Báo động về tình trạng người trẻ thức khuya

CTG - Khảo sát của Thanh Niên tại 80 trường học trên toàn quốc với hơn 2.000 học sinh, sinh viên tham gia, cho thấy thực trạng thức khuya trong giới trẻ đang ở mức báo động với những con số bất thường.

Thức khuya để... lướt mạng

Bảng khảo sát có sự tham gia của 80 trường học trên toàn quốc với 2.182 học sinh, sinh viên (HS - SV), trong đó có 11 trường THCS, 29 trường THPT và 40 trường ĐH, CĐ; tỷ lệ HS (từ 11 - 17 tuổi) chiếm 60%, còn lại 40% là SV (từ 18 - 23 tuổi). Thực trạng khảo sát cho thấy số lượng HS - SV thức khuya đang ở mức báo động.

Với câu hỏi "Bạn thường đi ngủ lúc mấy giờ?", có 66,2% trả lời thường ngủ sau 23 giờ đêm, trong đó tới 20% ngủ sau 0 giờ và 16,4% ngủ sau 1 giờ sáng. Theo khuyến nghị của các nhà khoa học, thời gian ngủ tốt nhất là từ trước 22 giờ đến trước 23 giờ, nhưng kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 8,7% ngủ trước 22 giờ, 25,1% ngủ trước 23 giờ.

Báo động về tình trạng người trẻ thức khuya - Ảnh 1.
 

Nhiều người trẻ cho biết thường xuyên thức khuya để xem mạng xã hội và học bài

 
 

Bảng khảo sát nêu câu hỏi: "Một ngày bạn thường ngủ bao nhiêu giờ?", trong đó đặt ra các khung thời gian và kết quả cho thấy có 66,5% bạn trẻ ngủ từ 5 - 7 giờ/ngày; 6,9% chỉ ngủ từ 2 - 4 giờ/ngày; chỉ có 26,6% ngủ từ 8 - 10 giờ/ngày. Đáng lưu ý là việc thức khuya còn diễn ra khá phổ biến với 89,6% số người cho biết có thức khuya, trong đó 48% thường xuyên thức khuya, 41,6% thỉnh thoảng thức khuya, còn lại chỉ có 10,4% cho biết là hiếm khi thức khuya.

Một con số giật mình là qua việc khảo sát này cho thấy người trẻ thức khuya với nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do "xem mạng xã hội" chiếm tỷ lệ cao nhất. Với câu hỏi "Bạn thường làm gì khi thức khuya?", có 61,5% lựa chọn câu trả lời xem mạng xã hội, 59% học bài, 34,9% xem phim, 26,1% chơi game và 40,5% làm việc khác.

Đặc biệt với câu hỏi "Bạn có ngủ bù không?", có 45% trả lời không. Tuy nhiên khi được hỏi "Năng suất học tập, làm việc của bạn sau một đêm thức khuya sẽ như thế nào?", thì câu trả lời rất bất ngờ. Có 69,6% cho biết là bình thường, 8,8% cho rằng hiệu quả, năng suất; và 21,6% cho biết không hiệu quả, uể oải.

Theo TNO