Cô giáo trẻ 10 năm gắn bó với học sinh dân tộc Raglai

(CTG) Sau tốt nghiệp lớp trung cấp sư phạm tiểu học, năm 2011, cô giáo Nguyễn Thị Hữu Hiệp (SN 1990) về công tác tại trường Tiểu học Phước Đại A, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, nay đổi tên thành Trường PTDT bán trú tiểu học Phước Đại A. 10 năm qua, với lòng yêu nghề và tình yêu thương dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc Raglai đã giúp cô giáo Hiệp vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nơi cô Hiệp công tác là một huyện miền núi có nền kinh tế khó khăn hơn 95% dân số là dân tộc Raglai nên đa số các em học sinh còn thiếu nhiều về vật chất, thiếu cái ăn, quần áo, đồ dùng học tập, thiếu sự quan tâm từ cha mẹ, không tự tin trong học tập…Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em nên các em gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học cũng như lĩnh hội kiến thức. Giáo viên tại huyện nhà thì ít chủ yếu là anh chị em giáo viên miền xuôi lên công tác thì nhiều, việc đi lại của giáo viên gặp nhiều khó khăn như đường xa nên phải ở lại tại địa phương mới đủ điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác giảng dạy cũng như vận động học sinh ra lớp để duy trì đảm bảo sĩ số.

Trước những khó khăn đó, được sự giúp đỡ, quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, nhà trường, giáo viên không bỏ cuộc mà hết lòng nỗ lực phấn đấu vì học sinh bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Chẳng hạn như thành lập ban vận động, động viên, chia sẻ với học sinh, gần gũi để nắm bắt tình hình kịp thời có hướng giúp đỡ các em trong học tập cũng như trong cuộc sống, quan trọng là duy trì sĩ số. Nhà trường cũng vận động các ban ngành, đoàn thể, mỗi giáo viên nhận hỗ trợ giúp đỡ, đỡ đầu một hay hai học sinh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hữu Hiệp vận động học sinh đến lớp

Em Chamalea Thị Thùy học sinh lớp 5A, Trường PTDT bán trú tiểu học Phước Đại A có hoàn cảnh khó khăn. Ba mất sớm, mẹ em phải bươn chải để chăm lo cho 2 chị em Thùy được đến trường. Biết được hoàn cảnh học sinh của mình, với vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, cô Hiệp đã nhận đỡ đầu cho em Thùy. Để động viên Thùy yên tâm học tập, cô giáo Hiệp thường xuyên thăm hỏi, tặng sách vở, áo quần, động viên gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn cho con em mình đến trường, đến lớp. Sự quan tâm chia sẽ  động viên cả tinh thần lẫn vật chất của cô giáo Hiệp đã giúp chị Xuyến cố gắng lo cho 2 con được đến trường.

Không chỉ quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong mỗi giờ lên lớp, cô giáo Hiệp luôn quan sát, chú ý từng học sinh để động viên, giúp các em tự tin, mạnh dạn trong phát biểu xây dựng bài. Thấy em Chamalea Thị Duyên thiếu tự tin, mất tập trung không theo kịp chương trình, cô giáo Hiệp đã gặp riêng tìm hiểu, giúp đỡ nên Duyên đã cải thiện thành tích học tập.

Cô Hiệp cẩn thận uốn nắn từng nét chữ cho học trò

Sau thời gian nghỉ hè và những đợt nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, sau khi quay trở lại trường một số em không theo kịp chương trình. Không ngại khó khăn cô giáo Hiệp đã dành thời gian để dạy thêm cho các em.

Thời gian dịch bệnh kéo dài vừa qua các em không đến trường, lớp. Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, bản thân cô cũng mạnh dạn đăng ký dạy học, ôn tập kiến thức cho các em học sinh bằng hình thức học online qua zoom meeting… góp phần vào việc tuyên truyền cho học sinh cũng như phụ huynh cách phòng dịch Covid-19. 

Qua nhiều năm công tác được sự quan tâm giúp đỡ từ cấp lãnh đạo, đồng nghiệp và không ngừng phấn đấu, cô Hiệp đã đạt được nhiều thành tích tích cực như nhiều năm liên tiếp duy trì sĩ số 100%, chất lượng học sinh tăng đáng kể; Giải Nhì giáo viên Dạy giỏi cấp huyện, được Công nhận giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp huyện, hai năm liên tiếp đạt Chiến sĩ thi đua cấp huyện với 2 sáng kiến đạt loại khá cấp huyện: Sáng kiến“ Nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 3” và Sáng kiến “Một số biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh lớp 3”, nhiều năm Tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cô Hiệp chụp hình lưu niệm với học sinh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Đặc biệt, cô Hiệp vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Hơn 10 năm gắn bó với học sinh là đồng bào dân tộc Raglai, cô giáo Hiệp thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả,  thiếu thốn về vật chất, tinh thần của các em, nên cô luôn đồng cảm và dành nhiều tình yêu thương cho các em. Và chính tình yêu đó đã giúp cô gắn bó với trường lớp, truyền lửa cho học sinh vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập.

Nhìn thấy mỗi học sinh trưởng thành, tiến bộ trong học tập, đọc những tin nhắn mà phụ huynh cảm ơn vì sự thay đổi, tiến bộ của con em mình, là niềm vui, hạnh phúc của người đưa đò và đây cũng là động lực để cô giáo Hiệp gắn bó với học sinh,  gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn này./.