Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ

(CTG) Liên hoan Vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca năm 2022 là cơ hội để sinh viên biểu diễn tài năng và giúp cho các làn điệu dân ca, vọng cổ đến gần với mọi người hơn.

 

Ngày 17.7, tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM diễn ra vòng sơ loại Liên hoan Vọng cổ và các ca khúc mang âm hưởng dân ca năm 2022 với chủ đề “Non sông gấm hoa”. Chương trình do Nhà văn hóa Sinh viên TP HCM phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức.

 Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ - ảnh 1

Thí sinh tham gia liên hoan trình diễn nhiều tiết mục dân ca, vọng cổ các vùng miền trên cả nước

PHÚC KHA

Chương trình tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao văn hóa thưởng thức, tiếp cận các thể loại văn hóa dân tộc, duy trì các hoạt động âm nhạc trong trường học. Hơn nữa, hội thi là cơ hội để các thí sinh biểu diễn tài năng, là cầu nối giúp cho các làn điệu dân ca, vọng cổ đến gần với mọi người hơn.

“Tôi rất thích các bạn sinh viên ở sự tự tin, các bạn hãy thể hiện điều đó bằng chính lời ca, tiếng hát của mình để giành kết quả tốt nhất”, nghệ sĩ Minh Trường, quán quân Chuông vàng vọng cổ năm 2014, thành viên Ban giám khảo, nhắn gửi các thí sinh tham gia cuộc thi.

 Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ - ảnh 2

Với chất giọng ngọt, thí sinh Lê Vũ Nguyên Thanh, sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, đã mang đến cuộc thi ca khúc Bài ca đất phương Nam. PHÚC KHA

 Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ - ảnh 3

Thí sinh Bùi Thành Nhân thể hiện bài hát Miền tây quê tôi với phong cách trình diễn đậm chất miền Tây

PHÚC KHA

Liên hoan đã thu hút đông đảo thí sinh đăng ký dự thi đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại TP.HCM. Ở vòng sơ loại, các thí sinh được chia làm hai bảng A và bảng B để tranh tài. Bảng A thí sinh phải thể hiện 2 câu vọng cổ hoặc tân cổ giao duyên tối đa 7 phút; bảng B thí sinh biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca trong thời gian tối đa 7 phút. Sau vòng sơ loại, ban giám khảo sẽ đánh giá và chọn những thí sinh xuất sắc, hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết để bước vào vòng chung kết.

 Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ - ảnh 4

Ban giám khảo là những nghệ sĩ, ca sĩ, giảng viên có kinh nghiệm trong âm nhạc vọng cổ, dân ca

PHÚC KHA

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Tôi là người miền Bắc nhưng rất thích phong cảnh, con người, âm nhạc của miền Tây nên tham gia chương trình, tôi trình diễn ca khúc Hành trình trên đất phù sa. Tôi cảm thấy chương trình giúp cho thí sinh yêu thích âm nhạc dân ca có sân chơi để thỏa thích đam mê của mình".

 Cách để người trẻ lan tỏa giá trị của vọng cổ - ảnh 5

Chương trình thu hút đông đảo các sinh viên đến tham dự và cổ vũ

PHÚC KHA

Theo anh Phan Huỳnh Phúc, Phó ban tổ chức chương trình, liên hoan mong muốn tìm ra người chiến thắng xứng đáng và sẽ lan tỏa được giá trị của vọng cổ, những ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Theo TN