Bức tranh môi trường thế giới năm 2010 qua 10 mảnh ghép

(CTG) Vào thời điểm hiện tại, thế giới đang đếm ngược từng thời khắc đi qua năm 2010. Và không thể phủ nhận, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới vẫn chưa được khắc phục triệt để thì các vấn đề xung quanh “sức khỏe” của trái đất cũng như mối quan hệ của chúng ta với môi trường sống rõ ràng luôn được xem là chương trình nghị sự quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin được điểm lại 10 sự kiện môi trường trên thế giới nổi bật trong năm



Trận động đất kinh hoàng tại Chile (Ảnh tư liệu)



1. Động đất và lở đất – vẫn chưa hết bàng hoàng về thiệt hại:

Trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi tháng 1 năm nay ở Haiti làm cả thế giới chấn động vì con số người thiệt mạng quá cao và còn vì Haiti là đất nước quá nghèo. Ngày 12/1, hơn 230.000 người đã thiệt mạng và mất tích trong vụ động đất được xem là mạnh nhất tại Haiti kể từ năm 1887 đến nay. Theo các chuyên gia, trận động đất mạnh 7 độ Richer ở Haiti có tác động "hủy diệt" và có sức mạnh tàn phá tương đương 10 độ Richter.

Mạnh hơn trận động đất ở Haiti 1.000 lần, trận động đất xảy ra ngày 27/2 ở Chile cũng đã tàn phá vô cùng nghiêm trọng với những dư chấn mạnh lan khắp Nam Mỹ và được đánh giá là một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới, khiến gần 1.000 người chết và mất tích. Trận động đất có thể đã khiến trục của trái đất bị dịch chuyển, dẫn đến ngày ngắn lại 1,26 phần triệu giây so với trước khi xảy ra động đất. Thiệt hại kinh tế cho Chile sau thảm họa này là khoảng 30 tỷ USD.

Tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng đối với người dân huyện Châu Khúc (Trung Quốc) khi phải đột ngột hứng chịu trận lở đất kinh hoàng và bất ngờ vào nửa đêm ngày 8/8/2010. Theo tính toán, có khoảng 1,8 triệu m3 bùn và đá đã tràn qua huyện này, chôn vùi hoàn toàn một ngôi làng. Trận lở đất đã để lại một khu vực dài tới 5km và rộng 300m hoàn toàn ngập trong bùn với độ dày trung bình là 5m. Tổng số nạn nhân thiệt mạng lên tới khoảng hơn 1.471 người, trong khi có 1.243 người được giải cứu và 294 người vẫn còn mất tích.

2. Thảm họa núi lửa và những hệ lụy tới môi trường và ngành hàng không thế giới:

Sau 200 năm ngủ yên, núi lửa nằm dưới sông băng Eyjafjallajokull, sông băng lớn thứ 5 ở Iceland bỗng hoạt động trở lại vào ngày 21/3 và sau đó là phun trào dữ dội vào ngày 14/4, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, đặc biệt là ngành hàng không của không chỉ Iceland mà còn tác động tiêu cực tới nhiều nước xung quanh. Đám tro bụi khổng lồ và khói nghi ngút, nhiệt độ tăng cao khiến người dân xung quanh vùng núi lửa phải sơ tán đến nơi khác, nhiều sân bay hàng không ở châu Âu phải đóng cửa, hàng triệu hành khách bị mắc kẹt…Hoạt động của núi lửa còn gây ảnh hưởng tai hại cho những khu vực ở xa như châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản, những nơi mà từ đó sản phẩm đã không thể vận chuyển sang châu Âu vì các đám mây tro. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, thiệt hại do tro bụi núi lửa Iceland gây ra cho ngành công nghiệp hàng không có thể lên đến ít nhất 200 triệu USD mỗi ngày.

