Cần một xã hội an toàn cho trẻ

(CTG) Trong năm 2010, liên tiếp xảy ra các vụ hành hạ trẻ em nghiêm trọng đang trở thành một vấn đề nhức nhối, gây nên làn sóng bất bình cho xã hội. Điển hình có thể kể đến như vụ hành hạ cháu Hào Anh, mọt trong sáu vụ án gây chấn động năm 2010.


Tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị bạo hành

Những vụ bạo hành trẻ em gần đây cho thấy, trẻ có thể bị bạo hành trong bất cứ môi trường nào: cộng đồng, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở trông giữ trẻ; thậm chí ngay trong gia đình…

Cuối tháng 4.2010, một vụ tra tấn trẻ em được phát hiện tại Đầm Dơi, Cà Mau gây chấn động và bức xúc cho dư luận xã hội. Nạn nhân là cháu Nguyễn Hào Anh 13 tuổi, làm thuê cho vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức là Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm (ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Di chứng trên cơ thể cháu Hào Anh là chi chít các vết sẹo chồng lên nhau, gương mặt xưng vù bởi vô số những trận đòn ác nghiệt của vợ chồng Giang – Thơm.

Bà Lê Thị Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTE) Ban đại diện phía Nam, tỏ ra bức xúc: Hiện nay, lực lượng cán bộ xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở xã, phường quá mỏng, thiếu đồng bộ và chuyên nghiệp, thiếu sự phối kết hợp giữa chính quyền và các tổ chức xã hội, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng. Hồi tháng 9/2010, bé Lê Quang Vinh bị cô giáo trường MN Hoa Lan (TP HCM) nhốt vào thang máy gây thương tích nghiêm trọng, nhưng sự việc xảy ra hơn 1 tháng mà không cơ quan chức năng nào biết để vào cuộc. Phải đến khi mẹ cháu Vinh tới nhờ Hội BVQTE can thiệp thì vụ việc mới được làm sáng tỏ. Gần đây là vụ bé Thúy Ngân (3 tuổi) ở Bình Dương, bị bảo mẫu Trần Thị Phụng bạo hành bằng những trận “tắm đòn” tàn nhẫn. Điều đáng nói là cơ sở trông giữ trẻ không phép, không đủ điều kiện này đã tồn tại 10 năm mà không hề bị chính quyền “hỏi thăm”, xử lý.



Cháu Hào Anh đầy vết thương trên người do bị hành hạ. Ảnh: LĐ

Thực tế cho thấy, do nhu cầu xã hội, tại các thành phố lớn, nhất là gần các khu công nghiệp vẫn còn rất nhiều nhóm trẻ tự phát, tiềm ẩn nguy cơ bạo hành đối với trẻ em. Nhiều người không công ăn việc làm, trình độ văn hóa thấp, từ ngoại tỉnh về thành phố thuê mướn chỗ ở rồi mở cơ sở trông giữ trẻ tại gia và coi đây là một “nghề kinh doanh”, bất chấp đạo đức và những quy định của pháp luật. Bà Thu cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, có cơ sở chật chội, diện tích chỉ khoảng 20 m2, không đủ điều kiện vệ sinh nhưng vẫn nhận trông giữ tới 30 cháu bé. Tới bữa ăn, nhiều cháu phải ngồi lên chiếc bô của mình để ăn cơm, vì không có chỗ. Bữa ăn của trẻ được nấu chung với nhà chủ, không đủ dinh dưỡng. Vợ chồng người trông trẻ thì mở miệng ra là chửi thề; họ phân công mỗi cháu làm “đại ca” một ngày, giao cho một chiếc roi để “tự quản” các bạn… Nhiều cha mẹ nói rằng, mặc dù biết cơ sở đó không đảm bảo, nhưng không gửi con vào đó thì cũng chẳng biết gửi ở đâu. Khi cơ sở giữ trẻ “chui” này buộc phải đóng cửa, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền thì số trẻ này mới được nhận vào các trường mầm non có đủ điều kiện, chứ cha mẹ các cháu thì không đủ tiền để xin được cho con vào những trường lớp tốt.

