Công dân toàn cầu: “Tôi hạnh phúc dù không có tay, chân”

(CTG) Nick Vujicic dù được sinh ra không có tay, chân nhưng bằng nghị lực phi thường và tài năng thuyết trình động lực anh đã chinh phục hàng triệu người trên thế giới. Hiện anh là giám đốc tổ chức hỗ trợ người tàn tật Life Without Limbs.

Sinh vào một ngày đầu tháng 12-1982 tại Melbourne, Australia, với căn bệnh rối loạn bẩm sinh (bệnh Tetra-amelia), Nick Vujicic không có chân, không có tay, chỉ có một cái tạm gọi “bàn chân” có hai ngón chồi ra từ bẹn trái, dù sức khỏe của Nick vẫn bình thường.

Mẹ anh đã ngất khi nhìn thấy đứa con chỉ có đầu, mình và một mỏm cụt mọc ra từ hông trái với hai ngón nhỏ. Khi tỉnh lại, bà và chồng ứa nước mắt khi thấy đứa trẻ ngoài việc không có tứ chi vẫn ngọ ngoậy và khóc váng như những trẻ khỏe mạnh bình thường. Bằng tình thương vô hạn, cha mẹ Nick đã đưa anh từng bước vào đời.

Khi Nick đến tuổi đi học, cha mẹ gửi anh đến trường dành cho những trẻ khỏe mạnh bình thường. Từ cái mỏm cụt bên hông, hai người gắn cho Nick một cánh tay đặc biệt để con có thể cầm nắm, đánh răng, viết, gõ máy tính và hòa nhập xã hội. Những năm đầu tiên, cậu bé không tay chân luôn được đặt trong xe lăn và phải nhờ người khác đẩy đi. Những đứa trẻ khác chỉ trỏ vào cậu, nói những lời vô tâm và cười phá khiến Nick chỉ muốn tan biến đi trên cõi đời này.

Năm lên tám, Nick toan tự tử nhưng được cứu sống. Trải qua một số biến động khác, Nick nhận ra không ai khác ngoài bản thân có thể giúp mình trở nên bình đẳng với mọi người. Cậu bình tâm lại và quyết tâm học thật giỏi. Những năm trung học sau đó, các học sinh khác bắt đầu nhìn Nick với vẻ ngưỡng mộ vì thành tích học tập của Nick rất đáng nể.

Nick học viết bằng 2 ngón chân, học dùng máy vi tính, đánh máy bằng gót và 1 ngón chân. Nick học ném bóng tennis, sử dụng điện thoại, chơi golf, học bơi, học lướt sóng...

Nick học lướt sóng cùng bạn bè


Năm 17 tuổi, cuộc đời Nick mở sang bước ngoặc khác bởi một sự kiện đáng nhớ. Nick được mời đi nói chuyện về quá trình phấn đấu của bản thân và nhận ra anh không chỉ có thể sống bình thường mà còn có ích hơn thế. Những người đến nghe Nick ngày càng đông. Anh trở thành một trong những diễn giả quy tụ nhiều người nghe nhất ở Úc và được mời diễn thuyết ở nước ngoài nhiều nhất.

Nick Vujicic - Diễn giả đặc biệt của thế giới


Với thanh niên, anh kể về kinh nghiệm "chiến đấu" với những lần bị bắt nạt ở trường, về những việc mình đã làm, những điều anh suy nghĩ. Với những người mất hoặc không có tay, anh chia sẻ phương pháp "giậm gót và ngón chân" do anh tự nghĩ ra để đánh máy cho nhanh. 21 tuổi, Nick đĩnh đạc vào đời với tấm bằng cử nhân thương mại hai chuyên ngành hoạch định tài chính và kế toán.

"Khi thế giới nói bạn là một sự thất bại, hãy nghĩ rằng tạo hoá mầu nhiệm có một kế hoạch cho bạn. Rằng những bài học mà bạn tự rút ra ít nhiều sẽ có ích cho người khác!". Năm 2005, Nick Vujicic sáng lập và trở thành giám đốc tổ chức phi chính phủ "Sống không tứ chi" ở Úc, với mục đích giúp đỡ những người tàn tật không có chân tay có thêm nguồn cổ vũ động viên tinh thần cho cuộc sống của họ.