Trong khi đó, thảm họa phun trào núi lửa Merapi ở Indonesia cũng đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với những người dân quanh khu vực, đồng thời còn đánh thức 21 núi lửa khác cùng hoạt động, gây nên những mối đe dọa lớn cho nước này. Sau lần phun trào kinh hoàng đầu tiên vào ngày 25/10/2010, núi lửa Merapi vẫn tiếp tục bắn ra những tia lửa và bụi xa tới 5.000m vào khí quyển trong các đợt bùng phát sau đó. Thảm họa bao trùm lên những ngôi làng và nông trang xung quanh ngọn núi, ngăn cản toàn bộ các hoạt động di chuyển bằng đường không. Ngoài ra, nó tạo nên những cơn mưa axit có thể ảnh hưởng đến khu quần thể chùa Borobudur nổi tiếng của Indonesia. Vụ phun trào này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 353 người (tính tới ngày 03/12/2010) và khiến khoảng 400.000 người phải sơ tán tới các khu vực tạm trú khẩn cấp.

3. Thủy triều đen và thủy triều đỏ hoành hành:

Vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico hồi cuối tháng 4 vừa qua được coi là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất mà nước Mỹ từng phải đối phó. Theo tính toán, lượng dầu đổ ra biển đã vượt quá 200 triệu gallon, cao gấp hơn 9 lần lượng dầu tràn trong thảm họa Exxon Valdez vào năm 1989 ở Alaska, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển ở cả khu vực rộng lớn. Nước Mỹ đã phải thực hiện một chiến dịch có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử để đối phó với một thảm họa sinh thái, trong đó huy động tới hơn 19.000 chiếc tàu, với 20.000 người tham gia dọn dầu loang.

Đầu tháng 10/2010, sự cố bể chứa chất thải của Nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar ở thị trấn Ajka - cách thủ đô Budapest (Hungary) 160km về phía tây nam - đã gây nên một tai nạn tràn hóa chất thảm khốc - bùn đỏ trong lịch sử nước này. Bùn đỏ độc hại - chất thải của quá trình tinh luyện bôxit thành nhôm, chứa nhiều kim loại nặng - đã tàn phá 7 thị trấn của Hungary, làm nguồn nước bị ô nhiễm, phá hoại hệ sinh thái khu vực và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ngoài ra, đợt “thủy triều đỏ” này cũng đã chảy đến sông Danube, đe dọa hệ sinh thái của 1 trong 2 con sông quan trọng nhất châu Âu. Chính quyền Hungary cho biết có ít nhất 4 người thiệt mạng trong tai nạn tràn khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ nêu trên, ngoài ra còn có hàng trăm người bị thương hoặc buộc phải sơ tán.

4. Thảm họa tự nhiên tàn khốc:
 
Năm 2010 khẳng định biến đổi khí hậu đi kèm với hàng loạt các thiên tai, thảm họa tự nhiên không còn là tương lai trừu tượng mà đang gõ cửa từng nhà, từng quốc gia và từng khu vực. Những tháng đầu năm, hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, làm đình trệ các hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng của châu Á, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế mưu sinh của 65 triệu người ở 6 quốc gia nơi dòng sông này chạy qua.

Sang đến mùa hè, tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài ở mức kỷ lục đã khiến nước Nga phải trải qua một đợt cháy rừng trên diện rộng. Từ cuối tháng 6/2010, nhiệt độ tại nhiều vùng của Nga đã lên đến mức 38-400C. Kỷ lục tại vùng Nga - châu Á vượt hơn 420C vào ngày 25/6; vào ngày 11/7, một kỷ lục được ghi nhận tại khu vực nước Nga châu Âu là trên 440C. Thiệt hại được cho biết lên đến chừng 15 tỷ USD.

Thêm vào đó là hàng loạt trận lụt lịch sử đã xảy ra ở Pakistan, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Ấn Độ, và cả Việt Nam. Trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8 đã tàn phá nước này trên diện rộng, cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD, châm ngòi cho dịch bệnh và bạo lực bùng phát ở đất nước đang phải vật lộn để chống lại những phần tử cực đoan và khủng bố.

Kể từ đầu tháng này, tuyết rơi nhiều đã gây ách tắc cho không ít chuyến bay tại các sân bay của châu Âu. Cơ quan Kiểm soát Không lưu châu Âu cho biết trong ngày 21/12 vừa qua, có đến 1.000 chuyến bay tại châu Âu bị hủy do băng tuyết. Đến ngày 22/12, tình hình ách tắc được cho là giảm bớt; tuy nhiên ở hai sân bay của Anh và của Đức hoạt động vẫn còn bị cản trở do băng tuyết. Đây là hai phi trường quốc tế bị tác động dữ dội nhất trong đợt băng tuyết vừa rồi ở châu Âu.

