CHIA SẺ CÙNG THẦY CÔ 2022: GIÁO VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT: “LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI TÔI!”

(CTG) Định hướng nghề giáo dục đặc biệt được bắt nguồn từ người chị họ khiếm khuyết, cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1990, Trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập Khai Trí, tỉnh Vĩnh Phúc) bỏ qua những định kiến về con đường này, sẵn sàng dang tay chào đón và hỗ trợ những mảnh đời không may mắn.

Ký ức về người chị họ lúc khóc, lúc cười, lúc lại ú ớ la hét, dù đói hay khát cũng chỉ biết khóc luôn khắc ghi trong tâm tưởng của cô. Ngày ấy thắc mắc mãi “Chị bị làm sao mà cười khóc như vậy? Phải làm sao để chị nói được và không khóc, không cười vô cớ nữa?”. Cứ day dắt thế, thôi thúc thế dần dà trở thành động lực thúc đẩy cô Phương tìm hiểu và chọn đến với nghề giáo dục đặc biệt này.

(Bỏ qua những định kiến về ngành nghề, cô Phương cố gắng mở ra cơ hội mới cho các bạn nhỏ khiếm khuyết)

“Học ngành đấy ra trường để dạy mấy đứa câm điếc à? Người câm ở đâu mà nhiều thế? Rồi ra trường biết xin việc ở đâu?...” là câu hỏi mà cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương nhận được nhiều nhất từ khi lựa chọn con đường giáo dục đặc biệt. Thời điểm 2008, ngành này là một điều hoàn toàn mới và xa lạ với tất cả mọi người.

(Nhìn thấy những mảnh đời không may mắn, cô Phương càng muốn biết thêm nhiều hơn những phương pháp để giúp đỡ các bạn)

“Khi đó tôi bỏ ngoài tai về những câu nói mông lung của mọi người và mang trong mình quyết tâm sẽ cố gắng thi đỗ chuyên ngành giáo dục đặc biệt, tôi có mục tiêu để phấn đấu vì tôi biết rằng khi học ngành này việc đầu tiên tôi có thể hỗ trợ được cho chị tôi - người mà tôi luôn dành cả sự yêu thương. Tôi luôn đồng cảm và mong muốn được hỗ trợ cho cộng đồng người khuyết tật thật nhiều. Với sự quyết tâm cao, tôi đã làm được việc đó. Cầm trên tay giấy báo nhập học của khoa giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng sư phạm Trung Ương, tôi hào hứng vô cùng và bắt đầu đi trên con đường ước mơ mà mình đã chọn” - Những định kiến ngoài kia không phải là yếu tố có thể làm lay động tâm trí của cô.

Năm đầu tiên đăng ký vào nhóm sinh viên tình nguyện và đi hỗ trợ một trung tâm ở Hà Nội, cô giáo Phương được tiếp cận với những bạn thân xác 17, 18 tuổi nhưng trí tuệ chỉ dừng lại ở năm 4, 5 tuổi. Mong muốn học và biết được thêm nhiều những phương pháp để hỗ trợ các bạn của cô Phương lúc ấy càng cháy bỏng hơn.

Cũng là giáo viên, cũng là giảng dạy nhưng học sinh của cô là những bạn khiếm khuyết. Để đổi lấy một tiếng gọi mẹ, gọi bố, thậm chí là một cái giao tiếp mắt cũng phải mất rất nhiều thời gian và dụng tâm.

Mang trong mình sứ mệnh cao cả hỗ trợ và dìu dắt các em, cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương dành 100% sức lực, tình yêu thương và tâm huyết của mình hỗ trợ cho các em với hy vọng mang đến cho các em chân trời rộng mở, một tương lai tươi sáng. Tâm sự với chúng tôi, cô Phương bày tỏ chỉ có một mong muốn rằng xã hội hãy có cái nhìn bao dung hơn với các bạn khiếm khuyết, dừng lại việc xa lánh, kỳ thị.

“Cho tới bây giờ, nếu cho tôi chọn lại tôi sẽ vẫn chọn ngành giáo dục đặc biệt, vì đó là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời của tôi” - cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương hạnh phúc với con đường mình đã lựa chọn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

 

CTG