Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tại vùng quê nghèo, thuộc xã vùng III của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bố cô là cựu chiến binh, ông tham gia chiến tranh biên giới trên mặt trận Vị Xuyên năm 1979 - 1991. Còn mẹ cô là cựu công dân hỏa tuyến, tham gia mở con đường Hạnh Phúc, quốc lộ 4C bây giờ. Bố mẹ cô có 3 người con, cả gia đình 5 người sống quây quần trong một căn nhà đất ba gian lợp bằng lá cọ, và những bức tường phên đan bằng cây nứa. Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng gia đình cô luôn vui vẻ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt, cô và các anh chị em được bố mẹ tạo điều kiện cho học hành đầy đủ trong khả năng họ có thể lo được.
Cô giáo Lương Thị Tuyết kết hợp tổ chức trò chơi trong tiết dạy địa lý nhằm khuyến khích học sinh tham gia phát biểu, xây dựng bài
Cuộc đời ai cũng có những ước mơ để mà cố gắng, phấn đấu theo đuổi ước mơ ấy. Và cô cũng vậy! Ước mơ của cô được hình thành và lớn lên trong những lần chơi trò chơi cùng lũ bạn xóm cô thuở xa lắc, xa lơ. Ngày ấy, lũ trẻ bọn cô dăm bảy đứa thường tụ tập với nhau và chơi trò thầy cô giáo. Thuở ấy bọn cô thường chơi trò oẳn tù tì và người nào thắng được nhiều lần thì được làm cô giáo còn lại những người thua phải làm học trò. Cô giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên là một người oai phong và quan trọng lắm; là người thể hiện sự hiểu biết vượt trội và có khả năng dẫn dắt, chỉ bảo. Thế nên, ai cũng muốn được làm cô, ai cũng thích làm cô. “Và có duyên chăng khi trong những lần chơi trò chơi tập làm thầy cô giáo, tôi thường được làm cô nhiều hơn là làm học trò. Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi đi trong vai trò của một người cô giáo của nhóm bạn cùng xóm. Giấc mơ trở thành một cô giáo nhen nhóm trong tâm hồn tôi tự đó, giấc mơ đó bay cao cùng cánh diều chúng tôi thường thả trong những buổi chiều chăn trâu nơi cánh đồng lúa quê hương, giấc mơ ấy nồng nàn trong những câu ca chúng tôi thường ngân nga trong ca khúc “Ngày đầu tiên đi học”, giấc mơ ấy len lỏi vào trong giấc ngủ của tôi hằng đêm” - cô Tuyết hồi tưởng lại.
Khi đã là học sinh THCS rồi đến học sinh THPT và cho đến cả bây giờ khi ước mơ đã thành hiện thực, cô lại càng trân quý những khoảnh khắc được đứng trên bục giảng biết bao. Cô biết nghề giáo có vai trò như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đó là nghề giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nghề giáo giúp đào tạo nên những con người vừa có đức, vừa có tài để cống hiến cho gia đình và xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Nghề dạy học là một nghề cao quý bởi lẽ những người giáo viên họ không chỉ truyền thụ cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống mà còn dạy học sinh thành người, làm thế nào để trở thành người có phẩm chất đạo đức tốt, dạy cho học sinh làm những điều hay, lẽ phải, hướng các em tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Và mỗi người giáo viên như con ong chăm chỉ ngày đêm bên trang giáo án cuộc đời, như những người lái đò thầm lặng chở khách qua sông, họ âm thầm cống hiến, âm thầm tỏa hương, không ồn ào, phô trương như Bác Hồ đã từng nói: "Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.
