Từ tháng 9/2000, cô đến nhận công tác tại Trường PTDTNT An Lão. Vừa mới đặt chân đến mảnh đất này, cô rất ngỡ ngàng, mọi thứ còn buồn tẻ và đáng sợ hơn nhiều so với suy nghĩ lúc đầu, song với quyết tâm của mình, cô bắt đầu nhận phòng ở và làm quen với các em học sinh là người dân tộc Hrê, Bana, thậm chí các em có những cái tên nghe rất lạ: Krop, Péc, Rí… những lúc rảnh rỗi, cô lại đến thăm và trò chuyện cùng với các em, dần dần tình cảm cô trò quý mến, gần gũi nhau nên mọi chuyện riêng tư, chuyện gia đình, những phong tục tập quán địa phương các em thường kể với cô, từ đó giúp cô hiểu hơn về nỗi vất vả, khó khăn của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Tạ Thị Kim Thoa cùng học trò qua suối đến nhà vận động học sinh ra lớp.
Là một cô giáo dạy ở vùng cao với muôn vàn gian nan, cực khổ. Một phần vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường đi đầy bùn lầy vào mùa mưa, ban đêm vắng tanh, chỉ có tiếng côn trùng rả rích. Một phần vì khả năng tiếp thu của học sinh rất chậm, học đâu, quên đấy, hay vắng học…Có lẽ vì những khó khăn ấy mà không ít giáo viên ái ngại khi về nhận công tác ở miền núi.
Đến năm 2007, cô được điều động về công tác tại Trường THPT Số 2 An Lão. Là một ngôi trường mới thành lập, đối tượng học sinh cũng hết sức đặc thù, gồm người Kinh và người dân tộc thiểu số, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm đa số (khoảng 80%). Trong tất cả những khó khăn, có thể nói rằng khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ phải đối mặt chính là khả năng học Tiếng Anh của học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em chưa nói thạo tiếng phổ thông, do vậy tiếng phổ thông được xem như là ngoại ngữ thứ nhất và Tiếng Anh, bộ môn cô dạy là ngoại ngữ thứ hai. Với điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn của gia đình các em, việc chạy vạy cái ăn cái mặc đã vất vả huống chi là trang bị tài liệu tham khảo, máy móc để cho các em học Tiếng Anh. Hơn thế nữa, khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh rất hạn chế, đa số các em học trước quên sau.
Bằng những kiến thức đã học và những kinh nghiệm của bản thân, cô đã từng bước cải tiến phương pháp dạy và học Tiếng Anh cho học sinh miền núi. Cô nghiên cứu, đưa ra sáng kiến trong lĩnh vực giảng dạy với đề tài đầu tiên: “Kinh nghiệm phát triển kỹ năng nói Tiếng Anh cho học sinh ở nông thôn và miền núi” đạt giải C cấp ngành. Thay vì bắt đầu đi vào nội dung bài dạy ngay, cô dành 5 đến 7 phút mỗi tiết để thực hành nói tiếng Anh với học sinh thông qua hình thức hỏi đáp với những câu hỏi hết sức đơn giản về gia đình về cuộc sống, về sở thích… mà có lẽ những học sinh tầm lớp 5, lớp 6 ở đồng bằng và thành phố cũng trả lời được. Bên cạnh đó, cô cũng chịu khó tạo ra các bài tập luyện tiếng đơn giản dựa vào những nội dung trong sách giáo khoa sao cho phù hợp với khả năng của học sinh mình.
Tuy nhiên, với cách làm đó thì không thể giúp học sinh giảm thiểu khoảng cách so với học sinh đồng bằng và thành phố được. Do vậy, cô lại tiếp tục học hỏi, tìm tòi những cái mới. Với sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng bản đồ tư duy để giúp học sinh khắc sâu kiến thức và nói tiếng Anh một cách tự nhiên hơn” (đạt giải B cấp ngành), cô không những giúp học sinh nhớ kiến thức dễ dàng hơn, lâu dài hơn mà còn giúp học sinh có cơ hội thực hành những đoạn nói dài. Việc nói theo trình tự các nội dung trong bản đồ tư duy làm cho học sinh không còn e ngại là không có từ vựng, ý tưởng để nói. Điều này giúp học sinh giảm cảm giác lo sợ và nói tiếng Anh một cách tự nhiên hơn.
