Chàng trai miền sơn cước biến gốc tre xù xì thành đồ mỹ nghệ

(CTG) Chàng trai miền sơn cước Thái Đăng Tiến đã biến những gốc tre xù xì thành những sản phẩm mỹ nghệ vừa có giá trị kinh tế cao, vừa mang bản sắc dân tộc.

 

Ý tưởng từ sự lam lũ của bố mẹ

Trong xưởng sản xuất nhỏ của mình, Thái Đăng Tiến (SN 1987, Giám đốc Công ty TNHH Trà Lân BAMBOO) miệt mài đo đạc, đục đẽo những gốc tre mà anh gọi là “đầu thừa đuôi thẹo”. Anh tỉ mỉ lựa chọn từng ống, từng gốc tre có hình dạng tương đồng, cẩn thận phác thảo ý tưởng ra giấy, sau đó, cắt tỉa và lắp ghép khoảng 5 - 10 phút, hình dạng một chiếc cốc dần hiện lên.

Tiến có dáng người tầm thước, chắc khỏe, nụ cười tươi rói luôn thường trực. Với chất giọng miền rừng đặc sệt, chàng trai 34 tuổi chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến bố mẹ và bà con cứ nai lưng đốn cả rừng tre mà bán chẳng được bao nhiêu. Quê mình bạt ngàn tre, sao ta không làm đồ mỹ nghệ? Sao mọi người cứ phải khổ sở vác từng cây tre bán giá bèo bọt? Tôi quyết tâm phải tạo ra giá trị mới cho cây tre quê hương trong khi đang đi làm thuê ở Đài Loan”.

Học xong phổ thông, Tiến theo học khoa Gò - Hàn tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An), rồi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc). Không như mong đợi, suốt hai năm làm việc ở đây, anh chẳng có “của ăn của để”. Bù lại, chàng trai trẻ học được cung cách làm việc, nhất là kỷ luật lao động và cả lối sống thân thiện, trách nhiệm. Nhìn những đồ vật trong gia đình của người Đài Loan thân thiện với môi trường, anh càng háo hức ngày trở về quê nhà, chế tác các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ tre.

Trở về Việt Nam, Tiến bắt tay ngay vào triển khai ý tưởng, thành lập Công ty TNHH Trà Lân BAMBOO (tre Trà Lân) - địa danh đã đi vào lịch sử trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”.

Xưởng mỹ nghệ của anh lúc cao điểm thu hút 15 lao động, còn trung bình có 7 thợ lành nghề. Điều đặc biệt, 3 trong số đó là những người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ và 3 lao động là người dân tộc thiểu số.

Giữ hồn cốt làng quê

Theo Thái Đăng Tiến, để làm ra một sản phẩm từ tre không hề đơn giản. Xử lý nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Tre mua về phải luộc với muối rồi sấy khô. Tạo hình sản phẩm xong lại tiếp tục sấy khô... “Tôi đã thất bại không biết bao nhiêu lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho công đoạn này. Cuối cùng cũng tìm ra kỹ thuật sử dụng áp lực hơi để phun cát làm sạch sản phẩm”, Tiến chia sẻ.

Qua bàn tay của Tiến và các thợ lành nghề, thân tre có thể làm ra chiếc cốc, ấm, bình đựng hoa, đồ trang trí…; cành thì làm tay cầm, vòi nước; gốc tre có thể làm những ấm trà đặc biệt. Mỗi sản phẩm có những nét riêng biệt. “Hiện nhà nhà, người người chọn các vật dụng làm bằng gốm, sứ, nhựa,... Tôi chỉ mong muốn giữ lại một phần văn hóa dân gian, song hành cùng với các sản phẩm hiện đại”, Tiến nói.

Sau gần một năm hoạt động, hiện các sản phẩm từ tre Trà Lân đã được trưng bày, giới thiệu và bán cho du khách tại một số điểm du lịch nội tỉnh. Ngoài ra những sản phẩm từ tre của Tiến còn được quảng bá qua mạng xã hội. Sản phẩm đa dạng, bắt mắt đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng, giúp chàng trai miền sơn cước càng có thêm động lực để phát triển nghề mỹ nghệ.

“Chúng tôi rất vui vì những “đứa con tinh thần” của mình được mọi người đón nhận. Sự tín nhiệm của khách hàng là động lực giúp chúng tôi ngày càng nỗ lực, cố gắng hoàn thiện để cho ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng”, Tiến nói.

Nói về những dự định tương lai, ông chủ 8x cho biết, sẽ tạo điều kiện tuyển thêm các bạn khuyết tật đến làm việc, lên kế hoạch trồng mới vùng nguyên liệu và sắm thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Với dự án “Phát triển chuỗi giá trị cây tre bản địa theo hướng bền vững”, Thái Đăng Tiến đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2021” do Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức.

Theo TP