Chuyện người giàu nhất Ấn Độ

(CTG) Cuộc đời của tỉ phú Mukesh Ambani, người giàu thứ 7 thế giới giống như một bộ phim đầy màu sắc của Ấn Độ pha chút hương vị của loại trinh thám thị trường chứng khoán.

Mukesh Ambani - Ảnh: Reuters

Trong một vài năm gần đây, trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, vị trí người giàu nhất thế giới luôn đảo lộn. Có lúc dẫn đầu là Bill Gates. Sau đó tỉ phú người Mexico Carlos Slim vượt lên. Khi thế giới chưa kịp lưu giữ cái tên Slim trong bộ nhớ thì lại có tin Mukesh Ambani mới là người giàu nhất thế giới với khối tài sản 63,2 tỉ USD… Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau đó, tin mới này được xác nhận là tin vịt. Người ta nói rằng, chính tỉ phú ở Mumbai này là người tung tin trên. Tuy là tin vịt nhưng qua đó cũng phản ánh phần nào bản chất của Ambani, người luôn có ý muốn vượt qua mọi người. Phẩm chất này Ambani kế thừa từ bố, người đã tạo nên nền tảng giàu có cho gia đình của mình.

Kinh doanh bằng “niềm tin”

Đạo diễn Ấn Độ Mani Ratnam từng làm bộ phim Guru, trong đó nhân vật chính được lấy từ hình mẫu của Dhirubhai Ambani, người bố của Mukesh Ambani. Tại Bollywood, Dhirubhai cũng là nhà làm phim nổi tiếng, và xung quanh chuyện gia đình ông có nhiều đề tài hấp dẫn, nên việc thỉnh thoảng lên phim là lẽ thường tình.

Dhirubhai Ambani sinh vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước tại bang Gujarat, Ấn Độ, trong một gia đình nhà giáo ở nông thôn. Vào năm 16 tuổi, Dhirubhai đến Aden, phía nam bán đảo Arabian, nguyên là thuộc địa của Anh. Khi đó người Anh đã bắt đầu khai thác dầu ở đây. Dhirubhai vào làm việc tại phân xưởng đúc của một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. Chí thú làm ăn, sau đó vâng theo lời cha mẹ, Dhirubhai cưới cô gái Kokilaben, người Ấn Độ. Vào năm 1957, đôi vợ chồng trẻ sinh đứa con đầu lòng Mukesh. Một năm sau đó - 1958, với vốn liếng chỉ 50 ngàn rupee, cả gia đình chuyển về Ấn Độ sinh sống. 50 ngàn rupee là số tiền quá nhỏ với ngày nay, nhưng khi đó lại là món tiền đủ để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh đối với gia đình Ambani.

Tổ hợp hóa dầu của gia đình Ambabi - Ảnh: AFP

 Lúc đầu Dhirubhai bán vải để may váy áo Sari truyền thống, rồi sau đó ông trực tiếp sản xuất loại thời trang này. Dhirubhai đặt tên công ty của mình là Reliance (niềm tin) với slogan Phát triển tức là cuộc sống. Nhà tỉ phú tương lai Mukesh đã lớn lên trong môi trường như vậy. Hơn thế, Dhirubhai có nghệ thuật đàm phán với giới chức sắc để có bất cứ loại giấy phép nào ở bất cứ cơ quan công quyền nào nhằm làm chủ thị trường. Lúc đầu là ngành dệt may, còn sau đó là khai thác dầu khí. “Đừng bao giờ chờ đợi người ta mời mới bắt đầu làm việc” – Dhirubhai đã dạy đứa con đầu lòng như thế, trong khi bà Kokilaben sinh đứa con trai thứ hai là Anil và sau đó là 2 đứa con gái nữa.

“Vào những năm 1970 – 1980, nghệ thuật kinh doanh ở Ấn Độ là ở chỗ, anh có khả năng xin được giấy phép của ngành này hay ngành kia hay không” - Mukesh Ambani nhớ lại: “Thời đại như thế qua rồi. Giờ đây, nhà kinh doanh thành đạt cần phải có những phẩm chất khác”.

Mukesh nói đúng trong điều kiện hiện nay, nhưng Dhirubhai, doanh nhân khéo léo đã đặt nền tảng cho đế chế tài chính – công nghiệp mang tên gia đình Ambani, để hôm nay chiếm đến 3,5% giá trị tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ. Dhirubhai - người chưa học hết phổ thông đã vạch những hướng đi chiến lược như quốc tế hóa ngành công nghiệp dệt may, sản xuất tơ lụa nhân tạo. Để thực hiện điều này, Dhirubhai phải xây dựng tổ hợp hóa học để điều chế tơ nhân tạo. Ngoài ra, ông còn vươn tới công nghiệp khai thác dầu khí ở bán đảo Arabian, xâm nhập ngành truyền thông và điện ảnh.

