Trong phiên chất vấn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024 (ngày 29/9), các đại biểu trẻ em và trưởng ngành giả định đã chất vấn, trả lời chất vấn, tranh luận và trả lời một cách sôi nổi, trực diện về việc phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Vì sao trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng?
Mở đầu phiên chất vấn về nội dung liên quan đến thuốc lá, chất kích thích, đại biểu Nguyễn Hà Bá Tân (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế giả định làm rõ thực trạng và nguyên nhân của tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng, có trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử có chất kích thích và chất cấm, được nêu trong báo cáo của Bộ Y tế.
Toàn cảnh phiên chất vấn Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II năm 2024. Ảnh: Như Ý |
Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An cho biết, tình trạng gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thời gian qua, có nguyên nhân từ việc trẻ em rất dễ tiếp cận với thuốc lá điện tử qua mạng xã hội, thậm chí các sản phẩm này được bán ngay tại cổng trường. Giá cả mặt hàng này đa dạng, nhiều sản phẩm giá rẻ vừa với túi tiền của học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ em thiếu sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với thể chất, tinh thần và sự nhận thức của người sử dụng. Thậm chí, có những nhận thức sai lầm rằng các sản phẩm này ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống.
Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá điện tử thường được thiết kế bắt mắt, với nhiều hình thù, mùi vị làm tăng sự tò mò, muốn thử nghiệm của trẻ em. Các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng hiện còn nhiều khoảng trống; hoặc nếu có, các em cũng chưa được biết đến nên đã tuỳ ý sử dụng theo ý của mình.
Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Như Ý |
Về giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, "Bộ trưởng" An cho rằng, trước tiên phải có hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý và điều chỉnh hành vi sử dụng của học sinh. Bộ Y tế đã đề xuất cấm các sản phẩm này tại Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế giả định cũng đặt vấn đề về các biện pháp đồng bộ ngăn chặn phổ biến trên thị trường, ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào trong trường học với sự tham gia của ngành Giáo dục, gia đình, các cơ quan quản lý thị trường, Công an và thông tin - truyền thông.
Tranh luận về phần trả lời của "Bộ trưởng" Mai An, đại biểu Trần Mai Phương Nghi (Khánh Hoà) nêu vấn đề vì sao Bộ Y tế chưa có công bố chính thức về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Nội dung này, "Bộ trưởng" An đăng đàn cho biết, Bộ đã gửi các báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để trình bày về thực trạng và tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những kinh nghiệm quốc tế, cũng như đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo những sản phẩm này tại Việt Nam.
Mục tiêu của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Sau khi được Chính phủ thống nhất, Bộ Y tế sẽ chính thức công bố nội dung này.
Tội phạm về ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử
Phiên chất về phòng chống tác hại thuốc lá, chất kích thích tiếp tục “nóng” và mở rộng hơn, khi các đại biểu hướng sự quan tâm đến mức độ vào cuộc, giải pháp của nhiều bộ, ngành khác.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giả định Trần Bình Minh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá thông qua các giờ học ngoại khóa và lồng ghép trong các bài giảng phù hợp với từng cấp học. Bộ cũng chỉ đạo tất cả cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định cấm học sinh sử dụng thuốc lá; tăng cường việc kiểm tra, giám sát tại các trường học về vấn đề này.
Còn Bộ trưởng Công Thương giả định Huỳnh Anh Thư cho biết, Bộ này đã có các báo cáo và đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đã có Tờ trình gửi Thủ tướng.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát hệ thống văn bản pháp luật, đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đồng thời, Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 67 của Chính phủ về kinh doanh thuốc lá với tinh thần nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hạn chế các tác hại tiềm ẩn đối với sức khỏe người dân.
Các đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Như Ý |
Trả lời tại phiên chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an giả định Trần Tử Quang cho hay, qua kết quả đấu tranh với tội phạm về ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử, Bộ Công an nhận thấy cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Bộ Y tế là hợp lý.
Theo "Bộ trưởng" Quang, thông tin từ cơ quan chuyên môn thì không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường.
Nhiều nước trên thế giới đã cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 5 nước ASEAN và Trung Quốc (nước phát minh ra thuốc lá điện tử). Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được cấp phép sản xuất, nhập khẩu kinh doanh tại Việt Nam, nên các sản phẩm đưa vào nước ta chủ yếu là nhập lậu.
Còn theo Bộ trưởng TT&TT giả định Trần Lê Hà Vy, Bộ đang tăng cường rà soát, đề nghị các trang mạng xã hội gỡ bỏ những nội dung quảng cáo về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngăn ngừa sự tiếp cận đến với trẻ em.
Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo về thuốc lá. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Quảng cáo sửa đổi, đề nghị các đại biểu quan tâm, cho ý kiến để quản lý chặt chẽ hơn đối với hành vi quảng cáo loại sản phẩm này.
100% đại biểu đồng ý cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn của các đại biểu “Quốc hội trẻ em”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em nói chung, cũng như chất lượng dân số, giống nòi của đất nước.
Các em rất tự tin và có sự nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ, chính xác. Tôi có chung cảm xúc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là tham dự phiên họp giả định, nhưng như đang tham dự phiên chất vấn thực sự. Các ý kiến hỏi và trả lời của các em rất là nghiêm túc, trách nhiệm thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của trẻ em”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói.
Muốn đất nước giàu mạnh, phồn vinh chúng ta phải có dân số khoẻ mạnh về trí tuệ, thể chất. Bảo vệ chăm sóc trẻ em là chăm sóc tương lai của đất nước.
Bà Lan cho rằng, “phòng chống tác hại của thuốc lá là chủ đề rất nóng bỏng” và qua phiên họp giả định này, càng khẳng định các đề xuất của Bộ Y tế trong việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đúng hướng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý |
“Chúng tôi rất vui mừng khi lắng nghe được số liệu 78,27% các em được tham khảo ý kiến, thống nhất đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tại hội trường này có 306 đại biểu trẻ em, một lần nữa chúng tôi xin được lắng nghe. Đại biểu Quốc hội trẻ em nào thống nhất với đề xuất cấm thì giơ tay biểu quyết để chúng tôi khẳng định định hướng này?” bà Lan nói.
Khi cả 306 đại biểu đều "đồng ý 100%" với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Y tế nói rằng, điều này thể hiện mong muốn của trẻ em và cần được các cơ quan nhà nước nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng đánh giá cao, tiếp thu các góp ý của các đại biểu trẻ em tại phiên họp giả định để hoàn thiện, tham mưu cơ chế chính sách quản lý trong thời gian tới.
"Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội khóa XV lắng nghe, tiếp thu ý kiến các em khi thông qua quyết sách giải quyết vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi. Quan trọng hơn là để chúng ta có thế hệ mầm non, thanh niên khỏe về thể chất và tâm hồn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước", bà Lan nói.
Theo TP