Cô giáo gần 20 năm vượt khó thắp sáng tương lai

(CTG) Cô giáo Ngô Tuyết Hằng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bạc Liêu, nơi sản sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang” da diết. Xuất thân từ gia đình thuần nông, gia cảnh khó khăn nhưng cô luôn ý thức được phải luôn cố gắng trong con đường học vấn của mình.

Nghề dạy học đến với cô từ những ước mơ khá ngây ngô của cái thời học sinh tiểu học, có thể nói đó là một sự khởi đầu, là cái duyên đưa cô đến với nghề. Ngày ấy, vì lo sợ bị gọi tên khi không thuộc bài, vì hồi hộp chờ cái giận giữ của thầy cô khi vi phạm nội quy,... cô đã ước mình sẽ là cô giáo. Rồi ngưỡng cửa sư phạm chào đón cô khi chưa tròn 17 tuổi. Với những trang giáo án đầu tiên, những tiết thực hành khởi nghiệp, cô đã bắt đầu cảm nhận được một phần nào đó nỗi vất vả của một người thầy. Sau những tháng ngày miệt mài, lần đầu tiên cô trở thành cô giáo trong những buổi kiến tập, thực tập ở các trường tiểu học. “Tâm trạng tôi lúc ấy thật khó diễn đạt lại bằng lời khi được nghe cái tiếng gọi “cô!” của những đứa trẻ. Nó như cho tôi thêm một bước trưởng thành, một sự yêu thích, một sự gắn bó với nghề, một sức mạnh lạ thường thúc đẩy tôi quyết tâm đeo đuổi đến cùng cái nghề mình đã chọn” - Cô Hằng chia sẻ.

Năm 2002, ra trường sau 3 năm học tập, rèn luyện, cô về công tác tại trường Tiểu học Vĩnh Hưng C, huyện Vĩnh Lợi. Quãng đường từ nhà đến nơi công tác hơn 40 km. Không có phương tiện đi lại, không có người thân, cô phải ở nhờ nhà dân để đi dạy cùng đồng lương 500.000 đồng một tháng với bao chi phí phải lo toan. Rồi theo nhu cầu của xã hội, giáo viên phải nâng tầm bằng cấp, nâng cao tay nghề buộc phải đi chuẩn hóa. Các lớp học Cao đẳng, Đại học, tập huấn chuyên môn,… người làm giáo viên như cô phải sắp xếp việc gia đình, tranh thủ tiền lo chi phí học tập, khó khăn cứ liên tiếp khó khăn. 

Nói về vất vả của nghề giáo viên, cô tâm sự “Nhìn bề ngoài, nhiều người bảo, nghề dạy học rất nhàn hạ, được mặc quần áo đẹp, đến trường dạy ít kiến thức rồi tới tháng lãnh lương, chứ đâu biết được nỗi vất vả của nghề nhà giáo. Nhiều thầy, cô phải xa quê hương, xa nhà - nhớ lắm nhưng không về được; nhiều thầy, cô, hàng ngày phải chạy hàng chục cây số đi về - mệt lắm nhưng không thể nghỉ; con nhỏ không được tự tay lo, phải mướn, phải nhờ người không thân thích chăm nom; bước lên lớp, nỗi lo bài giảng hòa cùng niềm trăn trở mỗi khi con bệnh. Bước từng nấc lên cầu thang là gạt đi từng dòng lệ thương con vì thầy, cô biết phía trước mình là đàn em thân yêu đang chờ đợi. Chúng chờ đợi nụ cười của thầy, cô khi vào lớp; ngày hai buổi đến trường, đêm về bên trang giáo án, kế hoạch, danh sách; kiểm tra, đánh giá bài vở học sinh; rồi hồ sơ, sổ sách; rồi kiểm tra, dự giờ, thao giảng, chuyên đề”

Thầy cô vất vả, các em học sinh cũng khổ, mỗi gương mặt có một hoàn cảnh khác nhau. Có em đủ đầy, dư giả, tình cảm thương yêu của gia đình nhưng cũng có em thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Đứa thì có cha, không mẹ; đứa lại có mẹ không cha; đứa ở với ông bà; đứa nhờ vả tình thương cậu mợ, chú thím,…Để bù đắp cho các em, khi thì cô mua cho bộ quần áo đồng phục hay đi xin lại của học sinh năm học trước hoặc đến tận nhà các mạnh thường quân vận động hỗ trợ; khi thì đính lại cái khuy, may lại đường chỉ bị đứt hay khâu lại áo, quần cho vừa với các em. Vỗ về khi các em đau, các em khóc; cột lại mớ tóc bù xù của bạn nữ, sửa lại chiếc bâu bị giấu bên trong áo hay lau những giọt mồ hôi sau những giờ vui chơi sôi nổi của bạn nam. Để đạt kết quả cao trong các phong trào, hội thi của học sinh và các hội thi khác của giáo viên đòi hỏi cô đã phải cố gắng rất nhiều, phải trau dồi kiến thức thường xuyên. Với điều kiện khó khăn (việc trường phải xong, việc nhà phải ổn), hàng đêm, sau những giờ lên lớp, cô phải ngồi hàng giờ trên máy tính, bên đống tài liệu để học hỏi, để nghiên cứu.

Phải nói rằng người thầy thời nay có nhiều áp lực: Áp lực từ cha mẹ học sinh, với xã hội, với chính bản thân, gia đình và nhiều áp lực vô hình khác... Những công việc và áp lực vô hình ấy luôn đè nặng lên vai người thầy, người cô. Lắm khi, đôi vai ấy tưởng chừng như gãy gục. Một bên là lương tâm của người thầy, một bên là chuyện cơm áo, gạo tiền. Làm sao để dung hòa đó là điều mà cô cũng như các đồng nghiệp khác luôn đắn đo, cân nhắc để lựa chọn cho mình một lối đi đúng đắn và vẹn cả đôi đường.

Cô Hằng chia sẻ: “Cuộc sống hiện tại chưa phải đã hết những khó khăn thiếu thốn, thế nhưng bất kỳ trong hoàn cảnh nào tôi vẫn âm thầm lặng lẽ miệt mài đèn sách, tận tụy hy sinh mà không chút đắn đo, toan tính. Tất cả vì sự tiến bộ của học trò, vì sứ mệnh trồng người. Tôi biết, ngoài việc dạy chữ, dạy người còn phải dạy cho học sinh biết giá trị đích thực của cuộc sống. Được lao động, được cống hiến cho sự nghiệp trồng người là niềm vui, là niềm hạnh phúc trong tôi. Dẫu biết rằng, khó khăn còn đó, gian nan còn đó nhưng tôi vẫn trụ lại với nghề, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là nhờ vào sự sẻ chia của anh em đồng nghiệp, sự cổ vũ, động viên của Ban giám hiệu trường, sự quan tâm của lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể, các bậc phụ huynh và hơn hết, đó là lòng yêu nghề, yêu học sinh”.

Với nỗ lực đóng góp của mình cho sự nghiệp trồng người, cô Hằng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bằng khen của UBND tỉnh 5 năm liền, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh", "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở"...

Đặc biệt, dịp này, cô Hằng vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015.

Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.

Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT.

Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11.