Đức Long hiện là sinh viên của Trường Cao đẳng FPT (Hà Nội). Chuyến đi xuyên Việt là ước muốn được nam sinh ấp ủ từ năm 18 tuổi. Ngày trước, Long không thiết tha với những chuyến đi xa. Long nghĩ: "Tại sao phải đi xa mệt người? Ở nhà ăn ngon không phải sướng sao?". Nhưng một lần được bạn chở đi Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Long cảm thấy rất thích thú.
Trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, bạn của Long rủ rê chạy xe đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) rồi quay về. Thế nhưng, khi đang trên đường, Long lại muốn có một chuyến đi dài hơn nữa. Anh quyết định tách đoàn tại TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và đi một mình đến Cà Mau. Sau đó, anh cùng xe máy lên tàu về lại Hà Nội.
Tổng quảng đường di chuyển khoảng 4.125 km tính theo dữ liệu đồng hồ đo của xe và tốn hết 32 lần đổ đầy bình xăng. Long tiêu khoảng gần 14 triệu đồng, chụp hơn 5.000 tấm ảnh.
Trong chuyến đi có rất nhiều cảnh đẹp, nhưng Long ấn tượng nhất là các cung đường ven biển qua các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. "Mình cảm thấy như đi trên cung đường hạnh phúc vậy. Chỉ cần đưa máy ra là sẽ có ngay những tấm ảnh đẹp. Khi về nhà, mình còn dự tính đầu năm 2025 sẽ đi xe máy đến Phú Yên, rồi chinh phục nốt mạn biển ở Bình Định, đồng thời đi lại những cung đường tuyệt đẹp ở đây", Long nói.
Long kể đoạn từ hồ Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) đến TP.Đà Lạt có hai tuyến đường để đi tới. Trong đó, có một tuyến đường đẹp nhưng đi xa hơn 30 km và tuyến ngắn hơn nhưng đường xấu, đầy bùn đất. Long chọn đi đường ngắn vì chủ quan.
"Mình từng đi khá nhiều đoạn đường đất xấu ở phía bắc nên nghĩ tuyến này chắc cũng dễ đi. Nhưng không, đó thực sự là tuyến đường khó nhất mà mình đã chinh phục. Bụi đất dày lên tới một gang tay, chưa kể "ổ voi, ổ gà". Đường rất dốc, xe lại chở nhiều đồ nặng nên khi đi bị đổ mấy lần. Kết quả là bụi đất bám vào đồ đạc, bẩn hết cả người. Mình và bạn đi cùng phải nhờ một anh trai người địa phương đẩy xe hộ mới có thể dắt qua được. Dù đường ngắn nhưng đứa nào cũng lấm lem bùn đất, người vắt kiệt sức lực vì dắt xe lên dốc quá nhiều. Đây là bài học rất lớn cho mình. Nếu đi phượt, bạn nên chọn đường đẹp. Dù phải đi xa một chút nhưng vẫn yên tâm", Long chia sẻ.
Nhiều bài học đong đầy qua chuyến đi
Long cho biết chuyến đi này gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Ban đầu, bố mẹ Long vừa nghe tin con trai dự tính đi phượt đã không đồng ý. Thế nhưng, thấy con quyết tâm cao độ, bố mẹ đành gật đầu nhưng dặn con trai nhớ cẩn thận. Trong suốt hành trình, anh chàng luôn đặt sự an toàn của mình lên hàng đầu, tránh để gia đình ở nhà lo lắng.
Khó khăn kế tiếp là tài chính. Khi đó, Long góp nhặt số tiền làm shipper nhưng vẫn không đủ kinh phí. Thấy thế, anh em, bạn bè ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và cho Long mượn tiền để hoàn thành chuyến đi đáng nhớ này.
Khó khăn tiếp theo đến từ chiếc xe Dream, như "người bạn" đồng hành của Long trong suốt 16 ngày xuyên Việt. Đây là chiếc xe cũ được bố Long mua lại của người trong làng với giá 14 triệu đồng để Long đi học. Dù từng cùng chiếc xe chinh phục hết những đường đèo ở phía bắc nhưng Long không hề thích nó chút nào. Lý do vì chiếc xe này khá yếu khi leo đèo.
"Mình là con trai nên thích những chiếc tay côn mạnh mẽ. Chuyến đi này mình cũng dùng chiếc xe Dream này bất đắc dĩ vì không còn phương tiện khác. Trong đầu mình luôn nghĩ sau khi đi sẽ bán xe này và mua chiếc khác. Thế nhưng, chợt nghĩ về những trải nghiệm từng có với nó, nhớ đến bố mẹ phải vất vả ra sao để có khoản tiền mua xe cho mình, nên đã thôi ý định bán nó", Long chia sẻ.
Long kể: "Khi mình đăng ảnh lên mạng xã hội, nhiều người bình luận: "Xe này cũng đi phượt được hả?", "Rồi có chạy nổi không?". Mặc dù đối với nhiều người, nó là một chiếc xe cũ kỹ bình thường. Nhưng với mình, nó là những năm tháng sinh viên cùng mình đi học, chạy giao hàng khắp nơi. Mình sẽ giữ nó lại như một "người bạn" đồng hành trong suốt những tháng năm tuổi trẻ".
Sau chuyến đi, Long nhận ra Việt Nam mình có rất nhiều phong cảnh đẹp. Long còn tự tin và cởi mở hơn trong giao tiếp, dù trước đó nam sinh từng tự nhận mình là người khá nhút nhát, rụt rè.
"Tuổi trẻ là khoảng thời gian rất đẹp. Nếu để nó trôi qua không có gì đáng nhớ thì rất lãng phí và tiếc nuối. Mình luôn nghĩ tuổi trẻ nên làm một thứ gì đó lớn lao hoặc tạo ra những kỷ niệm. Chỉ cần nỗ lực, cố gắng đạt được mục tiêu, bạn sẽ có một tuổi thanh xuân thật ý nghĩa", chàng trai này chia sẻ.
Theo TN