Nick trong vòng tay của người mến mộ


Một số chủ đề Nick diễn thuyết ở tổ chức này là “fear” (nỗi sợ hãi), “rejection” (sự từ chối), “depression” (nỗi chán nản), “suffering” (sự chịu đựng), và cả “unanswered prayers” (những lời cầu nguyện không được phản hồi). Đến nay Nick đã diễn thuyết cho hơn 2 triệu khán giả ở hơn 12 nước trên 4 châu lục (châu Phi, châu Á, Châu Úc và Bắc Mỹ).

Như bao người lành lặn, anh cũng vạch kế hoạch cuộc đời. Kế hoạch cho năm 2009 là có thể độc lập tài chính nhờ kinh doanh bất động sản, thiết kế một chiếc xe hơi riêng, trở thành khách mời trong chương trình của Oprah Winfrey và hoàn tất quyển sách đầu tiên có tựa Không tay, không chân, Không ưu phiền! vào cuối năm.

"Người không tay, chân" đã viết trên blog (ở trang nhật ký điện tử của mình => http://www.myspace.com/lifewithoutlimbs) về lần diễn thuyết vòng quanh các nước Singapore, Indonesia, Campuchia và Mỹ vào tháng 7-2007: "Giờ giấc thật sít sao! Tôi chỉ có thể tranh thủ năm phút để cập nhật tình hình cho bạn. Nói chuyện với khoảng 120.000 người, truyền hình trực tiếp cho 40 triệu khán giả. Được cảnh sát hộ tống, di chuyển bằng trực thăng... Riêng ở Indonesia phải tới năm thành phố, trong vòng 10 ngày có 22 cuộc gặp gỡ. Nơi đông người nghe nhất có lẽ khoảng 20.000 người...".

Còn tại Campuchia, anh viết: "Chúng tôi đã đến Campuchia tham dự chương trình tài trợ chính thức cho 30 trẻ khuyết tật. Đó chỉ là bước khởi đầu. Tôi đã nói chuyện với 1.600 người khuyết tật và xúc động mãnh liệt khi biết nhiều người trong số họ bị gia đình từ chối và chính phủ bỏ rơi như thế nào. Tôi hy vọng sang năm sẽ có thể trở lại đây để thành lập một quỹ hỗ trợ người khuyết tật".

Bài diễn thuyết động lực Life’s Greater Purpose (Mục đích vĩ đại của cuộc sống) của Nick được in ra đĩa DVD và đăng tải trên website của Life Without Limbs (www.lifewithoutlimbs.org). Các cảnh chiếm phần lớn trong DVD này đều được quay vào năm 2005, có nội dung tóm tắt về cuộc sống riêng của Nick, cảnh Nick sinh hoạt thường nhật khi không có tay, chân.


Phần hai của DVD được quay tại nhà thờ địa phương ở Brisbane, nói về bài diễn thuyết động lực chuyên nghiệp đầu tiên của Nick.

Những bài diễn thuyết của Nick hiện đang đăng tải trên website Premiere Speakers Bureau (www.premierespeakers.com).

DVD "No Arms, No Legs, No Worries" của Nick được đăng tải trên mạng dưới sự hỗ trợ của công ty diễn thuyết động lực “Attitude Is Altitude” (Quan điểm là tầm cao).

Cuộc đối thoại đầu tiên trên ti vi của Nick với Bob Cummings được phủ sóng toàn cầu trên kênh 20/20 (Đài truyền hình ABC) và phát vào 28/3/2008 vừa qua.
  
Cuộc đời của Nick là một minh chứng cho sự sức mạnh phi thường của tinh thần và ý chí con người. "If I fall, I try again, and again, and again" (tạm dịch là Nếu tôi ngã, tôi sẽ cố gắng cho đến khi nào đứng lên được) - Nick Vujicic.

