Chờ được đối thoại với Thủ tướng: Bạn trẻ quan tâm chuyển đổi số, khởi nghiệp, việc làm

CTG - Từ 8h sáng nay 22-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu buổi đối thoại với thanh niên dịp 92 năm thành lập Đoàn với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Đại biểu dự buổi đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 22-3 - Ảnh: NAM TRẦN
 

Đại biểu dự buổi đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 22-3 - Ảnh: NAM TRẦN

Chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà ở xã hội, tạo cơ hội việc làm và nghiên cứu... là những đề bài được các bạn trẻ nêu ra trước câu hỏi "Nếu được đối thoại với Thủ tướng, bạn sẽ nói gì?".

Khích lệ khởi nghiệp

Anh Lê Anh Tiến - Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2019 - nói để thanh niên có điều kiện khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, cần đào tạo sâu hơn về công nghệ số và ứng dụng 4.0, nhất là với sinh viên, học sinh. Thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp, trường học, xây dựng cộng đồng và mạng lưới liên kết, khuyến khích sự đổi mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số bằng cách tạo ra môi trường thử nghiệm các ý tưởng mới. "Chính phủ có các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, các start-up lĩnh vực công nghệ số" - anh Tiến kỳ vọng.

Bạn Phạm Như Quỳnh (Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP.HCM) nói nên có những giờ học ngoại khóa cho học sinh, những buổi nói chuyện truyền cảm hứng để nuôi khát vọng, tinh thần khởi nghiệp ngay từ lúc còn là học sinh. Theo Quỳnh, hiện không nhiều sinh viên có tinh thần khởi nghiệp dù có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Đoàn - Hội, chưa kể cần hỗ trợ nhiều cho dự án khởi nghiệp thanh niên.

Cơ hội làm việc và nghiên cứu

Tại Hà Nội, bạn Ngô Kim Hồng (Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai) thẳng thắn nói ngành y khá đặc thù, thời gian học dài, vất vả, học phí cao nhưng ra trường không dễ xin vào các bệnh viện. Nói áp lực công việc, thu nhập không cao khiến nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, Kim Hồng kỳ vọng có chính sách cho sinh viên ngành y, chế độ lương tương xứng sẽ phần nào ngăn làn sóng cán bộ y tế "công sang tư" hiện nay.

Chọn nghiên cứu khoa học, Trần Khang Duy (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận thấy các dự án, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong nước chưa được đầu tư nhiều trong khi đây là ngành đã và đang phát triển mạnh tại nhiều quốc gia. 

Theo anh, khi giá xăng dầu biến động theo hướng ngày càng tăng, nếu ngành năng lượng tái tạo phát triển sẽ giúp giảm tải áp lực năng lượng, phát triển bền vững. "Tôi rất kỳ vọng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo, cũng là tạo cơ hội việc làm cho nhân lực trong nước" - Khang Duy nói.

Khơi thông chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đối thoại cùng thanh niên sáng 21-3, chia sẻ về các chính sách liên quan đến thanh niên, đồng thời lắng nghe nguyện vọng, khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng của người trẻ. Các bạn mong muốn được hỗ trợ tốt hơn khi thực hiện chuyển đổi số, khởi nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay sắp tới sẽ thành lập Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng và nói có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng không nhiều người biết. "Có quỹ cấp cho 50 tỉ đồng nhưng 4-5 năm không dùng đồng nào. Không cần thêm cơ chế, chính sách mới mà triển khai hiệu quả những cái đã có sẽ tạo thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi số" - ông Triết nói.

TẤN LỰC

Nhà ở xã hội cho công nhân

Nhiều gia đình trẻ công nhân đang phải thuê trọ, tính toán chắt chiu mới có thể tạm trang trải nuôi con ăn học. Tôi rất mong Thủ tướng chỉ đạo để TP.HCM tính toán quỹ đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thật sự có nhu cầu.

Sẽ khó để công nhân vừa góp tiền nhà vừa trả tiền phòng trọ khi đợi giao nhà nên khi được xét mua nhà ở xã hội, cần hỗ trợ công nhân nhận nhà mới bắt đầu góp. Nếu không họ vẫn mãi luẩn quẩn trong câu chuyện "an cư".

Anh HUỲNH VĂN PHẨM (Quận Đoàn Bình Tân, TP.HCM)

THEO TT