7 năm học đàn của nam sinh bị teo não

(CTG) Từ không thể úp bàn tay phải xuống phím đàn, sau 7 năm, Nguyễn Bùi Bảo Khôi, 14 tuổi, có thể chơi thành thục bằng 3 ngón, tự tin tham gia nhiều cuộc thi.

Bảo Khôi hiện là học lớp 8A6, trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cách đây hơn hai tuần, nam sinh được trao giải Vàng, bảng Youth Piano, ở Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hong Kong, vòng khu vực Việt Nam. Khôi chinh phục 14 vị giám khảo bằng giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của tác phẩm Venetian Boat song No.2, đạt 88/100 điểm. Em sẽ tham gia vòng chung kết tổ chức ở Hong Kong, vào tháng 8 tới.

"Hôm đó, em đã ôm mẹ khóc vì quá vui", Khôi nói.

"Ban đầu, em chỉ định tham gia vòng sơ loại online, vì nghĩ không 'đấu' được với các bạn có sức khỏe bình thường lại rất chăm chỉ luyện tập".

Bảo Khôi và mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Bảo Khôi và mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bảo Khôi học piano từ 7 năm trước, để phục hồi chức năng và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, theo lời khuyên của bác sĩ.

Chị Bùi Thị Thúy Ninh, mẹ của Khôi, cho biết lúc Khôi 1 tuổi, gia đình thấy em không cầm nắm được, bàn tay phải luôn nắm chặt, chân chỉ đứng nhón, nên đưa đi khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị bại não, thể teo não trái, kém phát triển một số vùng như vận động thân phải, ngôn ngữ, tư duy logic, khả năng ghi nhớ, diễn đạt...

"Tôi sốc không nói nên lời, xác định từ giờ, mục tiêu duy nhất là chữa bệnh để con có cuộc sống hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường", chị Ninh cho hay.

Tình cờ, gia đình gặp một nhóm bác sĩ người Pháp sang Việt Nam nghiên cứu về sự phát triển của trẻ bại não. Bên cạnh uống thuốc, tập các bài phục hồi chức năng, Bảo Khôi được khuyên tập bơi và chơi nhạc cụ để tránh bị teo cơ tay, chân phải.

Lên lớp 2, mẹ dẫn Khôi đến lớp học piano, đều đặn 3 buổi mỗi tuần. Thời gian đầu, chân phải không nhấn được pê-đan, bàn tay phải không úp xuống được, em đều "phang" thật mạnh. Buổi học nào cũng đầy nước mắt và sự cáu giận của Khôi.

"Đó là những ngày 'đập vỡ cây đàn' theo nghĩa đen", mẹ Bảo Khôi nhớ lại. "Rất khó khăn, nhưng cả Khôi, mẹ và cô giáo, chưa ai từng nghĩ đến việc bỏ cuộc".

Được động viên, Khôi kiên trì học, dần thấy thích. Có ngày mưa tầm tã, em vẫn nhờ mẹ chở đến lớp piano. Em chủ yếu chơi bằng tay trái và ngón trỏ, ngón giữa tay phải. Đến nay, Khôi đã úp được bàn tay phải, chơi thành thục bằng 3 ngón, song vẫn dùng chân trái để nhấn pê-đan.

Trong năm học, em tranh thủ tập trong giờ ra chơi, với chiếc piano điện mẹ gửi gắm ở phòng cô hiệu trưởng. Ở nhà, Khôi luyện đàn 30 phút mỗi tối, hoặc xem các màn trình diễn piano trên Youtube để vỡ bài. Khi xem, em chăm chú vừa nghe vừa quan sát, tay liên tục ghi chú lên nhạc phổ. Gặp bản nhạc yêu thích, em thậm chí quên ăn, 12 giờ đêm vẫn mày mò học nhạc. Khôi hay xem video của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, mong một ngày có thể chơi điêu luyện và lưu diễn vòng quanh thế giới như ông.

Dù thích, nhưng Bảo Khôi chưa tự tin tham gia các cuộc thi. Hiểu con rụt rè vì khiếm khuyết của mình, chị Ninh động viên, cho con từng bước làm quen. Nhiều sự kiện ở trường, khu chung cư hay trung tâm dạy nhạc có sự góp mặt của Bảo Khôi bên cây đàn piano. Mỗi lần được khen "Khôi chơi đàn hay lắm", nam sinh ngại ngùng, nhưng rất hãnh diện, về nhà khoe ngay với mẹ.

Năm 2018, Khôi tham gia một trại hè khám phá thiên văn học. Trong đêm tổng kết, đang nghe câu chuyện về một "phi hành gia" nhỏ tuổi chơi piano có nghị lực phi thường, em được mời lên sân khấu. Hóa ra, em là nhân vật trong câu chuyện đó. Cảm động, Khôi ôm mẹ, hứa sẽ trở thành nghệ sĩ piano và khiến mẹ tự hào.

"Được mọi người ghi nhận, em vui và tự tin hơn rất nhiều", Khôi chia sẻ.

Theo mẹ Bảo Khôi, giải thích để con hiểu và tự nỗ lực là kim chỉ nam khi nuôi dạy một bạn nhỏ đặc biệt như em. Những lúc Khôi muốn bỏ cuộc, hai mẹ con lại ngồi tâm sự. Em hiểu rằng nếu không vượt qua chính mình, đến một lúc mẹ không thể đồng hành nữa, em sẽ bối rối, không tự chăm sóc bản thân được. Nghe lời mẹ, Khôi luôn cố gắng, sống tích cực hơn mỗi ngày.

Những lần Bảo Khôi đi thi, mẹ mong em mở mang tầm mắt về cuộc sống và âm nhạc. Ở cuộc thi vừa qua, Khôi quan sát thấy mọi người ở nhiều độ tuổi với nhiều đam mê âm nhạc khác nhau. Thế giới chỉ biết đến piano của Khôi giờ đã có thêm sáo trúc, trống, kèn, guitar... Đặc biệt, ở vòng bán kết, em ấn tượng với một bạn chơi guitar rất tài, nên xin mẹ cho học thêm nhạc cụ này. Chị Ninh hứa sẽ cho Khôi học guitar sau cuộc thi ở Hong Kong.

"Âm nhạc thực sự kỳ diệu, là liệu pháp chữa lành mọi vết thương, cả về thể chất và tâm hồn, của con", chị Ninh tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hồng, chủ nhiệm lớp Bảo Khôi, nhận xét em lễ phép, hòa đồng. Cô cũng trân quý tình yêu mà Khôi dành cho piano. Mỗi lần em đi thi, nhóm chat của ban phụ huynh lớp và fanpage của trường lại ngập tràn lời chúc.

"Bảo Khôi là niềm tự hào của mọi người", cô nói.

Khôi đang luyện chơi đàn bằng 5 ngón tay phải, cố gắng nhấn pê-đan bằng chân phải. Em mong vượt qua bài thi vào hệ trung cấp của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội sắp tới.

Theo Vnexpress