5. Nắng nóng lên tới mức kỷ lục:

Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA), ngày 19/9, cho biết năm 2010 là một trong những năm nóng nhất ghi nhận được. Nhiệt độ trung bình của trái đất trong 8 tháng đầu năm là 14,70C, bằng với nhiệt độ kỷ lục cùng kỳ năm 1998. Bên cạnh đó, một báo cáo độc lập của Trung tâm dữ liệu tuyết và băng quốc gia Mỹ cho biết diện tích băng bao phủ tại Bắc Cực thấp nhất trong năm và thấp thứ 3 kể từ khi vệ tinh bắt đầu đo diện tích băng bao phủ tối thiểu vào năm 1979.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ngày 02/12, cũng cho biết năm 2010 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử cận đại. Ở tất cả các khu vực trên trái đất, nhiệt độ không khí trên bề mặt đất và đại dương đều cao hơn 0,550C so với mức trung bình 140C của giai đoạn 1961-1990. Hai khu vực có nhiệt độ tăng cao nhất là Canada và Greenland với nhiệt độ cao hơn mức bình thường 30C và khu vực Bắc Phi và Nam Á (cao hơn từ 1-30C). Các chuyên gia của WMO nhận định nhiệt độ trung bình trong năm 2010 thậm chí còn cao các năm 1998 và 2005, là hai năm được coi là nóng nhất từ năm 1820 tới nay - thời điểm các số liệu về nhiệt độ bắt đầu được theo dõi. Những đợt nắng nóng bất thường cũng được ghi nhận ở Nga, Phần Lan, Ukraine và Belarus.

Mùa đông năm 2010 cũng khác thường với nhiệt độ thấp kỷ lục được ghi nhận ở Bắc và Trung Âu. Trong khi đó, ở khu vực Bắc Phi và Canada lại ghi nhận nền nhiệt ấm và khô bất thường trong mùa đông với nhiệt độ trung bình cao hơn mức bình thường 40C.

6. Nghị định thư Nagoya - hy vọng sống cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa:

Ngày 29/10, các Bộ trưởng Môi trường và đại biểu của hơn 200 quốc gia trên thế giới đã đi đến thống nhất về một thỏa thuận ấn định những mục tiêu mới cho năm 2020 để bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh học và đấu tranh chống lại hiện tượng tuyệt chủng của nhiều hệ động thực vật trên trái đất, cũng như chia sẻ một cách bình đẳng các lợi ích chung.

Đối với rất nhiều người tham dự, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, chưa từng có, được ký kết tại Nagoya (Nhật Bản) trong Hội nghị lần thứ 10 các nước ký hiệp ước về đa dạng sinh học (COP10) với mục tiêu cốt lõi là cứu lấy hệ sinh thái. Các đại biểu đã cùng thống nhất về việc chia sẻ lợi ích liên quan tới các nguồn lực tự nhiên chung giữa các chính phủ và doanh nghiệp. Sự kiện này được xem là điểm nhấn đặc biệt trong khi năm 2010 được Liên hợp quốc chọn là Năm quốc tế về đa dạng sinh học.

7. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về loài hổ:

Lãnh đạo của 13 nước có hổ trong môi trường hoang dã, trong đó có Việt Nam, gặp nhau tại thành phố Saint Petersburg của Nga hồi tháng 11 vừa qua để thảo luận về các biện pháp bảo vệ loài hổ. Hội nghị đã ra Tuyên bố Saint Petersburg. Theo đó, các nước tham gia Hội nghị sẽ bảo vệ môi trường sống, ngăn chặn nạn săn bắt hổ và buôn bán các bộ phận của chúng, cung cấp tiền cho công tác bảo tồn để tăng gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao nhất nhóm họp vì một loài đơn lẻ. Vì thế, các tổ chức bảo tồn coi Hội nghị thượng đỉnh về hổ tại Nga là một sự kiện lịch sử. Hội nghị mở ra đường sống cho loài hổ, đồng thời mang đến hy vọng mới về việc bảo tồn sự đa dạng sinh thái của trái đất. Hội nghị thượng đỉnh ở Saint Peterburg về hổ được coi là rất cần thiết vì nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tồn vong của một trong những loài động vật hoang dã quý hiếm đang có nguy cơ mất dần, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học cho hành tinh của chúng ta.

