Nhiều học sinh áp lực
Em Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9A6, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, kỳ thi tổ chức với 3 môn khiến em vơi đi một phần áp lực trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Năm nay, em dự định sẽ đăng ký NV1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng và NV2 vào trường THPT Nguyễn Trãi. Hai trường này có điểm chuẩn chênh nhau không nhiều là điều khiến em lo lắng và phải cân nhắc, tính toán để đặt NV3 làm sao để không trượt tất cả các NV.
“Kỳ thi khiến em cảm thấy lo lắng, áp lực rất nhiều. Ngoài học theo chương trình ở trường, từ năm lên lớp 9 em đã đăng ký đi học thêm các buổi chiều, thậm chí có khi học cả thứ 7, chủ nhật”, Quang Minh nói. Dẫu vậy, để yên tâm hơn, bố mẹ cũng đã tính toán, cân nhắc đến phương án dự phòng là đăng ký giữ chỗ ở một trường THPT tư thục.
Trong khi đó, em Nguyễn Hà Diệp Anh, học sinh cùng trường cho biết mục tiêu năm nay là sẽ thi vào lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Ngoài ra, em sẽ thi thêm một trường THPT chuyên thuộc trường ĐH và đăng ký NV1 vào Phan Đình phùng.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) trong giờ học môn Toán. (ảnh: Quỳnh Anh) |
Diệp Anh có thành tích học tập đáng nể, nhiều năm liền là học sinh giỏi, trong năm học 2023-2024 em đã đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Dẫu vậy, em nói rằng, vẫn cảm thấy lo lắng, áp lực vì những năm trước vẫn có em học tốt nhưng vẫn trượt. Điều em cảm thấy may mắn là luôn có thầy cô giáo, bố mẹ động viên và định hướng. Trong khi thầy cô tư vấn, định hướng với năng lực như vậy, em nên chọn đăng ký thi vào trường nào phù hợp thì bố mẹ cũng chuẩn bị phương án đặt cọc, giữ chỗ ở trường tư thục nhằm cho con yên tâm ôn luyện.
“Ngoài ra, em cũng đặt NV2, NV3 ở những trường năm ngoái có điểm chuẩn thấp để đảm bảo sẽ có chỗ học”, Diệp Anh nói.
Học sinh cân nhắc khi đặt NV
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, mỗi thí sinh được đăng ký NV dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3. Trong đó, NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Quy tắc xét tuyển là, học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét NV2, NV3. Học sinh không trúng NV1, được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 sẽ được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm.
Thầy Trần Xuân Điện, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Giảng Võ chia sẻ, dạy học sinh lớp 9, trong đó nhiều em đang áp lực cho kỳ thi sắp tới. Điều đáng nói, áp lực nhiều khi từ sự kỳ vọng con phải đạt được mục tiêu của phụ huynh, sau đó đến giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, trên lớp, thầy cô ngoài việc xây dựngkế hoạch dạy học, ôn tập đúng hướng còn cần làm công tác tư vấn tâm lý để các em được thả lỏng, học tập hiệu quả hơn.
Cũng theo thầy Điện, mỗi học sinh được đăng ký 3 NV vào trường THPT công lập. Trên thực tế, những năm trước vẫn có em học tốt nhưng trượt tất cả các NV. Những trường hợp đáng tiếc đó thường rơi vào những em chọn sai, a dua theo bạn để đăng ký trường, không tin, nghe theo định hướng của bố mẹ, thầy cô.
Năm học này, thầy cô bộ môn và chủ nhiệm vẫn bằng kinh nghiệm của nhiều năm dạy học sinh lớp 9 để tư vấn, định hướng các lựa chọn của học sinh. Điều này không thực hiện cảm tính mà hàng tháng, trường tổ chức các bài kiểm tra chung, lấy điểm số Toán, Ngữ văn nhân đôi, cộng điểm Ngoại ngữ như cách tính của Sở GD&ĐT. Từ đó, so sánh với điểm chuẩn của các trường THPT tuyển sinh hằng năm để cho học sinh thấy năng lực các em đang ở đâu để phấn đấu cũng như có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp.
“Hiện tại, thầy trò đang ở giai đoạn cũng cố, gói gọn chương trình kiến thức sau đó đến giai đoạn nước rút, tổng ôn tập. Thầy cô lưu ý học sinh, nếu các em thi chuyên sẽ bám sát cấu trúc đề thi của các trường chuyên vì đề chuyên có dạng cấu trúc riêng, từ đó kế hoạch ôn tập phù hợp. Còn học sinh chỉ thi kỳ thi chung của Sở GD&ĐT cần bám sát vào cấu trúc đề thi của những năm trước cũng như kế hoạch ôn tập của giáo viên đã định hướng”, thầy Trần Xuân Điện, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Giảng Võ. |
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói rằng, đây là thời điểm quan trọng để học sinh dành sự quan tâm đến việc chọn NV phù hợp. Mỗi học sinh được chọn 3 NV là điểm không mới nhưng học sinh và gia đình phải cân nhắc thật kỹ, chọn được NV sát với năng lực mới chắc thắng.
Trên thực tế, những năm trước đã có nhiều em trượt dù học tốt mà nguyên nhân là do chọn sai. Một trong những căn cứ để đặt NV đúng theo bà Hồng là: năng lực học tập thể hiện qua các bài kiểm tra, khảo sát; điểm chuẩn vào các trường năm trước.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này có 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới trường THPT công lập sẽ tuyển khoảng hơn 61% em, tương đương 81.200 em. Hơn 50.000 em còn lại sẽ tính toán phương án học trường tư, trường công lập tự chủ tài chính, Trung tâm GDTX- GDNN, học nghề… |
Theo TPO |