Công bố 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018

(CTG) Ngày 27.2, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.

Đây là năm thứ 8 hoạt động được tổ chức nhằm vinh danh các thầy thuốc trẻ (dưới 45 tuổi) có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Các y, bác sĩ trẻ tình nguyện khám bệnh cho bà con nhân dân.

Ban tổ chức cho biết, 10 gương mặt được chọn ra từ 81 hồ sơ tiêu biểu gửi về trên cả nước. Đây là những tấm gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu, tiên phong vì an sinh xã hội. Cụ thể, thành tích của 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu như sau:

1. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Chiến Quyết (30 tuổi), bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai: Bác sĩ Quyết là 1 trong 7 bác sĩ đầu tiên của dự án 585 được bàn giao về công tác tại các huyện nghèo. Trong thời gian công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà từ tháng 7.2017, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 700 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi... trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh có trường hợp chỉ nặng 900 gram.

2. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thế Thạch (37 tuổi), Bí thư Chi đoàn, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai: Bác sĩ Thạch đạt giải nhất hội thao sáng tạo tuổi trẻ Ngành Y tế lần thứ 25 và 26; tham gia cấp cứu thảm họa sập cầu Chu Va - Lai Châu; tham gia cấp cứu, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân cúm A/H1N nặng có biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng, bệnh nhân sốc tim do viêm cơ tim vi rút biến chứng suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, và nhiều bệnh nhân khác.

Đặc biệt, bác sĩ Thạch là người tham gia hội chẩn cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng của đơn vị khác như tham gia điều trị các chiến sĩ trong vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc và Lào Cai. Năm 2018, bác sĩ Thạch nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích cứu sống các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai, bằng khen của Công đoàn Ngành Y tế Việt Nam.

3. Tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Tú (34 tuổi), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K: Bác sĩ Tú là đồng chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ, chủ nhiệm 3 đề tài thử nghiệm lâm sàng, 5 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài các cấp sau khi nghiên cứu thành công đều được áp dụng vào thực hành lâm sàng.

Bác sĩ Tú có 8 công trình khoa học được công bố, trong đó có 2 công trình đăng trên tạp chí thế giới, 1 bài báo đang gửi đăng ký trên tạp trí quốc tế; có 4 báo cáo tại Hội nghị Ung thư năm 2014, 2015 và 2018.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu phát hiện ra ANGPTL4 là một protein khi xuất hiện trong máu sẽ dự báo tình trạng di căn não, nghiên cứu sử dụng ANGPTL4 như một chất dể dẫn thuốc điều trị ung thư qua hàng rào máu não.

4. Thạc sĩ, dược sĩ Trương Văn Đạt (31 tuổi), Bí thư Đoàn Thanh niên, Giảng viên Khoa dược Trường đại học Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM: Dược sĩ Đạt đã thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, tham gia thực hiện và thư ký khoa học của 5 đề tài, dự án (2 dự án nhà nước, 2 dự án Nasfoted tài trợ và 1 đề tài cấp sở); đã công bố 6 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế, 16 bài báo nghiên cứu khoa học trong nước và tham gia 5 hội nghị nghiên cứu khoa học quốc tế và có 5 bài báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế.

Ngoài ra, dược sĩ Đạt đạt nhiều giải thưởng: giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2013, 2014, 2015, giải nhì năm 2018…

Dược sĩ Đạt cũng là người sáng lập ra nhóm nghiên cứu học thuật ORC (Online Research Club); tham mưu với nhà trường thành lập Giải thưởng UMP Student Research Award, giải thưởng Tài năng trẻ; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc thi khoa học; nhiều năm liên tiếp (từ 2007 đến nay) tổ chức chương trình khám bệnh cho hàng chục ngàn người dân tại các tỉnh phía Nam…

5. PGS - TS Nguyễn Thanh Hiệp (43 tuổi), Phó hiệu trưởng phụ trách Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và hậu cần, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trưởng phòng khám Đa khoa, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trưởng bộ môn Y học gia đình Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch:

TS Hiệp đã chỉ đạo tổ chức 67 lớp đào tạo chuyên sâu liên kết với nước ngoài. TS Hiệp đã phát triển bộ môn Y học gia đình và các lớp sau đại học chuyên ngành Y học gia đình; mở thêm 3 mã ngành và tăng cường 2 mã ngành cho trường; tổ chức nhiều lớp nghiên cứu khoa học và hội thảo nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài ứng dụng thực tiễn, xây dựng đề tài cấp quốc gia… TS Hiệp cũng đã 15 công bố khoa học và hướng dẫn 16 đề tài nghiên cứu