8. Nạn phá rừng Amazone được kiềm chế ở mức thấp nhất từ trước đến nay:

Ngày 02/12, Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira cho biết: từ tháng 8/2009 - 7/2010, diện tích bị chặt phá tại rừng Amazon là 6.451km2, mức thấp nhất được thống kê trong lịch sử. Con số này tương đương mức giảm 14% so với chu kỳ 12 tháng trước đó (8/2008-9/2008), nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu mà chính phủ Brazil đề ra là 5.000km2. Tuy nhiên, bà Teixeira nhấn mạnh chỉ số trên là rất khả quan và là niềm tự hào của đất nước lớn nhất Nam Mỹ.

Do là nước có cơ cấu năng lượng mang tính tái tạo cao, việc giảm tỷ lệ chặt phá rừng là nhiệm vụ chính của Brazil trong mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phá rừng là thủ phạm gây ra tới 2/3 lượng khí thải CO2 của quốc gia Nam Mỹ này. Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Để bảo vệ “lá phổi hành tinh,” trong những năm qua, chính phủ Brazil đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ rừng Amazon.

9. Hoàn thành cuộc tổng điều tra Marine Life mang tính lịch sử:

Sau thời gian hợp tác kéo dài 10 năm liền, các chuyên gia từ hơn 80 nước trên khắp thế giới đã hoàn thành cuộc điều tra mang tính lịch sử về các “cư dân” của đại dương. Cuộc điều tra tên gọi “Census of Marine Life” (Cuộc điều tra dân số về đời sống biển) là một trong những dự án hợp tác khoa học lớn nhất từng được thực hiện từ trước tới nay. Dự án kéo dài một thập niên, bắt đầu năm 2000 và kết thúc vào năm nay, với mục đích nghiên cứu và thống kê các sinh vật trong lòng đại dương. Hơn 2.700 nhà khoa học đã tham gia dự án, với trên 9.000 ngày hoạt động dưới biển trong hơn 540 cuộc thám hiểm và nhiều ngày làm việc tại các phòng thí nghiệm và kho lưu trữ.

Ngày 13/12/2010, cuộc điều tra đã chính thức cho ra mắt các bản đồ, 3 cuốn sách và một bản tóm tắt khái quát những phát hiện sau 1 thập niên nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng tuyên bố đã thống kê được 201.206 loài sinh vật biển trong cuộc điều tra. Dự án trị giá 650 triệu USD nhận hỗ trợ tài chính và sự trợ giúp từ hơn 600 tổ chức, trong đó có chính phủ các nước, các tổ chức tư nhân, các tập đoàn, các tổ chức phi lợi nhuận, các trường đại học và thậm chí là 5 trường trung học.

10. Thỏa thuận khí hậu lại được đem lên bàn đàm phán:

Thêm một vòng đàm phán quan trọng của Liên hợp quốc đã kết thúc. Sau hai tuần thảo luận và tranh cãi tại thành phố Cancun (Mexico), ngày 11/12/2010, đại biểu đến từ gần 200 quốc gia trên thế giới đã nhất trí thông qua một thỏa thuận cho phép tiến bước trên con đường chống lại hiên tượng biến đổi khí hậu. Tại cuộc gặp gỡ ở Cancun lần này, các quốc gia thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã nhất trí thành lập Quỹ khí hậu Xanh (Green Climate Fund) đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Thế giới (WB) trong 3 năm đầu tiên. Quỹ khí hậu Xanh nhằm quyên góp 100 tỷ USD, trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, để bảo vệ các nước nghèo chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hỗ trợ họ phát triển với mức thải carbon thấp. Bên cạnh đó, thỏa thuận Cancun còn kêu gọi cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon do biến đổi khí hậu gây ra và nhất trí với những vấn đề thực tế để chống lại việc phá rừng và chia sẻ công nghệ xanh với các nước đang phát triển. Tuy không thỏa mãn được kỳ vọng đặt ra từ Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen lần trước song thỏa thuận Cancun lần này cũng phần nào bù đắp những thiếu hụt trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế đấu tranh chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu./.

 

 


Theo ĐCSVN