi già. Các bài tập chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, cầu lông, nhảy dây... đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Học nhạc, học ngoại ngữ: Các hoạt động này tác động nhiều đến sức khỏe tinh thần và hoạt động của trí não. Quá trình này giúp não tăng khả năng ghi nhớ, sáng tạo, liên tưởng, kết nối các tế bào não. Học thêm từ vựng mới, lời các bài hát nổi tiếng hay cách chơi nhạc cụ kích thích trí nhớ dài hạn.

Học ngoại ngữ giúp cải thiện trí nhớ. Ảnh: Anh Chi

Học ngoại ngữ giúp cải thiện trí nhớ. Ảnh: Anh Chi

Duy trì giao tiếp: Giao tiếp xã hội kích thích sự chú ý và trí nhớ, đồng thời củng cố mạng lưới thần kinh. Bác sĩ Minh Trung dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy người có mối quan hệ xã hội chặt chẽ ít bị suy giảm nhận thức hơn người dành phần lớn thời gian ở một mình.

Tập thiền: Thực hành thiền có thể tạo ra những thay đổi trong não (còn gọi là tính dẻo dai của thần kinh), thúc đẩy sự phát triển các cấu trúc ở vùng hải mã - một vùng quan trọng đối với trí nhớ. Thiền hỗ trợ giảm căng thẳng, gián tiếp tăng cường hiệu suất trí nhớ và nâng cao khả năng ghi nhớ ngắn hạn.

Giảm tiêu thụ đường và thức ăn giàu calorie: Các thực phẩm chứa nhiều đường và calorie có thể làm tăng nguy cơ béo phì, các bệnh tim mạch, thần kinh, dễ dẫn tới suy giảm trí nhớ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Ưu tiên dùng thực phẩm có vị ngọt tự nhiên (củ quả, trái cây...); hạn chế dùng các món chứa đường nhân tạo như trà sữa, bánh ngọt, nước ngọt đóng chai, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ.

Tránh căng thẳng, stress: Đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mất ngủ, đau đầu và suy giảm trí nhớ. Mỗi người nên duy trì lối sống tích cực, khoa học để giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng.

Sử dụng trà, cà phê, chocolate phù hợp: Tiêu thụ khoảng 200 mg caffeine mỗi ngày góp phần gia tăng khả năng lưu trữ ký ức. Trà xanh và chocolate đen chứa nhiều chống chất chống oxy hóa tự do, kháng viêm, hỗ trợ loại bỏ độc tố, cải thiện lưu thông máu, kích thích tế bào não hoạt động tốt hơn.

Hạn chế dùng thiết bị điện tử: Sử dụng thường xuyên, liên tục các thiết bị điện tử dễ làm cho con người suy nghĩ, lười tư duy, khiến não bộ mất dần khả năng tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin. Nên quản lý thời gian sử dụng các thiết bị này và sử dụng đúng mục đích như học tập, làm việc.

Ngoài các phương pháp trên, giữ cảm xúc tích cực, lạc quan để tinh thần luôn minh mẫn cũng rất tốt cho trí nhớ. Một số tinh chất thiên nhiên như từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) góp phần cải thiện tuần hoàn máu não, hỗ trợ tăng cường trí nhớ.

Theo Vnexpress