Chuyên gia bày cách giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống bình thường mới

Trong Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”, các khách mời, diễn giả đã chia sẻ những thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến cuộc sống các gia đình; đồng thời trao đổi, tư vấn các giải pháp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh "bình thường mới".

Ngày 7/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chuyên gia bày cách giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống bình thường mới ảnh 1

Anh Nguyễn Hải Minh phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết: Diễn đàn là một trong những hoạt động thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”, giai đoạn 2021-2025. Chương trình có ba nội dung: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên; tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” và tổ chức các hoạt động xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”.

Trong đó, tổ chức các chương trình giao lưu trực tiếp và trực tuyến với thanh niên theo chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gìn giữ gia đình hạnh phúc, xây dựng các giá trị của gia đình hiện đại, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ trước khi kết hôn; tổ chức các sự kiện, cuộc thi có liên quan đến chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” để hiểu rõ giá trị của gia đình đối với bản thân và xã hội.

Thu nhập, chất lượng cuộc sống giảm

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Việc giãn cách đã đem lại cho gia đình những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như các thành viên gia đình ở bên nhau nhiều hơn, cùng nhau chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng, vui chơi... Nhưng cũng phát sinh những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh để lại những hệ lụy về việc làm, thu nhập hộ gia đình giảm sút, ảnh hưởng kinh tế.

Đợt khảo sát 500 hộ gia đình vào tháng 7/2021 cho thấy 88% hộ phải chịu ít nhất một trong những tác động việc làm như bị sa thải đối với lao động trả công; bị tạm thời nghỉ việc; bị giảm giờ làm việc. Thu nhập các hộ gia đình bị ảnh hưởng, giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019).

Chuyên gia bày cách giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống bình thường mới ảnh 2

Ông Khuất Văn Quý chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Theo ông Quý, hộ gia đình chủ động về kinh tế nhưng thu nhập từ lao động vẫn giảm. Điều này đã giảm chất lượng cuộc sống và tác động lớn trên các khía cạnh phi kinh tế của đời sống hộ gia đình; sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề nhức nhối đang nổi lên. Giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em, gây khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Thống kê của T.Ư Hội LHPN Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ.

TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Theo Tổng cục Thống kê (2021), trong 9 tháng đầu năm 2021, có tới 85,5 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 3,43% và thiếu việc làm 4,39%, tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

"Trong bối cảnh đó, lao động thanh niên, vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm thỏa đáng trong điều kiện bình thường, lại càng chịu nhiều rủi ro và khó khăn hơn do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường lao động thanh niên đã bị ảnh hưởng trầm trọng cả ở góc độ cung, cầu lao động - cú shock kép", bà Nga nói.

Giải quyết việc làm cho thanh niên

TS. Trịnh Thu Nga cho rằng, trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục và có nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, thì “bình thường mới” là “sống chung với dịch”. Điều này đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, có khả năng chống chịu và thích ứng.

"Trong điều kiện bình thường mới, thách thức trong việc làm của thanh niên là rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua", bà Nga nói, đồng thời cho biết một số biện pháp tăng cường giải quyết việc làm cho thanh niên.

Theo bà Nga, cần tiếp tục rà soát đối tượng để hỗ trợ những người lao động, trong đó có thanh niên chưa được hưởng các chính sách ngắn hạn (đặc biệt là hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tự do) từ các gói hỗ trợ lần thứ hai và lần thứ ba của Chính phủ.

 
 

Khuyến khích người lao động trở lại các thành phố, các khu công nghiệp- khu chế xuất làm việc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách thị trường lao động chủ động và bị động cho thanh niên; tăng cường vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm địa phương và đoàn thanh niên trong giải quyết việc làm cho thanh niên; thúc đẩy, khuyến khích thanh niên làm chủ doanh nghiệp và tự tạo việc làm; đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng cho thanh niên nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong điều kiện bình thường mới.

Chuyên gia bày cách giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống bình thường mới ảnh 3
TS. Trịnh Thu Nga chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Ông Khuất Văn Quý cũng đề xuất một số giải pháp từ góc độ lĩnh vực văn hóa nhằm giúp các gia đình trẻ ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Quý, cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình nhằm hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp và kiểm soát tốt nhất hành vi dẫn đến bạo lực gia đình; triển khai nhiều hơn các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, hướng dẫn rèn luyện thể dục, thể thao tại nhà nhằm hỗ trợ các gia đình giải tỏa áp lực căng thẳng do thực hiện giãn cách xã hội...

Nhìn nhận cuộc sống nhẹ nhàng, tích cực

Tại chương trình đã diễn ra giao lưu với các diễn giả. Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn đã chia sẻ về những giải pháp để cân bằng tâm lý trong gia đình khi bị cách ly và trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông, mọi người cần giữ thái độ và góc nhìn tích cực. Dịch bệnh khiến nhìn nhận cuộc sống bình tĩnh hơn, nhà là nơi yên bình nhất, điều chỉnh được những thói quen không tốt như nhậu nhẹt, ăn uống không khoa học để có sức khỏe tốt hơn; sử dụng những thiết bị công nghệ tốt hơn để dạy con học... "Mỗi gia đình, mỗi cá nhân hãy tự cứu lấy mình, nhìn nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tích cực hơn", ông Đoàn nói.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn khuyên mỗi gia đình cần tổ chức cuộc sống như thời chiến khi "chống dịch như chống giặc"; tôn trọng và tạo "không gian riêng" ngay trong nhà cho các thành viên, chia sẻ hơn là giám sát nhau.

Chuyên gia bày cách giữ hạnh phúc gia đình trong cuộc sống bình thường mới ảnh 4

Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn. Trong ảnh, chuyên gia Đinh Đoàn (ngoài cùng bên trái ảnh) đang chia sẻ. Ảnh: Xuân Tùng

Bên cạnh đó, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội trao đổi những kinh nghiệm trong thời gian giãn cách xã hội và trong trạng thái bình thường mới.

Bác sĩ Huỳnh Hương Giang, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, thành viên Mạng lưới tư vấn sức khỏe chia sẻ về cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi cách ly và trong trạng thái bình thường mới ở chỗ ở và nơi làm việc.

Anh Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PNJ chia sẻ về những vấn đề các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua, và xu hướng sử dụng lao động trong thời gian tới.