Cơ hội cuối cùng ở tuổi 27
Hôm nay, Trần Quốc Bình (27 tuổi), Phó bí thư Đoàn P.7, Q.10, TP.HCM, chính thức lên đường nhập ngũ. Điều này khiến những người xung quanh phải bất ngờ vì Quốc Bình bị cận, cũng như độ tuổi của anh chàng cũng sắp… đội sổ.
"Năm 2021, mình may mắn được kết nạp Đảng. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ đối với riêng mình, mà còn là niềm vui lớn của cả gia đình. Là đảng viên trẻ, mình càng nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, tiên phong, tình nguyện lên đường nhập ngũ để làm gương cho các bạn trẻ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương", Bình nói.
Để được đi nghĩa vụ quân sự, Bình đã phải rèn luyện để không tăng độ cận. Mắt của chàng Phó bí thư Đoàn phường duy trì ở mức 1,25 độ cận. Bình cho biết đã tự đề ra chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm chứa vitamin A, C. Đồng thời, Bình tiết chế dùng các thiết bị điện tử, đặc biệt là vào buổi tối.
Tuy nhiên, năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành, Quốc Bình phải cật lực cùng mọi người trong tuyến đầu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nên ước mơ đi bộ đội với chàng trai 27 tuổi vẫn còn dang dở.
Vào cuối năm 2022, Quốc Bình quyết tâm viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ với ước nguyện cống hiến một phần sức trẻ, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Thời điểm này, mình thật sự chín chắn về mặt nhận thức khi bản thân đã qua thời gian dài công tác tại địa phương cũng như được tổ chức Đoàn và Đảng bộ phường bồi dưỡng về mặt tư duy, ý thức và bản lĩnh. Chắc chắn, đây là cơ hội cuối cùng để mình được thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của một công dân. Đồng thời mình muốn viết nên một hành trình tuổi trẻ thật đẹp trong môi trường quân đội", Quốc Bình nhấn mạnh.
Tự hào màu áo lính
Ba của Quốc Bình từng là một chiến sĩ đã tham gia bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Với truyền thống cách mạng đó, gia đình Quốc Bình hết sức ủng hộ Bình thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bình thừa nhận trước đây anh chỉ có thể thấy được súng thông qua phim ảnh, bảo tàng và mô hình tháo lắp khi anh học giáo dục quốc phòng.
"Trước khi nhập ngũ, mình lo lắng không biết vào đó mình có được tham gia huấn luyện một số môn trong kỹ thuật chiến đấu hay không. Thật sự, mình rất muốn được thực hành tất cả các bài học liên quan đến súng. Với mình, hình ảnh tân binh được những người chiến sĩ hướng dẫn và thực hành với khẩu súng thật chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời mà chỉ khi tham gia nghĩa vụ quân sự mới được rèn luyện bài bản", Bình tâm sự.
Bình nói thêm: "Mình thấy rất tự hào vì trước đây mặc màu áo xanh của thanh niên, giờ đây mình được khoác lên mình màu áo xanh của người chiến sĩ".
Biết Quốc Bình viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, phụ huynh anh rất vui và hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp đứa con trai của mình trưởng thành, có bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng hơn...
"Hiện tại, mình đã nghỉ và bàn giao lại công việc ở Đoàn P.7 cho đồng nghiệp. Sau khi xuất ngũ mình hy vọng được quay về Q.10 tiếp tục công tác. Mình tin rằng bất kể nhiệm vụ, hay khó khăn nào mình cũng hoàn thành và vượt qua được", Bình bày tỏ.
Cận bao nhiêu độ thì được đi nghĩa vụ quân sự ? Thiếu tá Vương Thanh Phong, Trợ lý chính trị, công tác tại Trung đoàn 896, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, cho biết: "Theo điểm a, khoản 3, điều 4 Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng quy định công dân cận thị từ 1,5 độ trở lên và loạn thị thì được miễn nghĩa vụ quân sự. Dưới 1,5 độ thì nhập ngũ bình thường. Và khi đã đủ điều kiện nhập ngũ thì học bắn súng bình thường". Thiếu tá Phong cũng cho biết thêm dựa vào quy định của Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng, công dân dù có viết đơn tình nguyện nhập ngũ thì cũng phải đảm bảo yêu cầu là không cận hoặc bị cận dưới 1,5 độ mới được đi nghĩa vụ quân sự. Dù là tình nguyện hay đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự thì cũng áp dụng quy định này. Còn trong quá trình nhập ngũ, quân nhân bị cận thì thiếu tá Phong cho biết nếu quân nhân có nhu cầu sẽ được đưa đi điều trị, tùy theo mức độ cận mà thanh toán theo bảo hiểm. Quân nhân nhập ngũ có bảo hiểm cho bản thân. Đơn vị không hỗ trợ mà đó là kinh phí do bảo hiểm y tế thanh toán.
Xuân Phương
theo TNO