Chứng khoán ngày 31/8: Bật qua áp lực xả hàng

(CTG) Sức vươn của VN-Index tưởng chừng bị nhấn chìm trước áp lực xả hàng mạnh, nhưng đó chỉ là thử thách đối với một sức mạnh mới.

Dù  vẫn chiếm tỷ trọng thấp, nhưng hoạt động bán ra tập trung ở một số cổ phiếu lớn của khối đầu tư nước ngoài đã có ảnh hưởng nhất định đến chỉ số phiên hôm nay - Ảnh: Quang Liên.
Đã qua thời thị trường chứng khoán “phập phồng” theo tin tăng – giảm giá xăng dầu. Sự kiện giá xăng dầu tăng từ 0h00 hôm qua trở nên mờ nhạt trước một khí thế mới. VN-Index mở cửa tuần mới với mức tăng gần 1% sau đợt 1, nhanh chóng vọt lên đầu đợt 2, và tất nhiên đi cùng với đó là một làn sóng xả hàng chốt lời.

Một kết quả tích cực ở phiên cuối tuần trước tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn khoảng 30% (giảm dần trong các năm tiếp theo) là tin tốt hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm có ảnh hưởng lớn tới Index. Con số khoảng 5 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã giải ngân vào cổ phiếu do VAFI tính toán và công bố cuối tuần qua cũng có thể góp phần ủng hộ cho thị trường thời điểm này.

Nhưng, càng lên cao, áp lực chốt lời càng lớn. Điều đáng quan tâm là sức cầu có đủ để chống đỡ được áp lực đó. Trên thực tế, áp lực này đã thể hiện rõ ở lượng cung ồ ạt khi giá nhiều chứng khoán tăng vọt đầu giờ khớp lệnh liên tục; VN-Index “suýt” mất hết thành quả tăng trên 10 điểm trước đó. Diễn biến xả hàng đè giá diễn ra trọn giờ khớp lệnh liên tục. Và một lần nữa, điều đã xẩy ra liên tiếp những phiên vừa qua, lực lượng đánh lên lại thể hiện sức mạnh vào cuối phiên, VN-Index bật mạnh trở lại gần với sức vươn mạnh nhất trong phiên. Chỉ số này hiện đã lên mức 546,78 điểm (tăng 1,91%), cận kề mốc 550 điểm.

Đi cùng với những biến động mạnh và ấn tượng trên là sự tăng vọt của khối lượng và giá trị giao dịch. Hơn 75 triệu đơn vị với 3.142 tỷ đồng là kết quả toàn phiên trên HOSE hôm nay. Đây là kết quả quả hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ, nhưng sức cầu cũng thể hiện sự đối ứng cần thiết.

Trong quy mô đó, giao dịch của khối đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 5,14% mua và 9,14% bán trong giao dịch khớp lệnh toàn thị trường). Dù vẫn tiếp tục mua ròng 32,68 tỷ đồng giá trị, nhưng đây là phiên “dội bom” đáng chú ý của khối ngoại tại những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn.

Về khối lượng, DPM là mã khối đầu tư nước ngoài xả mạnh nhất trong phiên sáng nay, hơn 1 triệu đơn vị. Đây cũng là lượng hàng “khủng” nhất từ họ kể từ phiên ngày 9/6/2009 trở lại đây. Trước áp lực này, giá DPM giảm nhẹ 500 đồng/cổ phiếu.

Thấp hơn về quy mô, nhưng lại là phiên khá đặc biệt về lượng bán ra của khối ngoại tại PVF. Cổ phiếu của PVFC là tâm điểm bán ra thứ hai của họ sáng nay với 785.780 đơn vị, một lượng cung lớn nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HOSE (từ ngày 3/11/2008). Hướng xả hàng mạnh này cũng đã được gợi mở ở hai phiên liền trước. Giá PVF cũng lùi bước trước áp lực lớn này, giảm nhẹ 200 đồng/cổ phiếu, dù trong phiên có lúc tăng được 600 đồng/cổ phiếu.

Tâm điểm xả hàng thứ 3 của khối đầu tư nước ngoài là STB, bán ra tới 729.020 đơn vị, vượt trội so với lượng giao dịch trong hơn một tháng qua. Nhưng khối lượng này không đủ để đè bẹp sức cầu tại STB. Giao dịch tại cổ phiếu này bùng nổ, giá tăng khá mạnh thêm 1.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, tại PPC, khối ngoại cũng có phiên bán ra mạnh nhất kể từ đầu tháng 8, bán 250.500 đơn vị; nhưng cũng từ khối này có lượng mua vào khá cân bằng với gần 250.000 đơn vị.

Cả DPM, PVF và STB là những trụ cột của VN-Index. Theo đó, dù tỷ trọng thấp nhưng giao dịch bán ra có tính tập trung nói trên của nhà đầu tư nước ngoài phiên này đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số chung. Nhưng đây là phiên VN-Index nhận được sự hỗ trợ lớn từ đà lên giá mạnh của nhiều cổ phiếu lớn nhỏ; trong đó cần nhắc đến sức tăng trần của SSI sau một thời gian mất “vai trò tín hiệu”.

Trên HNX, đây cũng là phiên đánh dấu sự trở lại thực sự của nhóm cổ phiếu tài chính, điều cũng đã có được trên HOSE. Nổi bật nhất vẫn là VCG của Vinaconex, giá tiếp tục tăng trần và hiện đã đạt 38.400 đồng/cổ phiếu. Hầu hết các cổ phiếu lớn khác cũng đều tăng khá mạnh để cùng thúc đẩy HNX-Index vượt trên mốc 170 điểm; hiện ở mức 172,17 điểm, tăng 4,53 điểm (2,7%). Khối lượng giao dịch tại đây tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 37,8 triệu cổ phiếu với 1.295 tỷ đồng giá trị.


 

Theo VnEconomy