Cách không xa thành phố Dhamnagar, là tổ hợp hóa dầu rộng 31 km2 của gia đình Ambani. Dhirubhai không tiếc tiền của để giành được quyền khai thác dầu khí tại khu vực này. Ông đã tính toán chi tiết cho kế hoạch của mình: Các bến cảng đều nằm cách tổ hợp chỉ 5 km. Tàu chở dầu thô loại 300 ngàn tấn chỉ mất 4 ngày từ Trung Cận Đông đến kho của tổ hợp. Dhamnagar là điểm cuối cùng để từ đó nguồn dầu khí vươn tới cung cấp cho phía bắc. Công suất của tổ hợp đủ cung cấp cho cả Ấn Độ và cả Pakistan.

Phát triển bằng phân tách

“Quan trọng là việc điều hành phải do một nhóm lớn người đảm nhiệm”, Mukesh Ambani nói, “Reliance đã qua thời khi mà mọi việc chỉ được quyết định bằng vài ba người”. Mukesh muốn thực hiện ý tưởng: Hàng trăm đôi chân cùng nhau hướng về một đích ngắm. Tuy nhiên, dự định đó lại gặp ngay trở ngại từ nội bộ gia đình. Người em trai Anil Ambani không có ý định đồng hành cùng Mukesh. Chuyện là vào năm 2002, khi Dhirubhai Ambani đi qua thế giới bên kia mà không để lại chúc thư, vì thế việc phân chia tài sản trở thành rắc rối, giống như một bộ phim của Bollywood.

Do không có chúc thư, nên theo luật thì tài sản ông Dhirubhai để lại phải chia 5 phần: cho vợ và 4 người con. Không thể thỏa thuận với nhau, hai anh em trai nhà Ambani bắt đầu công khai tranh giành quyền kiểm soát Tập đoàn Reliance Industries. Sau bao nhiêu kiện tụng và nhờ có sự can thiệp của người mẹ - bà Kokilaben, mà tài sản được chia hai. Mukesh được 8,5 tỉ USD, quản lý các cơ sở hóa dầu, các nhà máy dệt may và tất cả các cơ sở cung ứng nguyên nhiên liệu điện năng. Anil được 5,7 tỉ USD, quản lý hệ thống tài chính, các cơ sở truyền hình và tất cả các cơ sở sản xuất điện năng. Không dừng lại ở đó, hai anh em nhà Ambani còn hứa sẽ hàn gắn lại tình thân. Điều này khiến chỉ số của sàn giao dịch chứng khoán Mumbai Sensex vào tháng 10.2007 đạt mốc 20.000 điểm, tăng gấp 2 lần so với 1 năm trước đó.

Mumbai Sensex tăng điểm là nhờ sự tăng giá cổ phiếu các ngành công nghiệp, công nghệ của gia đình Ambani: Reliance Industrial Infrastructure Ltd, Reliance Petroleum, Reliance Industries, Reliance Telecom. Chính vì điều này mà hãng thông tấn Press Trust of India vội vã đưa tin không chính xác là tài sản của Mukesh là 63,2 tỉ USD, còn người em Anil là 18,2 tỉ USD. Ngay sau đó Press Trust of India đã phải đăng tin xin lỗi độc giả.

Vào thời điểm 2007 đó, thực tế tài sản của Mukesh xấp xỉ gần 50 tỉ USD và ông là người giàu thứ tư thế giới. Nay do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khối tài sản của ông nay “teo” lại còn 19,5 tỉ USD. Dù vậy, ông vẫn là người giàu nhất đất nước đông dân thứ hai thế giới. Với khối tài sản như thế, ông có thể dễ dàng thực hiện những tham vọng “vượt lên tất cả” của mình. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cách đây không lâu Mukesh thành lập một “công ty con” mang tên Reliance Retail. Nhiệm vụ của “đứa con” này là chiếm lĩnh thị trường bán lẻ ở Ấn Độ. Kế hoạch của Mukesh là thiết lập mạng lưới bán hàng rộng khắp Ấn Độ với đủ các loại hình, từ các siêu thị nhỏ đến những siêu thị khổng lồ. “Chúng tôi sẽ hạn chế thấp nhất việc làm mất mát các sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng” – Mukesh thổ lộ tham vọng của mình.

Cách nay hơn 1 năm, Mukesh mua ở ngoại vi Mubai 140 km2 đất để xây dựng thành phố của tương lai: Những đường phố rộng, hệ thống kênh đào hoành tráng, các trạm cung cấp điện, nước cao cấp. Và điểm nhấn của “thành phố mặt trời” sẽ là tòa tháp lớn nhất thế giới, không chỉ dành cho gia đình Ambani. Nhà tỉ phú không sinh ra từ gia đình danh gia vọng tộc, sẽ ngồi trên đỉnh tòa tháp 60 tầng lầu trong vương quốc của mình để nuôi hy vọng sẽ nhìn thấy tất cả.

Theo thanh niên