Người giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của một nền giáo dục, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của họ góp phần to lớn vào sự hưng thịnh của một quốc gia. Nhận thức được điều đó Đảng và nhà nước ta rất coi trọng giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Còn đối với mỗi thế hệ học trò, thầy cô là người cha, người mẹ, người anh, người chị, là tấm gương sáng để họ noi theo. Trong số chúng ta, có ai là không mang theo bên mình những kỉ niệm sâu sắc với những người thầy, người cô của mình. Với cô, thầy cô chính là người cha, người mẹ, là người chắp cánh để ước mơ trở thành cô giáo của cô luôn cháy bỏng. Kính trọng thầy cô và yêu nghề giáo nên cô rất tâm đắc câu nói của một nhà hiền triết - thi hào Tagore: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ".
Cô đã khao khát trở thành một nhà giáo, với cô hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý. Mỗi một người thầy, người cô, mỗi một môn học đều góp phần thắp lửa cho tình yêu nghề sư phạm của cô. Đó là lí do vì sao cô chọn thi vào sư phạm. Và tình yêu ấy thực sự thăng hoa, vỡ òa khi cô nhận được giấy báo trúng tuyển của khoa Địa lí trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên; khi lần đầu tiên cô được nghe học trò gọi mình là “cô ơi!” trong kì thực tập sư phạm. Tự hào, hạnh phúc, xúc động là những dư âm còn mãi trong cô về khoảnh khắc ấy.
Tốt nghiệp đại học cô về nhận công tác tại trường PTDTBT THCS Thắng Mố từ ngày 10 tháng 1 năm 2016. Ngôi trường nhỏ thuộc xã biên giới, cách trung tâm huyện 47 km, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh. Cô cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi được sống và làm việc trong một ngôi trường mà ở đó, các cô chú, anh chị đồng nghiệp yêu thương, bao bọc và chỉ dẫn cô như một đứa con, đứa em út trong gia đình. Ở đó, cô được hoàn thiện nhân cách nhà giáo, được khẳng định năng lực và tư duy của một cô giáo trẻ. Ngôi trường vỏn vẹn chỉ có một ngôi nhà 2 tầng với 6 phòng học, 1 phòng hội đồng, 1 phòng dành cho ban giám hiệu; một căn nhà cấp 4 nhỏ là nơi ở và sinh hoạt của tất cả giáo viên trong toàn trường, vì đều là những giáo viên ở xa đến công tác; ba phòng nhỏ bắn tôn là nơi ở cho các em học sinh ở bán trú tại trường, vì giao thông đi lại quá khó khăn hầu như các em không kịp trở về nhà sau giờ học. Học sinh của cô 100% là người dân tộc thiểu số, nhận thức của các em còn chậm, đồ dùng học tập cũng thiếu thốn nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Đòi hỏi thầy cô phải thật sự thấu hiểu, cảm thông, kiên nhẫn và tâm huyết.
Luôn trăn trở phải làm thế nào để các em chăm chỉ đến trường? Làm thế nào để các em yêu thích việc học? Cô đã mày mò tìm kiếm, tham khảo các phương pháp dạy học trên mạng internet, đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp và tự đúc rút kinh nghiệm qua các năm, dần dần học sinh cũng yêu thích môn học của cô hơn, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên.
Năm học 2016 - 2017, năm đầu tiên làm công tác dạy học cô có sáng kiến “Khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học Địa lí” được công nhận Sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở. Cũng trong năm học đó cô có 02 em học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 01 em đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lí; 01 em dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lí.
Năm học 2017 - 2018, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp huyện; giải nhất giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp tỉnh; giáo viên có bài dự thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning lọt vòng chung khảo cấp quốc gia; đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”; viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 02 em học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lí.
Năm học 2019 - 2020, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp huyện; Có 01 em học sinh đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lí; đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm học 2020 - 2021, cô đạt danh hiệu: Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Được Sở giáo dục và đào tạo khen thưởng “Có thành tích xuất sắc trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh” năm học 2020 - 2021; Được UBND huyện Yên Minh khen thưởng “Có thành tích xuất sắc trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh” năm học 2020 - 2021; Hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho thanh thiếu niên” đạt giải khuyến khích cấp huyện; có 03 học sinh đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lí và 02 em dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lí; 01 sáng kiến “Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà môn Địa lí lớp 6 và lớp 9” được công nhận Sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở; 01 biện pháp nâng cao chất lượng trong dạy học “Sử dụng trò chơi trong dạy học Địa lí 7” được hội đồng giám khảo cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2020 – 2021” đánh giá cao; Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hội khuyến học khen thưởng ‘Giáo viên có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện’.
