{Chia sẻ cùng thầy cô 2023}: Hành trình gieo con chữ của nữ giáo viên Bình Phước

(CTG) Vì chữ yêu, cô Nguyễn Thị Thúy Vân ước mơ được trở thành cô giáo, được ngắm nhìn các em lớn lên, cùng học, cùng chơi với các bạn ấy làm tâm hồn trong sáng hơn.

Ngay từ khi còn là học sinh thay vì theo đuổi những nghề mang lại nguồn thu nhập cao, được nhiều người chọn lựa thì cô Nguyễn Thị Thúy Vân lại chọn cho mình một nghề bình dị nhưng cũng đầy thanh cao – nghề nhà giáo. Đây là một công việc không phải đơn giản như mọi người hay nghĩ, luôn đầy khó khăn, thử thách nhưng với tình yêu với nghề cô cũng đã gắn bó với mái trường được gần 17 năm.

Vào tháng 9 năm 2006 sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Bình Phước cô được phân công công tác tại trường THCS Thanh Bình, Bình Long, Bình Phước. Đây là một ngôi trường nhỏ với 12 lớp học nằm ngay ấp Sóc Trăng xã Thanh Bình huyện Bình Long nên đa số học sinh đều là dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, ngoài thời gian đến lớp thì các em phải lên rẫy hoặc phụ giúp bố mẹ làm rất nhiều công việc khác. Một lần khi cô làm chủ nhiệm lớp, có một em người dân tộc S’Tiêng thường xuyên nghỉ học, sau khi học hết kỳ 1 ăn tết xong thì em nghỉ hẳn không đi học nữa cô phải hỏi thăm và đến nhà em để tìm hiểu nguyên nhân. Khi được biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà em phải bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình mà lòng cô buồn nặng trĩu. Cùng trò chuyện với gia đình cô càng thêm thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của họ, động viên con em đi học trở lại và bản thân cô hứa sẽ xin với nhà trường miễn hoàn toàn học phí cho học sinh ấy.

Hôm sau, vào buổi sinh hoạt cuối tuần, khi bất ngờ nhận được bịch rau của em học sinh đó ánh mắt cô nhòe đi vì xúc động. Có lẽ đây không phải là món quà giá trị về vật chất nhưng nó là món quà to lớn và ý nghĩa lớn nhất trong năm đầu tiên đứng trên bục giảng và cũng có lẽ là món quà ý nghĩa nhất trong suốt sự nghiệp trồng người của cô. Là động lực thúc đẩy cô vượt qua khó khăn, gắn bó với các em học sinh, gắn bó với nghề giáo đã chọn. Vì mỗi ngày vừa đi, vừa về trên đoạn đường bảy mươi hai cây số từ nhà tới trường phải qua những đoạn đường lô cao su vắng vẻ, đường xấu, nguy hiểm nhưng cô Vân vẫn kiên trì gắn bó với sự nghiệp mình đã chọn.

 

Sau 3 năm công tác gắn bó với nơi đây cô được chuyển về ngôi trường thứ 2 THCS Tân Lợi, Hớn Quản, Bình Phước. Ngôi trường đơn sơ với mảnh sân đất đỏ, xập xệ rất nhiều con bọ đen rơi từ trên những cây xà gỗ mục xuống, nhưng mọi thứ như chỉ là thử thách khi tình đồng nghiệp, tình thầy trò nơi đây vẫn thắm đượm nồng ấm. Sau 8 năm công tác ở đây cô được chuyển công tác về gần nhà, được phân công 1 vị trí mới – giáo viên tổng phụ trách đội. Đa số các em học sinh ở trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt gia đình tan vỡ, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, cô luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, không ngần ngại đánh từng trang về hoàn cảnh của các em để trình các cấp, các ban ngành xin hỗ trợ khi cần thiết, cố gắng để biết được đa số hoàn cảnh của học sinh trường mình và cũng vui biết bao nhiêu khi nhìn thấy các em được nhận những suất học bổng, những phần quà như sách, vở quần áo, xe đạp...

Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid 19 được phát hiện và hoàn hành ở nước ta, cướp đi nhiều sinh mệnh, cô cũng như nhiều đồng nghiệp khác khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ tham gia vào công tác chống dịch, chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh càng trân quý hơn cuộc sống này và luôn tâm niệm phải sống sao cho mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa.

Với những cống hiến cao đẹp của cô đã được hội đồng đội trung ương trao tặng bằng khen theo quyết định số 100/HĐĐTW ngày 22/11/2021; UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen theo quyết định số 14 QĐ/ĐTN-XDĐ ngày 25/8/2020; UBND thành phố Đồng Xoài tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở theo quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 25/7/2019, …

Đặc biệt, dịp này, cô Nguyễn Thị Thúy Vân vinh dự được là 1 trong 58 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Ngọc Ánh