Chuyện của những người trẻ lập làng

Chỉ sau 6 năm xây dựng, từ vùng núi đồi hoang vu, một ngôi làng trù phú ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình đang được hình thành. Cư dân của ngôi làng này là những người trẻ, họ đang sát cánh cùng nhau để biến vùng đất cằn sỏi đá thành nơi đáng sống.

Chuyện của những người trẻ lập làng ảnh 1
Mô hình nông nghiệp sạch đang là hướng đi đúng để tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Làng TNLN Quảng Châu

6 năm gian nan

Nhìn những khu vườn xanh mướt dưới cái nắng gay gắt của tiết trời tháng 5, khó có thể hình dung, chỉ mới 6 năm trước, những nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống để chinh phục vùng đất khó này.

Anh Hồ Đức Phong, Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế tỉnh Quảng Bình nhớ lại: “Khi dẫn đoàn công tác của T.Ư Đoàn ra đây để khảo sát xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN), tôi đã rất lo lắng là các thành viên trong đoàn sẽ không tán thành. Ngày đó ở đây núi đồi hoang vu, toàn dây leo bụi rậm không một bóng người. Nhưng nhờ chuẩn bị kỹ phương án xây dựng, chúng tôi đã thuyết phục được các thành viên trong đoàn. Làng TNLN Quảng Châu được nhanh chóng khởi công từ nguồn vốn hỗ trợ gần 50 tỷ đồng của T.Ư Đoàn”.

Cuối năm 2016, Làng TNLN Quảng Châu được khởi công. Công việc đầu tiên là xây dựng đường sá, kéo điện lưới, xây trường học… “Nỗi lo nhất của chúng tôi lúc đó là ở khu vực này không có nguồn nước để phục vụ sản xuất và đời sống. Nếu không tìm ra nước, chắc chắn bao nhiêu tiền của, công sức bỏ ra đều đổ sông đổ biển. Sau nhiều mũi khoan thăm dò, chúng tôi đã may mắn tìm ra nguồn nước ngầm và mỗi gia đình được hỗ trợ một chiếc giếng khoan để phục vụ sản xuất và sinh hoạt”, anh Phong tâm sự.

Anh Đàm Thanh Ngân (SN 1991, quê ở xã Quảng Tùng), là một trong những cư dân đầu tiên lên đây lập nghiệp. “Ngày mới kết hôn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định nên kéo nhau vào miền Nam làm thuê. Năm 2016, khi Làng TNLN Quảng Châu thành lập, tôi đã làm đơn xin và được tiếp nhận nên hai vợ chồng quyết định về quê lên đây lập nghiệp”, anh Ngân nói.

Về làng mới, vợ chồng anh Ngân được cấp 3.000m2 đất để làm nhà, vườn và 2 ha đất rừng sản xuất, cùng các khoản hỗ trợ của dự án để tạo sinh kế ban đầu. “Nhớ lại những ngày đầu mới lên đây, nhìn thấy núi rừng hoang vu, không đường, không điện, có lúc 2 vợ chồng em nản, muốn bỏ cuộc. Nhưng sau 6 năm phấn đấu, cuộc sống gia đình đã tốt hơn. Sắp tới, tụi em dự định sẽ vay thêm vốn để đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi”, anh Ngân chia sẻ.

Mới 6 năm lên định cư ở làng mới nhưng vợ chồng anh Phạm Văn Trương (quê ở xã Quảng Châu) đã xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế nhờ phát triển kinh tế gò đồi và mở đại lý bán sơn. “Làng có mặt bằng rộng rãi, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đường giao thông thuận lợi nên dễ dàng đưa những sản phẩm nông sản đi tiêu thụ. Việc học hành của con trẻ nhờ đó cũng thuận lợi hơn trước đây”, anh Trương nói.

“Có dịp tôi vẫn ghé thăm Làng TNLN Quảng Châu. Nhìn những cư dân trẻ hăng say tạo lập cuộc sống mới để xây dựng nên một ngôi làng trù phú như hiện nay khiến tôi rất yên tâm. Hiện, Quảng Bình có 3 làng TNLN là An Mã, Trường Xuân, Quảng Châu; tất cả đang phát triển rất tốt, thu hút nhiều hộ gia đình trẻ lên lập nghiệp”. Anh Ðặng Ðại Bàng, Bí thư Tỉnh Ðoàn Quảng Bình

Kỳ vọng về một ngôi làng đáng sống

Anh Hồ Đức Phong, Tổng Đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình cho biết, Làng TNLN Quảng Châu có diện tích 182ha, dự kiến thu hút khoảng 100 hộ thanh niên của huyện Quảng Trạch vào định cư. Cho đến nay đã có 80 hộ gia đình thanh niên được tuyển chọn vào làng. Mỗi hộ gia đình được cấp đất ở, đất vườn khoảng 3.000m2 và 2ha đất rừng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, mỗi hộ còn được hỗ trợ 20 đến 22 triệu đồng để làm nhà ở tùy theo diện đội viên.

 

Tổng đội TNXP đã xây dựng một nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để trồng các loại rau, củ, quả và một khu vườn mẫu. “Nhà màng có diện tích gần 500m2, mỗi vụ cho thu hoạch 30 triệu đồng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ nên anh em vừa có thêm tiền để nhằm cải tạo vườn đất, vừa tái đầu tư, phát triển thêm các mô hình kinh tế nông nghiệp sạch khác”, anh Phong chia sẻ.

Theo anh Phong, để Làng TNLN Quảng Châu phát triển bền vững, ngoài việc hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch mang thương hiệu của làng, các gia đình còn được hỗ trợ trồng các loại cây thân gỗ lớn để có thu nhập cao, ổn định lâu dài.

“Tổng đội và các hộ dân đang cố gắng xây dựng nơi đây thành một ngôi làng kiểu mẫu, đáng sống. Sức trẻ, cùng với lòng nhiệt huyết, tôi tin chúng tôi sẽ làm được”, anh Phong quả quyết và kỳ vọng về một ngôi làng đáng sống nơi vùng núi phía Bắc tỉnh Quảng Bình trong một ngày không xa.

Theo TPO