ASEAN lên chương trình đào tạo cho thanh niên cách đối phó với tin giả

(CTG) Ngày 25/5, Bộ Giáo dục Philippines phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội thảo trực tuyến về dự thảo bản hướng dẫn kế hoạch tập huấn cho các giảng viên nhằm đào tạo cho các học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết để nhận biết các loại tin giả, tin sai lệch và tin bóp méo.

 

Tin giả đang gây ra những hậu quả thật đối với xã hội.

Hội thảo được UNESCO bảo trợ và có sự tham gia của đại diện thanh niên 10 nước ASEAN. Đây là hoạt động nằm trong dự án của ASEAN nhằm đối phó với nạn tin giả thông qua giáo dục về hiểu biết truyền thông và thông tin, thông qua các chủ đề được đưa vào chương trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục trung học và đại học của ASEAN, nhằm tạo nên tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm chống lại tin giả, tin sai lệch và tin bóp méo.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tin giả, tin sai lệch và tin bóp méo đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên thế giới, gây chia rẽ, lan truyền thù hận và hiểu nhầm. Dù được lan truyền trên mạng nhưng những thông tin không chính xác đang gây hậu quả ở thế giới thực và đe doạ mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy một xã hội hoà bình, bao trùm, bền vững, lành mạnh và hài hoà.

Bất kỳ ai cũng có thể tạo ra và chia sẻ tin giả. Luôn có những cá nhân và tổ chức muốn tạo ra và lan truyền tin giả để giành quyền kiểm soát và quyền lực. Nói một cách đơn giản, thông tin và các nền tảng mạng xã hội đang bị sử dụng làm vũ khí để đe doạ sự an toàn của cộng đồng và tác động đến hành vi của người dân.

Đang có nhiều nỗ lực trên toàn cầu để giáo dục và tạo công cụ cho người dân nâng cao hiểu biết về thông tin trên mạng, khả năng xác định những thông tin không chính xác và gây nhầm lẫn.

Các lãnh đạo ASEAN cũng nhận ra sự cần thiết phải ứng phó với cuộc khủng hoảng tin giả ở cấp độ công dân, vì thế đã đưa ra nhiều tuyên bố, khuôn khổ và kế hoạch làm việc để đối phó với thực trạng này.

Theo TP