6. Bác sĩ chuyên khoa 1 Khuất Thanh Bình (44 tuổi), Phó giám đốc kiêm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu: Bác sĩ Bình là người chủ trì và hướng dẫn thực hiện thành công bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết, điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết là một phương pháp điều trị mới nhằm tái thiết lập dòng chảy mạch máu não. Từ khi triển khai đến nay, bệnh viện đã điều trị thành công 3 trường hợp, tăng khả năng sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bình cũng là người tham gia điều hành Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, xây dựng các quy trình kỹ thuật tại bệnh viện, các quy trình khám chữa bệnh rút ngắn thời gian xét nghiệm, rút ngắn thời gian chờ khám của bệnh nhân ở các bộ phận tiếp kiệm thời gian cho bệnh nhân để làm sao cho bệnh nhân đến cán bộ đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình bệnh nhân về dặn dò chu đáo.

7. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hoàng Hiệp (44 tuổi), Trưởng khoa điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nội tiết T.Ư: Bác sĩ Hiệp đã có thành tích phẫu thuật nội soi tuyến giáp 1 lỗ đã được nghiên cứu và thực hiện thành công, thay vì phải rạch 3 lỗ, 4 lỗ, 5 lỗ như các tác giả trước đây. Phương pháp này mang lại là tính thẩm mỹ hoàn hảo nhất do vị trí vết rạch da chỉ với một lỗ duy nhất tại hõm nách, không làm thương tổn thêm các vị trí khác. Phương pháp đáp ứng được cắt bỏ tổ chức bị bệnh theo đúng chỉ định, kỹ thuật an toàn, đạt hiệu quả cao trong điều trị. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nội soi tuyến giáp 1 lỗ thành công, trong đó bác sĩ Hiệp là người nghiên cứu và thực hiện.

8. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn (43 tuổi), Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Phó chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội: Bác sĩ Sơn tham gia nghiên cứu “Nhân một trường hợp u lympho tụy được chụp và theo dõi trên PET/CT” và “Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị của PET/CT trong theo dõi tiến triển ung thư vú” tại Bệnh viện Quân Y 103; duy trì hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người bệnh sử dụng dịch vụ tại bệnh viện, phân luồng trung bình 1000 - 1200 lượt người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện hàng ngày.

Đặc biệt, bác sĩ Sơn đã duy trì website, fanpage, tổ chức tuyên truyền trên qua sự kiện và TV, nhận tổng giá trị hỗ trợ là 5,5 tỉ đồng, hỗ trợ cho 1.658 người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Huy động suất ăn yêu thương trị giá hơn 1,4 tỉ đồng và thực hiện nhiều chương trình tình nguyện, an sinh xã hội tại cộng đồng. Thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân dành cho bệnh nhân.

9. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Vũ Phong (37 tuổi), Bí thư Chi bộ Y tế, Trưởng trạm Y tế xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau: Năm 2016, phối hợp cùng các đồng nghiệp cấp cứu thành công 1 ca sốc do tiêm vắc xin ngừa Sởi- Rubella; được Bộ Y tế tặng bằng khen.

Năm 2017, sơ cấp cứu kịp thời ca đuối nước do chìm xuồng. Được Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự phim tài liệu về những khó khăn tại y tế cơ sở, tên phim tài liệu “Chuyện kể từ thôn bản”; hằng năm, huy động trung bình 50 triệu đồng mỗi năm tổ chức khám từ thiện.

10. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Khánh Thu (37 tuổi), Trưởng phòng Kế hoạch tổng hơp, Bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, Phó bí thư Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh Thái Bình: Bác sĩ Thu đã tham mưu, tổ chức công tác chuyên môn khám chữa bệnh và một số công tác khác trong bệnh viện. Bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh cho 272.968 lượt người bệnh nhân, 67.988 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, 13.167 ca phẫu thuật, hàng triệu ca xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng...

Bác sĩ Thu là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp viện, cấp ngành, cấp tỉnh. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên Tạp chí Y học thực hành từ năm 2008 - 2018.

CTG