Cũng giống như Nick, Gabe Adams là một cậu bé Brazin 8 tuổi, hiện đang sống ở Utah cùng gia đình bố mẹ nuôi Adams. Em sinh ra đã không có tay, chân, nhưng sự kiên nhẫn, lạc quan của cậu bé trong sự yêu thương và đùm bọc của gia đình đã mang đến những điều kỳ diệu.
 
Cả gia đình nghẹn ngào nước mắt khi thấy cậu nhỏ Gabe leo được cầu thang bằng một nỗ lực phi thường. Em có thể đến trường, học viết, học đọc, học vẽ, học bơi, lặn, chơi đu quay hay thậm chí nhảy breakdance.

Gabe Adams được cha nuôi Ron Adams bế vào ghế sau của chiếc F-16D ở phi đoàn 419 chiến đấu cơ, Hill Air Force Base, Utah vào 19/10/2006. (Ảnh: Không quân Hoa Kì – U.S. Air Force)

 
Câu nói mà Gabe ưa thích nhất đó là: “I can do it! I can do it with a smile on my face” (Mình có thể làm được! Mình có thể làm được điều này với một nụ cười). Hết sức có thể, cậu bé đang sống và nỗ lực từng ngày.

Ở Việt Nam, chúng ta luôn có những “tấm gương Nguyễn Ngọc Kí”. Nguyễn Minh Phú (sinh ngày 17/7/1993 tại Ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) may mắn hơn Gabe vì vẫn còn đôi chân lành lặn. Nhưng điều làm mọi người nể phục ở Phú đó là dù sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, dù phải chịu di chứng chất độc màu da cam, Phú vẫn nỗ lực học tập, tập thể dục thể thao để tăng cường thể lực và đỡ đần cha mẹ.

Thời gian biểu của Phú định rõ: Học trên lớp, học ở nhà, quét dọn nhà cửa, nấu cơm hoặc thu nhặt giấy vụn, học thêm Anh văn, Tin học, chơi thể thao… cứ giờ nào việc ấy, Phú thực hiện nghiêm túc và say sưa.

Nguyễn Minh Phú tập viết

Phú nấu cơm bằng bếp củi phụ gia đình

Phú quét nhà bằng cách kẹp chổi vào giữa cổ và vai

 
Những lúc rảnh rỗi, Phú thường tham gia luyện tập thể dục, thể thao với những bộ môn em yêu thích như đá bóng, chơi cầu lồng và cả đánh cờ. Chơi thể thao với Phú còn có mục đích: Đó là tự rèn luyện thể lực để có sức học thêm các môn Anh văn và Tin học, những môn sẽ tháo gỡ những khó khăn cho em trong tương lai.

Trong các hoạt động của Đội trên địa bàn dân cư, Nguyễn Minh Phú cũng luôn trong tốp dẫn đầu và kết quả thu nhặt thóc rơi, giấy loại, vỏ chai để bán lấy tiền ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn con thương binh liệt sỹ.

Trong suốt cuộc hành trình nhọc nhằn mà tràn đầy niềm vui của mình, Phú bảo rằng mỗi khi em gặp khó khăn hay chán nản không hiểu sao những câu thơ của Bác lại cứ sang sảng vang lên:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên

Những lúc ấy em lại thấy phấn chấn vô cùng và thầm cảm ơn Bác. Những câu thơ linh nghiệm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho Phú vươn lên.

Và rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với cậu bé có nghị lực phi thường này.
 
Năm 2002 em được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương tuyên dương “Thiếu nhi có hoàn cảnh khó vươn lên học tốt”. Năm 2005, Nguyễn Minh Phú vinh dự được tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc và được báo Thiếu niên Tiền phong cấp học bổng mỗi tháng 300.000 đồng cho đến hết năm học lớp 12. Phú được bình chọn là một trong "10 gương mặt trẻ tiêu biểu” của tuổi trẻ Việt Nam năm 2005.

Theo dõi các buổi diễn thuyết (phụ đề tiếng Việt) của Nick Vujicic

1. Tôi là người hạnh phúc!

2. Không tay, không chân, không ưu phiền!

Theo dõi clip về cậu bé phi thường Gabe Adam (phụ đề tiếng Việt)

Gabe Adams – cậu bé phi thường

Phi Khuyên (Tổng hợp)