Bốn rủi ro lớn của kinh tế Việt Nam

(CTG) “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, do vậy, định hướng chính sách phải rất rõ ràng, nhất quán, trong đó mục tiêu hàng đầu là ổn định” - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, nhận định. Theo ông Thành, đây là cơ sở quan trọng nhất để giảm lãi suất tín dụng, từ đó thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư.


- Ông nhận định như thế nào về mức độ phục hồi kinh tế Việt Nam?


Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành

Hiện nay có hai quan điểm nhìn nhận về tình hình kinh tế Việt Nam, theo hướng trái ngược nhau. Góc nhìn lạc quan cho rằng, các chỉ số quan trọng của chúng ta ngày càng tốt lên, như: chỉ số tăng trưởng (GDP), xuất khẩu tăng trong khi chỉ số lạm phát, thâm hụt ngân sách được kiềm chế. Do vậy, chúng ta cần nới lỏng chính sách tiền tệ và tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế.

Quan điểm khác lại cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ở mức cao, thể hiện: các dự báo mới nhất của các tổ chức kinh tế thế giới như IFM, WB, ADB đều cho rằng, tính theo năm, lạm phát của Việt Nam vào 8,5 – 9,5%. Điều đáng ngại ở chỗ, với mức lạm phát từ 7%/năm trở lên, các chính sách của chúng ta rất khó hài hoà, nhất quán.

Nguyên nhân, nền kinh tế của chúng ta bị đôla hoá, lại có lãi suất tiền đồng (VND), lãi suất đôla, kỳ vọng mất giá VND (tỷ giá VND so với USD), và nếu ba yếu tố này không đảm bảo nguyên tắc cân bằng lãi suất thì rất dễ tạo ra hiệu ứng khuyến khích đầu cơ tài chính. Đứng ở góc độ hẹp, đầu cơ tài chính dễ mang lại lợi nhuận cao (rủi ro cũng cao), nhưng nhìn rộng ra, rất nguy hiểm cho sự phát triển ổn định, bền vững, bởi vốn chỉ loay hoay ở vàng, chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản mà không dành để sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Rủi ro thứ hai của chúng ta hiện nay là cán cân thanh toán quốc tế. Đến nay, mức thâm hụt dự báo của chúng ta đã lên tới 4 tỉ USD! Theo quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện vào khoảng 13 tỉ USD – một mức dự trữ rất mỏng và đây là một trong những áp lực căng thẳng nhất.

Rủi ro thứ ba là thâm hụt ngân sách. Nếu tính theo cách tính của quốc tế, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam phải lên tới 8 – 9% chứ không phải chỉ là 5,8 – 6% như cách tính của chúng ta. Nợ công năm nay cũng tăng cao, lên mức đỉnh điểm: 52%, chưa kể rất nhiều khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước về bản chất được Nhà nước bảo lãnh.

Rủi ro thứ tư là ổn định hệ thống tài chính Việt Nam chưa tốt. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tài chính, tín dụng có thể không cao nhưng nguy cơ gia tăng là hiện hữu. Các tập đoàn, nếu được kiểm toán đến nơi đến chốn, minh bạch hoá thông tin thì tôi tin rằng, nợ xấu, nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng sẽ gia tăng.

- Với nhiều rủi ro, bất ổn như ông vừa phân tích, chính sách tiền tệ sẽ phải theo hướng nào?

Với diễn biến này, quan điểm đưa ra là chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục thắt chặt. Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20% từ đầu năm đến nay, tôi đặt vấn đề, nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô của chúng ta đã tích cực như góc nhìn lạc quan nói trên, tại sao chúng ta cần nới lỏng tiền tệ thêm nữa? Không lẽ, để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta chỉ cần “quăng” tiền? Và nếu chỉ cần có thế, chắc chắn chẳng doanh nghiệp Việt Nam nào muốn tái cơ cấu. Tất nhiên, chúng ta không thắt chặt đến mức bóp nghẹt nền kinh tế, nhưng thông điệp cho thị trường phải rất rõ ràng là: Việt Nam phải lấy ổn định vĩ mô làm trọng!

Theo SGTT