Cần xử phạt những người tung hình ảnh giả 'câu view' từ bão, lũ

(CTG) Có những video, hình ảnh lấy nước mắt của dân mạng suốt những ngày qua. Nhưng thực tế đó chỉ là những sản phẩm được dàn dựng. Dân mạng phẫn nộ với những người bất nhẫn lợi dụng câu chuyện bão, lũ để "câu view" (thu hút lượt theo dõi).

Dẫn dụ lòng thương xót của dân mạng

Trong ngày 11.9, dân mạng chia sẻ liên tục một bức ảnh liên quan đến bão, lũ. Cụ thể, bức ảnh ghi lại cảnh giữa tứ bề là nước, người đàn ông áo xanh đẩy chiếc thau có người phụ nữ và đứa bé trong đó. Nhiều fanpage đăng bức ảnh này kèm nội dung: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang…". Bức ảnh cũng khiến người xem thương cảm.

Tuy nhiên, sau đó dân mạng nhanh chóng phát hiện ra đó chỉ là một bức ảnh được chụp lại từ một video trên YouTube. Xác nhận với Báo Dân trí vào ngày 12.9, lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cũng cho biết bức ảnh chồng dùng chậu nhựa đưa vợ con đi sơ tán bão lũ trên địa bàn xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, được chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua là sai sự thật.

Cần xử phạt những người tung hình ảnh giả 'câu view' từ bão, lũ- Ảnh 1.

Bức ảnh này được chụp từ một video trên YouTube, đây là sản phẩm được dàn dựng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Câu chuyện trên không phải là ngoại lệ. Hiện tại trên mạng xã hội, nhất là Facebook, xuất hiện không ít những video, hình ảnh gắn với nội dung bão, lũ nhưng sự thật sai thực tế.

Chẳng hạn, từ đêm 11.9, trên Facebook xuất hiện video ghi lại cảnh một bé trai khóc nức nở. Dân mạng chia sẻ video này kèm chú thích: "Xót xa đau lòng quá, nước trôi mất mẹ con rồi không tìm thấy đâu". Để rồi nhiều người xem nghẹn ngào, thương xót. Không ít bình luận cho rằng bé trai ấy rơi vào tình cảnh mất mẹ trong thời điểm bão lũ đang diễn ra ở miền Bắc.

Tuy nhiên, sáng 13.9, xác nhận với người viết, bà Mai Thị Xoan, giáo viên điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường phổ thông dân tộc bổ túc tiểu học và THCS Phải Lủng, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khẳng định bé trai trong video là Giàng Mí Lúa, có mẹ là Giàng Thị Sùng, ngụ ở thôn Mã Pì Lèng.

"Em ấy không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn. Thời điểm ghi hình này em là học sinh mẫu giáo 5 tuổi. Còn hiện tại em đã là học sinh lớp 1 do tôi trực tiếp tiếp chủ nhiệm. Hiện tại gia đình em vẫn đầy đủ cả bố mẹ. Em khóc là do theo mẹ xuống nương thôi. Và có thể người quay lại khoảnh khắc này của bé không hiểu được ngôn ngữ tiếng địa phương nên không rõ được bé nói gì", bà Xoan nói.

Anh Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC), người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (chongluadao.vn), hiện là chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết hiện nay có một số người đã dẫn dụ bằng lòng thương xót qua những hình ảnh được tạo bằng AI (trí tuệ nhân tạo) để "câu view", thậm chí không loại trừ việc lừa tiền từ thiện. Anh Hiếu đã dẫn chứng bằng hai hình ảnh do AI tạo nên cảnh những đứa trẻ nằm, ngồi dưới bùn đất. Theo anh Hiếu, hành động này là "quá ác và nhẫn tâm".

Cần xử phạt những người tung hình ảnh giả 'câu view' từ bão, lũ- Ảnh 2.

Video về bé trai khóc nức nở này cũng khiến dân mạng thương xót. Nhưng thực tế video này đã quay từ lâu, không phải trong thời điểm bão, lũ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đừng bất nhẫn!

Theo nhà văn Tống Phước Bảo, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, việc một số YouTuber cố tình diễn để "câu view" là hành động bất nhẫn. Anh Bảo nói: "Không nên tiếp tay lan truyền cho những content (nội dung – PV) "bẩn" như vậy, nhất là trong lúc cả nước đang hướng về miền Bắc trong cơn nguy biến này".

"Nội dung mùa bão, lũ có nhiều cách làm, nhiều cách tự khiến người đọc, người xem sẽ like, sẽ chia sẻ mà không cần diễn trước mất mát của đồng bào mình. Mong rằng những người làm sáng tạo nội dung đừng bất nhẫn", anh Bảo nói thêm.

Nhà văn Hoài Hương, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, cũng nói: "Không nên cổ xúy bằng cách like, share (thích, chia sẻ - PV) những hình ảnh mà một bộ phận dân mạng tự dàn dựng lên như thế".

Cần xử phạt những người tung hình ảnh giả 'câu view' từ bão, lũ- Ảnh 3.

Những bức ảnh này do AI tạo ra, không phải được chụp trong đợt bão, lũ đang diễn ra ở miền Bắc

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự phẫn nộ, đồng thời mong rằng các cá nhân đừng tranh thủ chiêu trò, lợi dụng chủ đề bão, lũ để câu view, câu like. Có cả ý kiến kiến nghị cần xử phạt những người tạo dựng hình ảnh, video để tung tin giả...

Anh Lâm Văn Trường (29 tuổi), giám đốc một công ty về dịch vụ marketing ở đường Lâm Văn Bền (Q.7, TP.HCM), cho biết có nhiều cách để sáng tạo nội dung. "Nhưng đừng bày trò, lấy thương cảm của mọi người bằng cách tạo dựng nội dung sai sự thật. Vì "cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra". Nếu đăng video, hình ảnh dàn dựng để thu hút lượt tương tác, thì khi dân mạng phát hiện ra, họ sẽ bấm báo cáo, sẽ nhận những chỉ trích", anh Trường nói.

Theo anh Trường, cần tỉnh táo và xác thực thông tin trước khi chia sẻ những hình ảnh, video để không lan truyền những nội dung sai sự thật. Việc xác thực có thể bằng cách đọc xem trên các báo, kênh thông tin chính thống.

Theo TN