Năm 2017, cô đại diện tổ chuyên môn Khoa học xã hội tham dự cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo” cấp quốc gia với ý tưởng “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai” đạt giải ý tưởng xuất sắc nhất cấp quốc gia. Biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân địa phương, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, xói mòn, sạt lở đất, sương muối, giá rét, tuyết rơi… mất mùa, gia súc chết diễn ra trong thời gian dài làm cho cuộc sống của người dân địa phương vô cùng khó khăn. Nhận thức của người dân còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về biến đổi khí hậu và cách phòng chống thiên tai do đa số người dân không biết chữ. Trước thực trạng đó cô đã cùng với học sinh của mình biên soạn bộ tài liệu về biến đổi khí hậu bằng chữ viết của dân tộc Mông, biên soạn và ghi âm những đoạn phát thanh về biến đổi khí hậu và thiên tai phát trong các buổi họp thôn, xóm để tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai” xã Thắng Mố, thu hút hơn 76 hội viên thuộc các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã tham gia; tài trợ 10.000 giống cây sa mộc và hỗ trợ phân bón, kỹ thuật cho hơn 20 hộ gia đình trên địa bàn xã trồng rừng phát triển kinh tế; tham mưu và phối hợp với Đoàn thanh niên xã tổ chức các buổi ‘Chủ nhật xanh’ dọn sạch đường làng, thôn, xóm; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho 18 hộ gia đình trên địa bàn xã. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, cách phòng tránh thiên tai, bảo vệ gia đình và tìm sinh kế trong phát triển kinh tế.
Trong năm học 2021 - 2022 và những năm học sau nữa, bản thân cô luôn tự hứa sẽ cố gắng nhiều hơn, học hỏi trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành. Đặc biệt, với những đóng góp của mình, cô Tuyết vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Mảnh đất mà cô đang sống và làm việc cũng còn nghèo khó, trình độ dân trí còn thấp, các em học sinh đến trường có khi không có cả tấm áo đẹp để mặc, đôi giày để đi. Nhưng không phải vì các em còn nhiều khó khăn, không phải vì các em không biết mà chúng ta bỏ mặc. Cô muốn để sự nồng nàn từ trái tim mình nâng lên những cánh diều tuổi thơ, dạy cho các em cách để nâng niu một đóa hoa, trân trọng một nhành lá, yêu tiếng chim hót mỗi sớm mai, chỉ cho các em giá trị một lời chào, vẻ đẹp của nụ cười, sự ấm áp của đôi bàn tay... Cô muốn góp công sức nhỏ bé của mình cùng những đồng nghiệp xua tan đi cái giá rét, đem cái chữ thắp sáng nơi miền biên cương của tổ quốc, cùng ươm lên những mầm xanh tươi tốt trên mảnh đất cao nguyên đá này. Cô luôn tự hứa sẽ không để khó khăn gặm nhấm những khát vọng chân chính của cuộc đời mình; đem kiến thức, sức trẻ, thời gian của bản thân góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.
Tất cả những lí do đó đã giúp cô trả lời cho bản thân mình rằng nếu được chọn lựa lại, không chút do dự cô vẫn sẽ chọn nghề giáo làm cái nghiệp suốt cuộc đời mình. “Tôi sẽ luôn vững vàng trong vai trò của một giáo viên nhân dân, góp phần đào tạo nên những nhân cách phát triển toàn diện xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo và truyền ngọn lửa tình yêu đối với ngành sư phạm cho các thế hệ học sinh” - Cô Tuyết khẳng định.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |