'Con tin' giáo dục

(CTG) Trong khi các gia đình khác đang mong con đến ngày nghỉ hè thì chị Tú - phụ huynh trường Quốc tế Mỹ (TP HCM) - “méo mặt” vì con chưa hè đã nghỉ.

Trường này thông báo không đủ tiền chi trả kinh phí hoạt động nên phải kết thúc năm học sớm vào ngày 26/4. Trong khi đó, năm học của học sinh TP HCM chỉ kết thúc một tháng sau đó. Như nhiều phụ huynh khác, chị Tú đã đầu tư vào trường một khoản tiền không nhỏ, kỳ vọng góp phần tạo ra một môi trường học tập tiến bộ cho con. Ngoài số tiền giao ước ban đầu, trước nguy cơ phá sản, ngày 30/3, phụ huynh được yêu cầu đóng thêm 125 tỷ đồng nhằm duy trì hoạt động của trường cho đến hết năm học.

Nhưng tiền vẫn không phải là điều kiện đủ để đảm bảo việc học thông suốt cho con chị ở bậc phổ thông.

Việc đóng trước cho nhà trường số tiền lớn để trẻ được học miễn phí là một phi vụ đầu tư. Phụ huynh cho trường vay tiền và lãi chính là phần học phí của con em họ. Về khía cạnh kinh doanh, được mất may rủi là những điều phải chấp nhận. Mặc dù vậy, trong câu chuyện này, thành bại của phụ huynh không chỉ ở vấn đề tiền bạc.

Một khi cho con trẻ theo học các trường quốc tế nằm ngoài chương trình giáo dục Việt Nam, phụ huynh đã trói buộc con em mình trọn vẹn với môi trường ấy. Sự khác biệt trong chương trình cũng như cách thức dạy học là điểm hấp dẫn của trường quốc tế, nhưng nó cũng ngăn cản học sinh hòa nhập vào hệ thống giáo dục Việt Nam khi cần. Nói cách khác, đó là tấm vé một chiều. Ở giữa hành trình, nếu có bất cứ trục trặc nào từ phía gia đình hoặc nhà trường, con trẻ là những người lãnh đủ, và không phải gia đình nào cũng có khả năng giải quyết hậu quả.

Điểm khác biệt của mảng giáo dục ngoài công lập là sự điều tiết theo quy luật thị trường. Sự phù hợp giữa gia đình học sinh với nhà trường về khía cạnh nhu cầu, chất lượng và tài chính là yếu tố tạo sự gắn bó hai phía. Khả năng đứt gánh giữa đường trong mối quan hệ này hoàn toàn có thể xảy ra khi một trong hai bên không còn tìm thấy sự phù hợp. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà hai bên phải khiên cưỡng chấp nhận duy trì mối quan hệ không còn phù hợp, thì nạn nhân lại chính là những đứa trẻ.

Có thể liên hệ hai lý do trên với những gì đang xảy ra tại trường Quốc tế Mỹ thời gian qua. Lý do đầu tiên là một phần dẫn đến sự miễn cưỡng chấp nhận của phụ huynh để con tiếp tục theo học. Ràng buộc tài chính là phần còn lại. Không ai muốn con mình bị tổn hại nên phụ huynh sẵn sàng "cố đấm ăn xôi" giúp nhà trường sống sót.

Đây chính là điều cốt lõi trong hành động của nhà trường: duy trì hoạt động với sự tiếp sức từ phụ huynh. Trường đã đánh trúng tâm lý của phụ huynh.

Điểm cần đạt được của cả hai phía là những con số mang tính kỹ thuật, không khác gì cái giá để đánh đổi hoặc mặc cả. Đó là con số về cột mốc thời gian như "hết năm học 2023- 2024" hoặc về tiền như 125 tỷ đồng. Một cách vô hình, nhà trường đã đưa ra thông điệp khá rõ ràng: nhà trường đóng cửa ngay, dừng hoạt động vào cuối năm học này, hay có thể tồn tại lâu dài là phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của phụ huynh. Với thông điệp này cùng hai điều tôi đã nêu trên, phụ huynh rơi vào thế bị động lựa chọn giữa mất cái này hoặc mất cái kia, chứ không "được": mất tiền hay mất tương lai của con. Cuối cùng, khi con số 125 tỷ đồng không đạt được, năm học bị kết thúc sớm và phụ huynh lại căng như dây đàn.

Điều tôi quan tâm trong "ván bài" này là câu chuyện về sau: sau 125 tỷ đồng sẽ là bao nhiêu, sau cột mốc "hết năm học 2023- 2024" sẽ là cột mốc nào, rồi năm sau hay năm sau nữa sẽ ra sao? Dù kịch bản thế nào, phụ huynh vẫn đang nắm dao đằng lưỡi và lòng bàn tay dễ bị tổn thương chính là con em họ. Với tôi, nhà trường đang sử dụng học sinh như những "con tin" trong lĩnh vực giáo dục và tương lai học tập được đưa ra để mặc cả tiền bạc.

Các "con tin" cụ thể trong sự việc có thể sẽ được giải cứu nhưng quản lý nhà nước phải tính toán để không có thêm những tình huống tương tự. Trước hết, mỗi trường học cần phải chứng minh được số dư tài khoản đủ điều kiện để hoạt động. Kế đến, vai trò của phụ huynh hay cổ đông phải được xác định rạch ròi để những người thực sự góp vốn được bảo đảm quyền lợi của mình trong điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Minh bạch vai trò phụ huynh - nhà đầu tư, cũng như minh bạch hoạt động của nhà trường là mục tiêu cần đạt được nhằm chấm dứt tình trạng "con tin giáo dục".