Chính sách mới về tiền lương, đất đai, đăng kiểm có hiệu lực từ 4/2024

(CTG) Quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Chính sách mới về tiền lương, đất đai, đăng kiểm có hiệu lực từ 4/2024- Ảnh 1.

Ngày 23/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động. Theo đó, Nghị định sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về xác định quỹ tiền lương kế hoạch. Ngoài ra, Nghị định số 21/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định số 21/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư

Mặc dù Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng có 2 quy định của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Cụ thể, khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024. Trong đó, quy định:

+ Hoạt động lấn biển (Điều 190): Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

c) Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;

d) Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;

đ) Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

+ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15 (Điều 248), trong đó, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.

Thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"

Nghị định 28/2024/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến có hiệu lực từ 20/4.

Nghị định 28/2024 quy định thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" cho đối tượng là Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thực tiễn. Thanh niên xung phong được nhận Huy chương, Bằng Huy chương và tiếp tục hưởng các quyền lợi theo quy định của khen thưởng kháng chiến.

Danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực y tế phải thực hiện định kỳ chuyển đổi với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý

Từ ngày 15/4/2024, Thông tư 01/2024/TT-BYT quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương, bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi, bổ sung, công bố các loại giấy phép, giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, số phiếu tiếp nhận hồ sơ; ban hành danh mục, chương trình, tài liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.

Đơn cử trong lĩnh vực y tế dự phòng gồm có:

- Giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III, cấp IV;

- Giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm.

- Số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

- Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính;

- Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá;

- Giấy phép hoạt động đối với phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp.

Xem chi tiết danh sách vị trí công tác định kỳ chuyển đổi tại Thông tư 01/2024/TT-BYT.

Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 233/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2024 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT.

Theo quyết định, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, cụ thể có 2 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS) và Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS).

Thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT là Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sỹ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty, theo Thông tư số 03/2024/TTBGTVT ngày 21/2/2024 của Bộ trưởng Bộ GTVT đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974, ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2024.

Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước

Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 19 cơ quan đăng ký phương tiện.

Cụ thể, UBND cấp huyện (quy định của UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2. Theo đó, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện) (quy định cũ UBND cấp tỉnh) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.

Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ UBND cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Nghị định số 19/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.

 Danh mục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng để miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT 

Có hiệu lực từ ngày 22/4/2024. Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6/3/2024 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.

Trong đó, Thông tư này quy định miễn thi bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như sau:

Có một trong các chứng chỉ được quy định tại phụ lục của Quy chế này hoặc các Chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ GDĐT công nhận tương đương với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (đạt từ bậc 3 trở lên).

Chứng chỉ ngoại ngữ phải có giá trị sử dụng đến ngày làm thủ tục thi.

Danh mục chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT

Chính sách mới về tiền lương, đất đai, đăng kiểm có hiệu lực từ 4/2024- Ảnh 2.

Quy chuẩn Quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy

Thông tư 56/2023 của Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/4/2024.

Theo đó, yêu cầu chung với phương tiện phòng cháy, chữa cháy gồm:

Thứ nhất: Phải kê khai, khai báo phù hợp danh mục phương tiện tại Quy chuẩn này. Nếu chưa rõ chủng loại thì phải định danh chủng loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Thứ hai: Phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thứ ba: Phải thực hiện kiểm định phù hợp với Quy chuẩn này cùng các quy định khác có liên quan.

Các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phổ biến có thể kể đến: Vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước chữa cháy, đầu nối chữa cháy, bình chữa cháy xách tay…

Theo CTTCP