Chuyện của hai cô gái không đầu hàng số phận

(CTG) Hai bé gái song sinh, chào đời khi mới 7 tháng trong bụng mẹ, trải qua nhiều phen thập tử nhất sinh hai cô gái không đầu hàng số phận đã vươn lên mạnh mẽ nhờ tình yêu thương và sự hy sinh không thể đong đếm của cha và mẹ.

 

Đó là Nguyễn Kim Yến Nhi và Nguyễn Kim Yến Vy (21 tuổi) trú trong con hẻm nhỏ đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8, TP.HCM. Chào đời với cân nặng hơn 1 kg, nằm trong lồng kính 1 tháng và ở Bệnh viện Nhi đồng cả năm trời, chân tay không bình thường như bao em bé khác nhưng trí tuệ và ý chí sống của các em khiến bất cứ ai gặp cũng phải nể phục.

Chuyện của hai cô gái không đầu hàng số phận - ảnh 1

Nhi (phải) và em gái Vy với nụ cười rạng rỡ. THÚY HẰNG

Những năm tháng khó khăn nhất

Hồi tưởng lại những năm tháng khó khăn nhất, bà Kim Thị Yến Oanh (45 tuổi), mẹ của Nhi và Vy, kể: “Nghe bác sĩ chẩn đoán có thai đôi, tôi tụt luôn xuống giường hỏi lại “bác sĩ có nhầm không, tôi cũng mang thai đôi được à?”. Niềm vui chưa trọn, bà Oanh nghe bác sĩ nói là cả hai thai nhi đều không khỏe, tim thai yếu. Thai được 3 tháng, người mẹ bị dọa sảy thai. Tới 5 tháng, tình hình còn tệ hơn nữa, bác sĩ cảnh báo những trường hợp xấu nhất nhưng vợ chồng bà Oanh kiên quyết xin bác sĩ tìm mọi cách để giữ con. Thai được 7 tháng, bà trở dạ. Ngày 22.9.2001, cả hai em bé đầy đủ tay chân, tròn trịa ra đời. Vậy nhưng, những chuỗi ngày gian nan, cơ cực trên hành trình nuôi nấng các con mới bắt đầu.

Sinh thiếu tháng, Vy nặng 1,4 kg còn Nhi chỉ 1,2 kg, cả hai phải nuôi trong lồng kính. “Hai đứa quá yếu ớt không bú sữa được, bị sụt mất mấy trăm gram. Riêng Nhi ngày ấy có lúc một ngày con chết đi sống lại biết bao nhiêu lần khi cứ bơm sữa vào người là con tím tái, ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu. Tôi khô cạn hai mắt, không còn nước mắt để khóc cho hai con”, bà Oanh nghẹn ngào.

Lớn lên trên đôi vai mẹ cha

Hơn 2 tuổi, Nhi và Vy được gửi ở Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật 38 Tú Xương để bà Oanh đi làm, kiếm tiền nuôi các con. Từ năm các con 3 tuổi tới 6 tuổi, bà Oanh nghỉ hết mọi công việc, còn chồng vẫn đi chạy xe ôm, ba mẹ con cùng ăn ở, tập luyện trong cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu ở Vĩnh Long. Bà Oanh nói các con là cả cuộc đời, tiền có thể kiếm lại, nhưng sức khỏe cho con thì không thể chần chừ.

Một ngày mùa hè, hai vợ chồng bà Oanh và bé Nhi đứng trước cổng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, đường Phạm Thế Hiển, Q.8 để xin vào học. Thầy hiệu trưởng băn khoăn về sự tự chủ trong đi lại và vệ sinh cá nhân của Nhi. Bỗng Nhi nói với ba: “thả con xuống, con sẽ tự đi xin”.

Cô bé 6 tuổi, nhỏ như một con mèo, cứ thế tự lết từng bước vào phòng thầy hiệu trưởng trong sự kinh ngạc của mọi người. “Thầy nhìn em rồi đó, em khuyết tật như thế này, bây giờ mà em còn không được đi học nữa thì làm sao em có thể trả hiếu cho cha mẹ”, cô bé Nhi nói từng tiếng rành rọt. Thầy giáo gật đầu, mỉm cười “nếu một năm em không theo được các bạn thì chia tay”.

Bàn tay yếu xìu của bé gái ban đầu viết từng chữ khó khăn, nhưng chỉ sau nửa năm chăm chỉ tập luyện, Nhi học không kém gì các bạn trong lớp và luôn là học sinh giỏi suốt tiểu học. Dù bị té ngã cầu thang như cơm bữa, nhưng em không đầu hàng. Nhi được đi học trước, 1 năm sau, em gái Vy cũng được vào học, khiến các thầy cô đều nể phục nghị lực của hai chị em.

Hai chị em đến trường là sự nỗ lực, hy sinh không thể đong đếm của cả cha và mẹ. Đã nghỉ hưu 7 năm nay nhưng cô Võ Kim Hồng, cựu giáo viên Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, chủ nhiệm lớp 1 của Nhi và Vy, vẫn không thể nào quên hình ảnh xúc động ở cổng trường mỗi ngày.

Các con yên vị trong lớp học, vợ đi tới chỗ làm, còn ông Nhị cứ ngồi suốt ở trước phòng bảo vệ. Cô giáo kêu một tiếng “anh cho bé đi vệ sinh”, là người cha lại lật đật chạy mấy tầng cầu thang, ẵm các con vào toilet, xong xuôi lại nhẫn nại ngồi ở cổng trường, chờ con tan học. Chiều tối, bà Oanh đi làm về trông coi các con, ông Nhị lại đi chạy xe ôm, 11 giờ đêm mới trở về.

Thua thiệt về cơ thể nhưng trí tuệ thì không hề kém cạnh

Ở tuổi 21, Nhi đang là sinh viên năm 3 Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF). Anh Bùi Quang Đông, Trưởng phòng Công tác sinh viên UEF, cho biết Nhi có thành tích học tập giỏi, tuy có chút hạn chế về sức khỏe nhưng bạn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đặc biệt là các cuộc thi về học thuật.

Cô gái vóc dáng nhỏ bé như một học sinh lớp 5, bước đi khó khăn nhưng năng lực và sự tỏa sáng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cô gái cũng là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Dịch thuật, trưởng các nhóm tự học tiếng Anh tại khoa.

Còn Vy, sau khi học xong tiểu học, vì sức khỏe yếu hơn nên ở nhà, và đang tự học tiếng Anh và tiếng Trung qua internet. Hai chị em song sinh tâm sự: “Em muốn cho mọi người thấy rằng dù bản thân chúng em có thua thiệt một chút về cơ thể, còn trí tuệ, kiến thức, tư duy thì không hề kém cạnh. Chúng em muốn tự tạo cho mình những giá trị riêng”.

Vy cho biết đã nói với cha mẹ đưa Vy đi đăng ký hiến tạng, để khi không còn nữa, vẫn có thể cứu thêm một hoặc nhiều cuộc đời. Còn Nhi cho hay sẽ đăng ký hiến xác cho y học.

Theo TN