Cây tre bonsai "Lưỡng long chầu nhật" ấy của Nguyễn Sỹ Luân - anh chủ trẻ của Hợp tác xã Vườn Chum (Bắc Giang). Anh bạn 29 tuổi này vốn đam mê cây cảnh, gốm cổ từ bé và đôi bàn tay tài hoa ấy đã biến nhiều gốc tre thành những tác phẩm bonsai độc đáo.
Có khi chết cả vườn tre
Tiết trời xuân se lạnh, Nguyễn Sỹ Luân tỉ mẩn giới thiệu với khách đến chơi tác phẩm từng xuất hiện trong buổi tiệc trà quan trọng ấy.
Khoảng sân lát gạch đỏ trước ngôi nhà cổ năm gian hai chái đầy các tiểu cảnh từ tre, xa xa là vườn địa lan, lan chi... Luân kể mình mê tạo tác cây cảnh, bán gốm sành Phù Lãng (Bắc Ninh) trước khi bén duyên với thú chơi tre bonsai.
Cuộc chơi ấy bắt đầu từ khoảng sáu năm trước. Anh tự nhận ban đầu cũng khá chủ quan vì nghĩ đã nắm rõ kỹ thuật nhưng làm mới khám phá ra tre là loại cành thẳng, ươm không dễ hoặc nếu không xử lý vết cắt trên thân triệt để là không ổn.
Chưa kể "da" không thể liền sẹo từ việc bôi keo như cây cảnh nên Luân đã mày mò tìm được cách trộn xi măng với vôi để khử khuẩn và làm vết cắt trên tre dần khô lại.
Hồi đó, cứ bán được gốm có tiền là tìm nhập tre về trồng như cây cảnh trong nhà. Mà thú chơi cũng khá tốn kém, miễn thỏa đam mê chứ không tính toán gì.
Thế rồi vào một mùa đông nhiều năm trước, trời quá lạnh, Luân mang tre từ nhiều tỉnh khác về và cứ nghĩ mọi thứ bình thường.
Nhưng không, tre thuộc dạng cây thân thảo, róc nước nhanh nên khi được trồng bằng loại đất dùng trồng hoa lan thì gốc bị xốp và thối dần. Cả vườn tre khi ấy chết sạch.
Luân nói chơi bonsai một vài cây thì dễ chứ khi làm lớn, thành vườn cả trăm cả ngàn cây tre cùng lúc lại là chuyện khác.
"Thường khi xưa vào mùa xuân các cụ trồng tre sẽ chuyển nguyên cả bụi tre vào đất. Còn mình làm tre bonsai cần phải chọn phôi tốt, cắt tỉa rễ sạch sẽ khi muốn làm, nói chung kỳ công lắm" - Luân cười.
Tác phẩm tre được chọn
Anh chủ trẻ Hợp tác xã Vườn Chum kể từng có duyên gặp nghệ nhân trà Cao Sơn trước đây. Vị này sau đó nhắn có một chương trình lớn, muốn đưa tre bonsai của Luân đến chưng.
Rồi vào một buổi nhá nhem tối, nghệ nhân trà đã về tận vườn ngắm nghía, sắp xếp trên phông để dựng nền 3D trước khi mang đi.
Mà thời gian khá gấp, chính Luân cũng không biết tiệc trà này diễn ra ở đâu, có ai tham dự mà chỉ biết tác phẩm tre đã được chọn và sẽ đặt trong phòng trà.
Tác phẩm được đưa lên thủ đô Hà Nội và phải qua rất nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn cho một sự kiện lớn.
Phải mãi sau Luân mới biết tác phẩm do mình tạo tác, chăm sóc được chọn trang trí trong tiệc trà giữa tổng bí thư hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tại buổi tiệc trà này, Luân được chọn trưng bày 21 tác phẩm. Trong đó, 12 tác phẩm gồm cả tre ngà và tre gai để hai bên phòng trà, tám tác phẩm trúc để tại bàn trà. "Lưỡng long chầu nhật" là tác phẩm độc đáo nhất được chọn trưng bày ngay chính diện.
Luân kể cũng rất có duyên khi mua được hai cây tre ngà đều nhau. Mang về bắt đầu tạo hình, muốn trồng vào chậu gốm đắp tay nhưng không kịp nên anh dùng phấn vẽ vào chum nước rồi cắt chum theo từng nét vẽ ấy và đưa cây tre vào bên trong trồng với mong muốn duy nhất làm sao cho cây sống được và đẹp nhất có thể.
"Ban đầu mình định đặt tên là "Lưỡng long chầu nguyệt", nhưng thấy nếu hai con rồng chầu mặt trăng lại bình thường nên đổi thành "Lưỡng long chầu nhật" vì mặt trời luôn sáng rực, mang ý nghĩa tươi sáng. Mất khoảng một năm để hoàn thiện, nên dáng hình như mong muốn" - Luân hào hứng khoe.
Nhận lại tác phẩm khi kết thúc sự kiện, có người dặn Luân cần giữ lại tác phẩm này vì ý nghĩa của nó. Thực ra chủ nhân 9X cũng biết rõ điều đó nên dù có nhiều người đánh tiếng muốn mua lại song Luân xin phép từ chối.
Anh biết không phải ai hay tác phẩm nào cũng có vinh dự được góp mặt, là một phần trong sự kiện có dấu mốc quan trọng của đất nước như thế.
Sau sự kiện ấy, cuộc sống của nghệ nhân bonsai 9X có khá nhiều thay đổi. Số khách hàng tìm đến tham quan, mua cây cảnh, bonsai tre từ vườn nhà Luân nhiều hơn.
Dẫu vậy, anh vẫn âm thầm sáng tạo với các tác phẩm tre mới đã trở thành niềm yêu thích và như một phần máu thịt của mình.
"Mình vui hơn khi gặp được nhiều người chứ không chỉ tối ngày làm bạn với cây cỏ như trước. Nên mỗi khi tạo tác cây xong mình không bày bừa nữa mà sắp xếp gọn gàng, tạo không gian thân thiện, đẹp để bất cứ ai đến đây cũng cảm nhận như được gần gũi thiên nhiên hơn" - Luân nói.
Sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệmSau nhiều năm bén duyên và đeo đuổi thú chơi tre bonsai, Nguyễn Sỹ Luân nói điều cần làm ngay là phải ngắt được mầm bệnh khi những cây tre gặp sâu bệnh. Kinh nghiệm cho thấy tre ngà có thể uốn tay tạo hình theo ý muốn, trong khi tre gai trong bụi tự nhiên hoặc kẹp trong đá sâu trong lòng đất nên dáng đã đẹp. Ngoài tài hoa của người chơi tạo dáng cây có thế đẹp, độc lạ cũng cần biết cách phối thêm hoa, cỏ trang trí để tạo nét tự nhiên. "Tre đẹp nhất khi để trong không gian sáng, rộng sẽ làm làm mềm không gian và phần nào gợi nhớ ký ức tuổi thơ" - Luân bộc bạch. |
Theo Tuổi Trẻ |