Cách làm mới trong giáo dục truyền thống cho tân binh

(CTG) Gặp gỡ, ôn lại truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ là hoạt động đã thành thông lệ ở nhiều địa phương. Ở mùa tuyển quân 2024, quận Tây Hồ đã triển khai một hình thức mới khi tổ chức buổi gặp gỡ tân binh tại một di tích lịch sử-văn hóa. Tại đây, các chiến sĩ tương lai vừa hiểu thêm về truyền thống cách mạng, vừa hiểu thêm văn hóa, lịch sử của quê hương, để từ đó, nâng cao trách nhiệm của mình.

Các tân binh đọc lời thề phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân tại đền Ðồng Cổ.
Các tân binh đọc lời thề phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân tại đền Ðồng Cổ.

Trong không khí trang nghiêm tại di tích của đền Ðồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ), chỉ vài ngày trước khi lên đường nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân, 57 thanh niên từ các phường trên địa bàn quận Tây Hồ cùng lãnh đạo quận thành kính dâng hương tại đền Ðồng Cổ. Sự ra đời của đền Ðồng Cổ thể hiện lịch sử lâu dài của quận Tây Hồ. Thần Ðồng Cổ khi xưa đã phò giúp các vị vua nhà Lý và từ thế kỷ thứ 11 được các vua nhà Lý phụng thờ để ghi công.

Trong không khí trang nghiêm ấy, bên cạnh ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ, những thanh niên trẻ còn được Ban Quản lý di tích đền Ðồng Cổ Hoàng Phạm Mưu kể lại những câu chuyện xưa. Ông Mưu nhấn mạnh: “Thời Lý, thần Ðồng Cổ đã hiển linh giúp Thái tử Lý Phật Mã dẹp loạn tranh giành ngôi báu. Thái tử Phật Mã lên ngôi, tức Vua Lý Thái Tông đã cho lập Hội thề.

Bách quan thề trước thần Ðồng Cổ: “Làm con bất trung, làm tôi bất hiếu, thần minh tru diệt”. Lễ hội Ðồng Cổ hằng năm tái hiện lễ thề năm xưa. Lời thề ấy cho đến nay vẫn còn ý nghĩa. Quân đội ta cũng có lời thề: “Trung với Ðảng, hiếu với dân”. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các cháu thanh niên ghi nhớ , phát huy giá trị của lời thề khi gia nhập quân ngũ, thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân”. 57 chiến sĩ tương lai của quận Tây Hồ đã thực hiện lời thề phụng sự đất nước, nhân dân tại đền Ðồng Cổ.

Gặp mặt ôn lại truyền thống của địa phương, động viên các tân binh là hoạt động thường xuyên mỗi mùa tuyển quân. Từ đặc thù của địa phương là địa bàn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, quận Tây Hồ đã có sáng tạo trong việc giáo dục truyền thống cho thanh niên. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết, việc tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn được các cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ chú trọng. Bên cạnh các buổi ngoại khóa trực tiếp tại các di tích lịch sử, văn hóa dành cho học sinh, những buổi giáo dục truyền thống cho thanh niên sắp lên đường nhập ngũ sẽ tiếp tục được tổ chức tại các di tích trong tương lai. 

Trong “mùa nhập ngũ” 2024, quận Tây Hồ có 57 thanh niên lên đường nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân. Chất lượng của tân binh nhập ngũ tại quận Tây Hồ ngày càng tăng cả về nhận thức chính trị lẫn trình độ học vấn. Trong số đó có 42 bạn trẻ đã hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, 34 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, 33 thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng.

Trong dịp này, có ba quần chúng ưu tú được vinh dự kết nạp Ðảng. Tân binh Phạm Ðình Hoàng sinh năm 1998, tốt nghiệp Trường đại học Ðiện lực Hà Nội chia sẻ: Dù đã tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng em nhận thấy việc rèn luyện trong môi trường công an nhân dân là cơ hội tốt để rèn luyện, cống hiến cho đất nước. Hôm nay, được đến đền Ðồng Cổ, em rất vui vì hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của quận Tây Hồ”.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chúc những thanh niên chuẩn bị nhập ngũ của quận Tây Hồ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới và bày tỏ mong muốn các chiến sĩ tương lai sẽ nối tiếp truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quận Tây Hồ khi phục vụ trong quân đội và công an nhân dân. Dù sau này các em làm công việc gì thì thời gian trong quân ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân sẽ là thời gian bổ ích để các em tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và hoàn thiện bản thân.

Theo Nhân Dân