Chị Dương Thị Nga được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em và nghèo khó tại vùng quê sơn cước bán sơn địa Ba Vì thân yêu, nơi có những ngọn núi trùng điệp, con người mến khách, giàu tình cảm và nhiều cảnh đẹp nên thơ.
Bản thân chị là cô gái nhỏ bé thiếu may mắn khi không có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh do bị khuyết tật vận động. Khi còn nhỏ, được bố mẹ nuôi ăn học, cuộc sống vô tư, hồn nhiên nhưng khi lớn dần lên chị đã dần ý thức được, cảm nhận được sự kỳ thị, coi thường, thậm chí bắt gặp cả những lời nói, hành động thiếu tế nhị, khiếm nhã của một số người xung quanh. Những tổn thương về tình thần bắt đầu hình thành và lớn dần, sự mặc cảm và tự ti cũng hình thành do mọi thứ xung quanh tác động. Mặc dù vậy, chị luôn cố gắng, nỗ lực hết mình trong học tập nên hàng năm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Vì hoàn cảnh gia đình, không có đủ điều kiện theo đuổi mơ ước nên sau khi tốt nghiệp THPT, theo định hướng của gia đình, chị đã đăng ký đi học nghề may để sau này xin việc làm để đủ trang trải lo cho cuộc sống của mình. Sau một thời gian bươn trải xa nhà, chị quyết định về quê, xin việc ở một công ty may lớn nhưng mọi thứ không được thuận lợi, chị bị Công ty từ chối thẳng với lý do “Người khuyết tật không đủ sức khỏe, cơ sở vật chất và hạ tầng không phù hợp …”.
Sau 2 tháng đi xin việc đều bị từ chối, chị quyết định đi học thêm, nâng cao tay nghề để có thể tự mở tiệm may thời gian cho riêng mình. Kế hoạch mở tiệm may thành công và cũng chính nhờ tiệm may này chị có cơ duyên biết đến, tham gia Hội Người khuyết tật Ba Vì và được bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ.
Trên cương vị mới, chị thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ, hỗ trợ những người có cùng cảnh ngộ như mình tìm kiếm được công việc phù hợp với sức khỏe để có thể nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình. Khi công việc dần ổn định, chị quyết định vay vốn mở rộng xưởng với mong muốn vừa đào tạo, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật. Đến nay, xưởng của chị đã tăng lên 10 đầu máy điện tử.
Chị Nga tâm sự: “Tôi mong muốn xưởng ngày càng phát triển hơn nữa để có thể giúp đỡ nhiều cùng cảnh ngộ bởi trên thực tế, người khuyết tật luôn phải tự phát triển bản thân và tự thân lập nghiệp còn việc hòa nhập với cộng đồng có nhưng rất hạn chế. Bằng những việc làm và hành động thiết thực của mình, tôi muốn đóng góp cho xã hội, muốn làm nhiều việc tốt để lan tỏa và truyền cảm hứng cho mọi người để xã hội có cái nhìn khác về người khuyết tật, giảm bớt kỳ thị, xóa bớt rào cản đối với người khuyết tật. Tôi đã khẳng định được giá trị bản thân mình và tôi muốn mọi người hiểu được giá trị câu nói “Tàn nhưng không phế”.
Ngoài ra, với cương vị Phó Ban thanh niên Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, chị Nga luôn xung kích đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên khuyết tật trên địa bàn. Tiêu biểu là tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các bạn tnkt trên địa bàn hà nội như: kinh doanh online, chăm sóc khách hàng qua điện thoại, nghề may,...; xây dựng được mạng lưới 22 Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật các quận/huyện trên địa bàn TP. Hà Nội; liên hệ và tìm kiếm việc làm cho hàng trăm thanh niên khuyết tật có nhu cầu tìm việc làm trên địa bàn thành phố.
Với ý chí vươn lên và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, chị Nga vinh dự nhận Giấy khen của Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì về thành tích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm 2016-2021; Giấy khen của Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội về thành tích hoạt động tích cực hỗ trợ nkt tại địa phương giai đoạn 2012-2017; danh hiệu “Người tốt Việc tốt” năm 2018 của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì; Giấy khen củaChủ tịch UBND xã Cam Thượng, huyện Ba Vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021. Đặc biệt, dịp này, chị Nga vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.
Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác. Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội. |