Biến phế thải công nghiệp thành vật liệu chống cháy, cách nhiệt

(CTG) Nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã biến phế thải công nghiệp thành vật liệu chống cháy, cách nhiệt.

Theo nhóm tác giả, sản phẩm vữa thân thiện với môi trường này không chỉ có khả năng chống cháy, chịu lực tốt mà còn giúp kéo dài thời gian sơ tán trong các vụ hỏa hoạn, mang lại giá trị lớn cho xã hội và môi trường.

Nhóm tác giả của sản phẩm này là Đàm Đức Sơn, Nguyễn Quang Minh, Đoàn Đình Huy, cùng là sinh viên Khoa Vật liệu xây dựng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Đức Sơn cho biết ý tưởng của các bạn bắt nguồn từ hai vấn đề cấp bách của xã hội hiện nay: ô nhiễm môi trường do phế thải công nghiệp và nguy cơ cháy nổ gia tăng. Từ thực tế này, với kiến thức học được ở giảng đường, nhóm đã nghiên cứu và phát triển một loại vữa chống cháy, cách nhiệt thân thiện với môi trường, có giá thành ổn hơn các sản phẩm cùng loại.

Quang Minh cho biết sản phẩm của nhóm sử dụng phần lớn là phế thải công nghiệp. Về tính năng, sản phẩm vượt trội với khả năng chống cháy và cách nhiệt. Qua nhiều lần thử nghiệm, sản phẩm đạt kết quả ấn tượng: khi khò lửa trực tiếp trong 5 phút, nhiệt độ mặt sau gần như không đổi, chỉ dao động từ 30 - 30,5 độ C, trong khi vữa thông thường tăng từ 34 - 85 độ C trong cùng điều kiện. Ngoài ra, sản phẩm có khả năng chịu lực tốt, đảm bảo độ bền cho công trình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Biến phế thải công nghiệp thành vật liệu chống cháy, cách nhiệt- Ảnh 1.

Nhóm sinh viên bên sản phẩm vữa chống cháy, cách nhiệt độc đáo. ẢNH: AN VY

Biến phế thải công nghiệp thành vật liệu chống cháy, cách nhiệt- Ảnh 2.

Sản phẩm sử dụng đến 60% phế thải công nghiệp, biến rác thải thành tài nguyên quý giá. ẢNH: AN VY

Cũng theo Quang Minh, sản phẩm được làm bởi những nguyên liệu có sẵn, không cần nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đó đem đến cho người dùng một mặt hàng có giá cả phải chăng mà tính ưu việt cao.

"Tụi mình tin rằng sản phẩm này trong tương lai gần sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các công trình, đồng thời chung tay góp sức vì một môi trường xanh sạch đẹp", Minh nói và cho biết sắp tới nhóm tiếp tục cải tiến về thời gian chịu nhiệt và mức nhiệt độ có thể chịu đựng của sản phẩm.

Với nhiều tính năng ưu việt, sản phẩm đã đạt được nhiều thành tích, như: giải nhất Huce Intech 2024, quán quân cuộc thi I - Impact 2025, giải gọi vốn cộng đồng thành công nhất I - Impact 2025… Mới đây, dự án còn được Bộ GD-ĐT trao giải nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV Startup năm 2025.

PGS-TS Hoàng Vĩnh Long, giảng viên Khoa Vật liệu xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, nhận xét đây là dự án rất thiết thực với cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh cháy nổ diễn ra phức tạp như hiện nay.

"Cenospheres là một phế thải sinh ra trong quá trình đốt than đá tại các nhà máy nhiệt điện. Nó ứng dụng rất hiệu quả trong sản xuất vật liệu nhẹ và các loại vật liệu xây dựng hiện đại nhờ các đặc tính đặc biệt như nhẹ, cách nhiệt, cách âm và bền cơ học tốt. Vật liệu này sẽ mở ra tiềm năng và triển vọng lớn cho dự án của nhóm sinh viên", PGS-TS Long nói.

Theo TN