|
Chỉ trong hơn 10 ngày đầu tháng 8 bỗng nhiên xuất hiện quá nhiều biến động ngoài tầm kiểm soát của con người. Lũ quét, nắng hạn, cháy rừng, bão tuyết… trải từ Đông sang Tây, rồi từ Bắc xuống Nam bán cầu.
Hạn hán
Hãng tin Reuters hôm 12/8 cho hay diện tích cháy rừng ở Nga thu hẹp gần một nửa, xuống còn 927km2, nhưng giám đốc trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Nga dự báo: “Trời sẽ sớm lặng gió trở lại và khói cũng sẽ trở lại Moscow”. Các hãng thông tấn quốc tế đưa ra bản tin gây xôn xao: tỷ lệ tử vong ở Moscow cao gấp đôi bình thường trong tuần qua, lên đến 1.500 người/ngày.
Một bản tin khác của AFP cũng vào ngày 12/8 cho hay lửa đang liếm nhanh qua các khu rừng ở phía bắc và phía tây Bồ Đào Nha, nơi trời nóng đến 40oC. Khoảng 1.500 lính cứu hoả và máy bay dập lửa đã được huy động để dập 50 đám cháy rừng bùng lên từ cuối tuần trước ở ba công viên quốc gia, trong khi dân cư trong vùng được gấp rút di tản. Khoảng 18.000ha rừng và thảo nguyên đã cháy từ đầu tháng đến nay.
Trong khi hạn hán và lửa rừng hoành hành các khu vực phía đông và tây Âu, mưa lại trút xuống trung Âu, làm nước sông Neisse chảy theo biên giới Đức – Ba Lan cuồn cuộn lên mức trên 7m, nhấn chìm cả thị trấn Görlitz của Đức dưới 3m nước. Trên toàn vùng ảnh hưởng ở Đức, Ba Lan, và Cộng hoà Czech, Reuters cho hay có 15 người chết do lũ và lũ quét.
|
Và cơn mưa
Ở châu Á, thông tấn xã KCNA của Bắc Triều Tiên cho hay, lũ lụt ở các tỉnh phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng tàn phá 14.850ha diện tích canh tác lương thực, 5.500 căn nhà, 350 công trình công cộng, nhưng không rõ thiệt hại về người. So với các nơi khác, mưa lũ ở Bắc Triều Tiên có thể chưa nghiêm trọng, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đang hết sức lo ngại vì ngay cả khi không có thiên tai, nước này cũng có đến 24 triệu người cần cứu trợ.
Ở Pakistan, lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm qua diễn ra ở miền bắc nước này làm chết 1.600 người. Thảm hoạ khác lơ lửng ở Pakistan khi hai triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất, nửa triệu người không có cái ăn. Theo ước tính của Liên hiệp quốc (UN), lũ lụt ảnh hưởng khoảng 14 triệu người Pakistan, tức 8% dân số, và gây thiệt hại mùa màng lên đến hàng tỉ USD. Thiệt hại về người ở toàn bộ các khu vực ảnh hưởng mưa lũ phía bắc Pakistan, mặc dù vậy, chưa bằng số người chết và mất tích trong một trận lở đất ở huyện Chu Khúc thuộc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, nơi lực lượng cứu hộ đang mất dần hy vọng tìm kiếm hơn 600 người, trong khi số thi thể tìm thấy trong các đống đổ nát tính đến ngày 12/8 đã lên đến hơn 1.100 người.
Nước quá nhiều trong khí quyển không chỉ đổ thành mưa tầm tã. Ở Nam bán cầu, nơi đang trong giữa mùa đông, nước trở thành bão tuyết. Báo Latin America Herald Tribune cho biết một số khu vực dân cư ở tỉnh Chubut, phía nam Argentine, đang bị vùi dưới 1,5m tuyết, và khoảng 600 người ở các nông trại rải rác khắp tỉnh này bị cô lập từ hôm 10/8. Đợt lạnh được cho là chưa từng thấy trong 30 năm quét qua Nam Mỹ từ cuối tháng 7 mang lại niềm vui cho người dân ở thành phố biển Mar del Plata của Argentina lần đầu tiên trong đời thấy tuyết rơi, nhưng khiến hàng ngàn hộ chăn nuôi gia súc ở miền trung Brazil lo lắng vì hàng ngàn gia súc chết cóng. Tổng số người chết vì rét ở Chile, Uruguay, Paraguay, Bolivia, và phía Nam Brazil đến đầu tháng tám là hơn 80 người.
|
Hãy rời bỏ trái đất?
Giữa những sự kiện đó, từ Anh nhà vật lý học lý thuyết nổi tiếng thế giới Stephen Hawking đưa ra một phát biểu chấn động: “Tôi tin là trong một tương lai dài hạn con người phải tìm ra vũ trụ. Khó có thể tránh được các thảm hoạ trên trái đất trong hàng trăm năm tới, chứ đừng tính tới hàng ngàn hay hàng triệu năm tới. Loài người không nên đặt tất cả trứng của mình trong một cái rổ hay trên một hành tinh. Cho đến khi rải được số trứng này ra các nơi, hy vọng là chúng ta có thể giữ được giỏ trứng này không bị vỡ”.
Thảm hoạ mà ông Hawking nói đến không phải chỉ là các thiên tai mà còn là các nguy cơ huỷ diệt hàng loạt mà chính con người có thể tạo ra, như vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 – 1963, khi Liên Xô và Cuba suýt đối đầu với Mỹ trong một cuộc chạy đua triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung.
Ông Hawking nhận xét: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn hiểm nguy gia tăng trong lịch sử nhân loại. Dân số và việc khai thác tài hữu hạn của trái đất đang tăng theo hàm mũ. Nếu con người có thể tránh được các thảm hoạ trong hai thế kỷ tới, chúng ta nên toả ra cư trú trong vũ trụ, giống nòi chúng ta sẽ được an toàn”. Và theo dự đoán của Hawking khoảng năm 2200 là hạn chót để con người rời khỏi trái đất đầy thảm hoạ này.
Theo Sài Gòn tiếp thị