Qua hơn hai năm vận dụng, kết quả nhớ kiến thức bộ môn Tiếng Anh và khả năng diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ tiếng Anh của các em đã khả quan hơn. Sự mạnh dạn trước tập thể cùng với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ cơ thể phần nào giúp các em có được những bài nói thuyết phục hơn, chứ không phải là đọc như trước đây nữa. Học sinh đã biết được học Tiếng Anh như thế nào là hiệu quả chứ không phải chỉ có làm các đề thi cao điểm là điều thành công. Việc nói tiếng Anh nhiều giúp học sinh chỉnh sửa được phát âm và ngữ điệu rất nhiều. Cụ thể qua các tiết học tôi khảo sát được khả năng ghi nhớ và nói tiếng Anh của các em ngày càng tiến triển tốt. Và một điều đáng mừng là cùng với sự tiến bộ hơn trong kỹ năng học tiếng Anh, các em đã tìm thấy việc học tiếng Anh không còn “khô khan” và “đáng sợ” như trước nữa.
Dần dần cô càng say mê với công việc giảng dạy của mình và có nhiều đề tài sáng kiến đạt cấp ngành được Hội đồng sáng kiến tỉnh Bình Định công nhận đề tài có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh, có đề tài tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học tỉnh Bình Định. Cho đến nay cô đã có hơn 10 đề tài sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định công nhận, trong đó có 2 đề tài được Hội đồng sáng kiến tỉnh Bình Định công nhận. Tên các đề tài được công nhận: “Phương pháp dạy kỹ năng nói tiếng Anh cho học sinh nông thôn và miền núi” đạt giải C cấp ngành năm 2011; “Sử dụng bản đồ tư duy để giúp học sinh nói tiếng Anh tự nhiên và nhớ kiến thức dễ dàng hơn” đạt giải B cấp ngành năm 2013 và được chọn tham dự hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VIII (2012 -2013)”; “Sử dụng phần mềm Activinspire để nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Anh” đạt giải C cấp ngành năm 2014; “Nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Anh thông qua phương pháp dạy học tích hợp” đạt giải C cấp ngành năm 2015; “Tạo hứng thú cho học sinh khi học Tiếng Anh bằng cách sử dụng những thiết bị và phần mềm dạy học hiện đại” đạt giải C cấp ngành năm 2016; “Biện pháp giúp học sinh Trung học phổ thông từng bước đáp ứng năng lực Tiếng Anh theo chuẩn khung tham chiếu Châu Âu” đạt giải C cấp ngành năm 2017; “Giúp học sinh Trung học phổ thông tiếp xúc thường xuyên với người bản ngữ thông qua mạng Internet” đạt giải B cấp ngành năm 2018 được Hội đồng sáng kiến tỉnh Bình Định công nhận đề tài có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh ; “Cải thiện kỹ năng thuyết trình Tiếng Anh cho học sinh trung học phổ thông khi học chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm” đạt giải C cấp ngành năm 2019; “Tăng hứng thú học Tiếng Anh cho học sinh Trung học phổ thông bằng bài giảng E-learning và các đoạn video clips” đạt giải C cấp ngành năm 2020; “Nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh cho học sinh Trung học phổ thông bằng cách tăng cường khả năng tự học của học sinh” đạt giải C cấp ngành năm 2021; “Tạo môi trường học Tiếng Anh cho học sinh Trung học phổ thông trong thời gian dịch Covid -19” đạt giải A cấp trường năm 2022.
Cô Thoa chia sẻ: “Là những người làm nhiệm vụ “trồng người” ở trường có đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số, tôi thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả mà mỗi một thầy giáo, cô giáo phải đối mặt. Có thể nói có muôn vàn nguyên nhân gây ra tình trạng chán học, học yếu của học sinh. Lý do đó không chỉ đơn thuần là khả năng tiếp thu kiến thức không thôi mà đa số học sinh đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự lạc hậu trong suy nghĩ cùng với những hủ tục đã ăn sâu trong tiềm thức khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Do vậy, song song với việc dạy chữ, chúng tôi còn phải dạy học sinh cách làm người, biết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Bằng tình yêu thương học sinh, với tinh thần trách nhiệm và vì cái “tâm” trong nghề, chúng tôi không ngại đường núi xa xôi đến tận các bản làng của học sinh dân tộc thiểu số để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn và vận động các em tiếp tục đến lớp”.
Với đóng góp của mình, cô Thoa vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020, nhiều giấy khen của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" nhiều năm liền, "Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh" năm học 2017-2018...
Đặc biệt, dịp này, cô Thoa vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015. Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận. Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT. Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11. |