Cứ như vậy, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 chị em ăn học. Bỏ qua lời khuyên của hàng xóm: “Cho nó nghỉ học ở nhà đi làm nuôi 2 em ăn học rồi lấy chồng cho nó”, mẹ vẫn quyết tâm gồng gánh lo cho cô học hết lớp 12.
Cô chia sẻ: “Ngày tôi học lớp 12, tôi băn khoăn giữa việc ở nhà và đi học, mẹ tôi không dám tham gia gì nhiều, vì nhà lúc này nợ rất nhiều tiền vì nuôi chúng tôi ăn học. Tôi tâm sự và hỏi cô giáo chủ nhiệm về việc muốn được học tiếp và học ngành nào ít học phí. Cô giáo chủ nhiệm khuyên tôi nên theo học ngành sư phạm. Nghe theo lời cô, tôi quyết tâm theo ngành sư phạm ngữ văn”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ (giữa) tận tình chỉ dạy học sinh ngoài giờ học
Cuối năm 2009, cô vào phòng giáo dục huyện Bát Xát nhận quyết định dạy học tại Trường PTDTBT THCS Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Do nhà cách trường 70km nên cô ở lại trường. Trường học không giống như tưởng tượng của cô, lớp học được làm bằng vầu, mái Fibro xi măng. Phòng ở của giáo viên không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, nó là một túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt rách che những lỗ thủng; cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh cây vầu chống. Điện không có, các em học sinh với thân hình bé nhỏ, gầy gò đang chơi đùa, cô đã cảm nhận được sự khó khăn của gia đình các em cũng như sự vất vả ở nơi đây nên càng cố gắng, quyết tâm hơn.
Xã Pa Cheo, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bà con nơi đây 100% là dân tộc H'mông, đa phần là hộ nghèo. Người dân Pa Cheo sống chủ yếu bằng nghề nông (trồng lúa 1 vụ/năm, trồng ngô 2 vụ/năm, trồng thảo quả 1 vụ/năm), chăn nuôi không phát triển do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở địa phương, hoặc sang Trung Quốc làm cửu vạn. Các em ít được sự quan tâm từ gia đình, lứa tuổi THCS thì các em là lao động chính trong gia đình, nên cứ đến ngày mùa là các em hay nghỉ học, đặc biệt với tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”, các em gái phải ở nhà để giúp bố mẹ, hoặc đi lấy chồng nên đến trường các em rất nhút nhát. Thấy được sự khó khăn vất vả đó, cô mạnh dạn đề xuất với nhà trường, thành lập “Câu lạc bộ bạn gái” để giáo dục kĩ năng sống cho các em từ việc tăng cường tiếng Việt, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vui chơi, khám phá đến việc vệ sinh cá nhân hàng ngày và kết hợp với từng cha mẹ các em để chăm sóc, giáo dục các em những điều tốt đẹp nhất.
Cô Thủy tâm sự: “Tôi nhìn thấy các em đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi cắp sách tới trường, bụng đói, áo rách, không đủ ấm, chân đất trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt đến trường, có năm tuyết rơi, nhà các em mất mùa, đến lớp học các em ngồi co ro trong tà áo mỏng, lòng tôi thương xót. Tôi mạnh dạn đứng ra vận động cán bộ giáo viên và những người quen biết để xin quần áo cho các em, kết hợp xin thêm băng vệ sinh, quần áo lót cho học sinh nữ, quần áo diễn văn nghệ cho câu lạc bộ văn nghệ, dần dần các nhà hảo tâm quen với địa chỉ cô giáo nên họ cứ chủ động gửi xe hoặc gửi theo bưu điện lên trường cho cô giáo ra lấy”.
Đến nay, học sinh nhà trường cơ bản đủ áo ấm để mặc qua các mùa đông lạnh giá, học sinh nữ đã mạnh dạn hơn. Những năm gần đây, ban chỉ huy liên đội, tự quản bán trú, đội văn nghệ xung kích nhà trường chủ yếu là học sinh nữ. Năm học 2021-2022, đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện của nhà trường có 6/8 em là học sinh nữ, đó là thành quả của các buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ bạn gái”.
Dù có vất vả, khó khăn, cô là người luôn tiên phong trong mọi công việc chuyên môn, gia đình và xã hội, đạt được nhiều thành tích trong công tác dạy và học, có nhiều sáng kiến được áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, Tổng phụ trách giỏi các cấp. Hòa nhập được với bản nghèo, cô tự hứa với bản thân sẽ cống hiến hết sức trẻ. Ban ngày, đến lớp dạy chữ, dạy học sinh múa hát, hoạt động đội..., ban tối, đi điều tra phổ cập, vận động trẻ em đến trường. Giờ rảnh, tôi cùng các em học sinh nữ trò chuyện, múa hát, hoặc dạy các em học tập.
Giờ đây, nhắc đến Pa Cheo, chúng ta thấy được chất lượng dạy và học của Pa Cheo đã được khẳng định, Pa Cheo những năm gần đây đã có học sinh đỗ nội trú tỉnh, học sinh đi học nghề. Các giải văn hoá có các giải cấp huyện, giải phong trào đã có giải cấp tỉnh. Học sinh Pa Cheo đã không còn sự nhút nhát, rụt rè, mà đã mạnh dạn hơn, hòa nhập hơn với các bạn vùng thấp. Xin mượn mấy câu thơ dưới đây để nói về các thầy, cô đã gắn bó với Pa Cheo:
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Tôi đến trường để dạy các em thơ
Pa Cheo, trong nắng sớm tinh mơ
Chắp cánh cho em vững bước vào đời.
Với nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cô Thuỷ vinh dự nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Đặc biệt, dịp này, cô Thuỷ vinh dự được là 1 trong 68 gương giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động tổ chức từ năm 2015. Chương trình tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận. Qua 7 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương được 390 giáo viên đã cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi, dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Được tổ chức vào tối 16/11 tại Hà Nội, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2022 đã tôn vinh 68 thầy cô tiêu biểu xuất sắc. Các giáo viên được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình; Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT. Trong khuôn khổ Chương trình, vào tháng 10/2022, Ban Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp mặt, biểu dương 68 thầy cô giáo được tuyên dương vào sáng ngày 15/11; lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 68 thầy cô giáo trong Chương trình vào chiều ngày 16/11. |