Mùa thu vội vã rời đi nhường chỗ cho cơn mưa se lạnh của những ngày chớm đông, trong cái mùa tưởng chừng như chỉ mang theo gió rét và cơn mưa dầm dề, lại chứa đựng những giây phút tri ân thiêng liêng ấm áp tình thầy trò, cả những cảm xúc bồi hồi lắng đọng nghĩ về nghề dạy học của tất cả giáo viên, nghề mà bao lâu nay được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đã có bao chuyến đò đưa lượt khách qua sông, đã có bao mầm xanh trỗi dậy vươn mình từ những bàn tay chăm sóc nâng niu trìu mến của thầy cô. Đó là những lời tự sự của cô giáo Bùi Trần Vân Nhi, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Chu Văn An tỉnh Khánh Hòa.
Cô giáo Bùi Trần Vân Nhi (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giáo viên trong Lễ khai giảng
Một năm học mới bắt đầu, thầy cô lại tiếp tục hành trình ươm mầm xanh tương lai cho tổ quốc, mái tóc thầy cô điểm thêm nhiều sợi bạc, những vết chân chim hiện rõ hơn trên gương mặt thân quen, như thể đánh dấu quãng đường công tác trong sự nghiệp trồng người. Trải qua, 20 năm từ ngày bước chân vào môi trường sư phạm, mỗi năm mỗi bài học, mỗi trưởng thành hơn trong sự nghiệp trồng người của cô Nhi. Nghề giáo, mà các cô hay nói đùa là “ thợ dạy”, một nghề, tưởng chừng như nhẹ nhàng, đơn giản nhưng tận sâu trong nó là những khoảnh khắc, những trăn trở, những suy tư đầy ấp của người giáo viên. Như một vòng tròn vô tận, nghề giáo đón nhận và tiễn đưa bao thế hệ học trò mà trong đó chất chứa những niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc và cả những nỗi lo toan.
Cô Nhi chia sẻ: “Làm Nghề giáo, tôi vẫn luôn tự hào về mình, vì tôi có biết bao thế hệ học trò thành công trong cuộc đời này, bên cạnh đó cũng không kém nỗi niềm trăn trở khi không thể giúp các em học sinh “Đổ nhầm khuôn” được trở về đúng vị trí của mình. Có vẻ nghề giáo vừa dạy, lại vừa phải lo “Cơm áo gạo tiền” hay căng thẳng mệt mỏi bởi sự vất vả mà đã có nhiều giáo viên từ giã viên phấn trắng, bục giảng để đi tìm cái nghề riêng cho chính mình, nhằm để trang trải cuộc sống. Với tôi, tôi đã trải qua đủ cả cái thời còn là giáo viên hợp đồng với đồng lương ba cọc ba đồng, đến khi trở thành giáo viên chính thức thì tiền lương chỉ bằng phân nửa của những bạn bè đồng nghiệp cùng niên khóa. Nhưng có vẻ, trong tôi chất chứa sự nhiệt huyết và yêu mến trẻ thơ nhiều hơn nên ý định rời khỏi ngành sư phạm với tôi hoàn toàn không tồn tại. Mặc dù, đã có lần đồng nghiệp khuyên tôi nghỉ dạy và đi làm Du lịch, hay kiếm một nghề nào đấy cho đỡ vất vả nhưng tôi vẫn “ bám” theo nghề giáo, bởi lẽ tôi cảm nhận được niềm vui, sự tươi trẻ, nhiệt tình khi được gần bên những đứa trẻ, cái gọi là “ bất chấp tiền lương” để được bên học sinh là có thật, bởi những ngày đầu dạy hợp đồng tôi chỉ có ba nghìn đồng (3.000đ) một tiết dạy. Bạn bè tôi nói rằng “ Mày đổ nước thay xăng, uống nước thay cơm để đi dạy à?” và tôi chỉ cười “ Đi dạy đến khi nào không dạy được nữa thì thôi”.
Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô là gia đình và nghề giáo, cô hạnh phúc khi nhìn con trưởng thành như thế nào thì cũng hạnh phúc khi nhìn học trò trưởng thành thế ấy. Cô vui khi được gần gũi học sinh, được trò chuyện, được tham gia nhiều hoạt động với các em… có lẽ như vậy mà rất nhiều học trò yêu mến cô. Và cũng từ đó cô nghiệm ra được một điều rằng “Chỉ có thể thật sự nhiệt huyết và yêu mến trẻ thơ thì mới có thể đồng hành cùng học sinh” đồng thời, cô cũng hiểu được khá sâu sắc vì sao “Nghề giáo được gọi là nghề cao quý”. Kể từ khi bước chân vào nghề sư phạm, cô mới thấu hiểu hơn về những người thầy, người cô đã từng dìu dắt cô nên người. Thầy cô đã trải qua những khó khăn, những kiến thức của thầy cô truyền tải cho học trò thân yêu chưa một lần giang dở.
“Xin cảm ơn những người thợ thầm lặng
Xây cho đời những tri thức tương lai
Mai vững bước trên đường dài sự nghiệp
Nhớ lời thầy trong tiết học hôm nay”
Năm 2008, trường cô đang công tác có quyết định được tách thành hai trường THCS, cô được điều chuyển về một ngôi trường mới để bắt đầu một công việc cũng hoàn toàn mới với vai trò là “Giáo viên tổng phụ trách Đội” chính thức của trường. Từ đó cô khởi động với những bước đi lại từ đầu, mày mò, tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp đi trước, phát huy năng khiếu, sở trường hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi từ bé, nên cô đã rất nhanh tiếp cận với công việc mới và thành công trong vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội. Từ đó đến nay cô luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, cô đã trưởng thành hơn trong công việc, được bạn bè đồng nghiệp là giáo viên TPT Đội trong cả nước yêu quý. Năm 2014 cô được Trung ương Đoàn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi; năm 2015 đạt được Huấn luyện viên cấp 1 trung ương; năm 2016 đã đạt được Giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh và được Sở Giáo dục tặng bằng khen.
Đặc biệt, dịp này, cô Nhi vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Cô Nhi cho biết: “Tôi làm việc với một suy nghĩ đơn giản “vì học trò, vì tập thể” không phải cố gắng làm việc vì bản thân. Tôi vẫn mang trong tim niềm tự hào thật sự lớn khi những học trò của mình đào tạo đạt kết quả cao, có em đạt được Chỉ huy đội giỏi toàn quốc, hai em đội viên đạt giải thưởng Kim Đồng toàn quốc, một đội viên được tham dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc trong đó có em được vinh danh là đại biểu tiêu biểu được Bộ trưởng bộ giáo dục tặng bằng khen, hơn nữa có em còn là đại biểu thiếu nhi lần đầu tiên của Tỉnh tham dự Đại hội thi đua yêu nước tại Hà Nội. Đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà người làm nghề dạy học có được. Tôi luôn tâm niệm làm sao nhiệm vụ của mình luôn hoàn thành xuất sắc hơn nữa, làm sao để học trò của mình học được nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn những kiến thức bổ ích trong cuộc sống để các em có thể bước vào đời một cách vững tin, sải những đôi cánh vững vàng để bay đi muôn nơi mà không hề nao núng lo sợ”.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015. Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận. Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT. Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11. |