CPI tháng 9 xô đổ kỷ lục trong 10 năm qua: Vì sao?

(CTG) Sau 5 tháng liên tiếp dao động với biên độ tăng dưới 0,3%, sự ổn định của thị trường giá cả đã bị “phá vỡ” bởi những thông tin chính thức vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong ngày hôm nay (24/9).


Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng tới 1,31% so với tháng 8. Điều này cho thấy sự đột biến của giá cả thị trường, đồng thời cũng khiến nỗ lực kiềm chế lạm phát các tháng cuối năm trở nên khó khăn hơn. Trước đó, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã dự đoán CPI tháng 9 sẽ dao động trong khoảng 0,8 - 1%.
 
Với con số ấn tượng này, mức tăng chỉ số tháng 9 năm nay đã đạt mức tăng kỷ lục so với các tháng 9 kể từ năm 2000 đến nay.
 
Trong các chỉ số giá tiêu dùng vừa được công bố, “đột biến” lớn nhất thuộc về nhóm giáo dục với mức tăng vượt trội 12,02% so với tháng trước; Tiếp đến là chỉ số CPI nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tháng này tăng 1,08%, chủ yếu do tác động từ tăng giá thép xây dựng, dầu hỏa, gas… Ước tính, với quyền số khoảng 10%, nhóm này góp phần làm tăng chỉ số chung khoảng 0,1%; Các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng dưới 1% đáng chú ý có CPI giao thông tăng khá cao, ở mức 0,91%, nhưng do quyền số chỉ gần 9% nên tác động đến chỉ số chung dưới 0,1%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tuy tăng thấp hơn (0,79%) nhưng quyền số gần 40% nên mức đóng góp lại lớn hơn, khoảng 0,31%...; Chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 3,58%; chỉ số giá USD tăng 1,61% so với tháng 8.
Theo phân tích của các các chuyên gia kinh tế, mức tăng 1,31% là sự “hợp lực” của nhiều nguyên nhân, xuất phát từ sự tăng giá một số mặt hàng trên thế giới, yếu tố đẩy của lực cầu trong nước và những điều chỉnh chính sách. Cụ thể, việc điều chỉnh giá xăng dầu, tỷ giá VND/USD, giá sàn xuất khẩu gạo… là những yếu tố chính tạo nên sự tăng vọt chỉ số giá cả của thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh còn do tháng 9 có quá nhiều lý do để tạo thành lực cầu mạnh, tác động đến chỉ số giá các nhóm giáo dục, văn hóa, du lịch, giải trí, giao thông vận tải: Cụ thể, tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Quốc khán 2/9, Tết Trung thu và dịp khai trường năm học 2010-2011.
 
Ngoài ra, việc "nhập khẩu" lạm phát xuất hiện ở việc điều chỉnh giá nhập khẩu các mặt hàng thép, gas, đường… Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu gạo tăng tại châu Phi cũng là nguyên nhân đẩy giá gạo trong nước tăng cao ở các tỉnh phía Nam.

Dự báo về CPI trong những tháng tiếp theo, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ, Giá cả cho rằng: Nhiều khả năng CPI tháng 10 sẽ hạ nhiệt vì lực cầu mang tính thời vụ như dịp Quốc Khánh, Trung thu, khai giải chỉ diễn ra trong tháng 9.
 
Còn về dự báo dài hạn, các chuyên gia cho biết, lộ trình tăng học phí bậc cao đẳng và đại học từ 20-25% của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ lại tác động đến chỉ số giá vào thời điểm này năm sau.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp