Cách tân đũa tre tạo đầu ra cho sản phẩm

Cách tân đũa tre truyền thống và được thị trường ưa chuộng, Đinh Văn Tài (21 tuổi), ngụ TT.Lấp Vò, H.Lấp Vò, Đồng Tháp có thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng.

Đinh Văn Tài hiện là Bí thư Chi đoàn khóm Bình Phú Quới, TT.Lấp Vò. Không chỉ tích cực hoạt động Đoàn, phục vụ công tác tại địa phương, anh còn là người tiên phong cách tân đũa tre truyền thống, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Tài cho biết gia đình gắn bó với nghề làm đũa tre truyền thống suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, theo thời gian, đũa tre bị cạnh tranh với nhiều loại đũa chất liệu mới nên việc buôn bán ngày càng khó khăn.

Cách tân đũa tre tạo đầu ra cho sản phẩm - Ảnh 1.
 Đinh Văn Tài (bìa trái) với sản phẩm đũa tre cách tân - DUY TÂN

Năm 2022, Tài quyết định nghỉ việc ở một công ty, về quê khởi nghiệp với đũa tre "cách tân", tạo ra sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp mắt để vừa giữ nghề, vừa tăng thu nhập.

Theo Tài, đũa tre truyền thống chủ yếu được thợ vót sao cho đều tay, đầu nhỏ dần về cuối và không bị cong hoặc lồi lõm. Riêng Tài, nhờ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nên sản phẩm làm ra có thiết kế mới, độc đáo từ hình thức, mẫu mã. Đũa được đưa vào máy vót tạo hình xoắn, uốn lượn ở phần đầu để tạo thẩm mỹ và cầm chắc tay hơn, chiều dài chỉ 24 cm, thay vì 28 cm so với đũa tre truyền thống. Phần bao bì cũng được chăm chút với hộp giấy màu xanh, có túi hút ẩm và logo thiết kế nổi bật là hình ảnh cây tre VN.

Tài thường chọn tre mạnh tông để làm đũa. Loại tre này được lấy từ vườn nhà và mua của những nhà vườn lân cận. Hiện mỗi tháng, sản xuất từ 250 - 300 hộp đũa tre (mỗi hộp 10 đôi), giá bán 49.000 đồng/hộp.

Sản phẩm đũa tre cách tân đang được nhiều người biết đến. Ngoài người dân địa phương, một số tỉnh lân cận như An Giang cũng thường đặt mua. "Hiện nay, người tiêu dùng quay về với đũa tre. Sản phẩm đũa tre thiên nhiên được cách tân với diện mạo, bao bì mới thì càng được ủng hộ", Tài chia sẻ.

Anh Lê Hữu Thuận, Phó bí thư Đoàn thanh niên TT.Lấp Vò, cho biết với đũa tre truyền thống, Tài đã áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nên nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. "Trong khởi nghiệp, Tài mới vừa thương mại hóa sản phẩm lên tầm khoảng gần 1 năm. Về đăng ký kinh doanh, phát triển bao bì sản phẩm, phân tích kiểm định đo lường an toàn sản phẩm theo định kỳ đều đạt chuẩn. Sản phẩm hiện đang trình hội đồng để đánh giá OCOP vào tháng 8.2023", anh Thuận cho biết.

Vừa qua, sản phẩm đũa tre cách tân của Tài đoạt giải nhất cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H.Lấp Vò năm 2023". Thời gian tới, Tài sẽ đa dạng sản phẩm, tận dụng mắt tre để làm ra cốc, ly uống nước… bán ra thị trường.

Theo Thanh Niên