Một vấn đề tâm lý xã hội

Ông Đặng Hoa Nam, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, bạo hành trẻ em ngoài nguyên nhân thiếu hiểu biết pháp luật còn có nguyên nhân tâm lý - xã hội. Nhiều người lớn, thậm chí giáo viên, các bậc cha mẹ… đều hiểu rằng, hành hạ trẻ em (về thể xác và tinh thần) là vi phạm pháp luật, nhưng họ vẫn làm. Là vì chính bản thân họ cũng có những vấn đề tâm lý trầm trọng như bị dồn nén, bức xúc, bất mãn… nhiều khi mang tính bệnh hoạn. Họ đánh đập, hành hạ trẻ em vì mục đích ích kỉ, như là để “xả stress” hay giải tỏa căng thẳng.

Bạo hành trường học có nguyên nhân sâu xa là trẻ phải học hành quá tải, thiếu nơi vui chơi giải trí và hoạt động lành mạnh để cân bằng lại tâm lý cho các em. Ngoài giờ học, trẻ chẳng biết làm gì ngoài chúi đầu vào máy tính chơi game bạo lực, hoặc xem các trang web có nội dung độc hại… Tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng, phản ánh thái độ vô cảm, bế tắc trong đời sống tinh thần của giới trẻ, đồng thời là dấu hiệu cảnh báo một xã hội đang mất cân bằng nghiêm trọng giữa nuôi và dạy, giữa phát triển kinh tế và văn hóa - giáo dục.

Xã hội càng phát triển, đời sống tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, giáo viên, người trông trẻ, cha mẹ… càng có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Song, dịch vụ trợ giúp giải quyết những vấn đề tâm lý - xã hội (bác sĩ tâm lý, trị liệu, tư vấn học đường…) hầu như chưa có. Một số mục tiêu quan trọng trong “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010” không đạt được cũng khiến quyền được bảo vệ của trẻ em bị xâm phạm.

Cần xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ



Trẻ em tham gia diễn đàn “Nâng cao nhận thức và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em 2010”

Các kỳ họp gần đây, Quốc hội cũng rất bức xúc về vấn đề bạo hành trẻ em, nhưng để khắc phục và làm tốt công tác BVTE thì cần có những bước đi dài. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, vai trò đầu tiên và quan trọng trong công tác BVTE tại cộng đồng thuộc về các cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương. Cần bảo vệ trẻ em ngay từ khi có nguy cơ chứ không phải can thiệp sau khi vụ việc đã xảy ra. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt vẫn là tuyên truyền, kêu gọi người dân và các cơ quan truyền thông phát giác, tố cáo những vụ bạo hành trẻ em; pháp luật cần xử lý thật nghiêm để có tính giáo dục, răn đe…

Giải pháp trung hạn là kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong hệ thống BVTE tại cộng đồng. Rất cần thiết phải thành lập một tổ chức xã hội dân sự như Hội BVQTE tại địa phương để kết nối với các tổ chức phi chính phủ khác trong công tác BVTE. Theo bà Lê Thị Thu, trước đây cả nước có tới 160 nghìn cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số - gia đình - trẻ em tại cấp xã, phường, họ thuộc làu làu tình hình trẻ em ở địa phương như trong lòng bàn tay, vì thế những hành vi xâm hại trẻ em thường được phát hiện và ngăn chặn sớm. Đội ngũ này hiện nay không còn, công tác BVTE ở địa bàn dân cư gần như bị bỏ trống.

Mục tiêu dài hạn là cần xây dựng một hệ thống BVTE đồng bộ, từ thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật, đến các dịch vụ hỗ trợ… Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2010.

Theo Hội BVQTEVN