Từng chảy máu cam vì phun hóa chất
Buổi trưa oi nắng, anh Võ Ngọc Sơn vẫn rong ruổi khắp huyện sát bên - Đắk Song, để tư vấn, hỗ trợ nông dân cải tạo đất và vườn cây bị ô nhiễm chất hóa học. Đây là khu vực ô nhiễm đến mức cỏ cây, côn trùng không thể sống sót. “Những vườn cây họ nhờ mình tư vấn hầu hết là ca nặng. Do phun đẫm thuốc trừ sâu, phân hóa học mấy chục năm nay, ô nhiễm nặng nên mình ưu tiên cải tạo đất trước”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Võ Ngọc Sơn (ở huyện Đắk Mil, Đắk Nông) rong ruổi khắp Tây Nguyên hỗ trợ bà con cứu đất trồng cây |
Gia đình bà Hà Thị Tuyết (thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song) đang thực hiện theo mô hình canh tác nông nghiệp an toàn do chính anh Sơn tư vấn, hướng dẫn. Gia đình bà có 2 ha cà phê xen hồ tiêu nhưng ít được chăm sóc.
“Những lần đi giúp bà con, mình gặp không ít sự cố trên đường. Nhẹ thì hết xăng, phải dắt bộ giữa đêm trong rừng, nặng thì bị bay xuống mương do xe lớn lấn làn. Tuy vậy mình vẫn vui với công việc, bởi được bà con yêu mến, thế là đủ. Chất Đoàn vẫn chảy trong huyết quản của mình”. Anh Võ Ngọc Sơn (cựu Bí thư Đoàn xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) |
“Trước đây, hồ tiêu có giá, các công ty bảo vệ thực vật thường ghé nhà tôi tư vấn. Từ khi nông sản mất giá, hồ tiêu bị chết, không thấy ai lui tới. Tôi biết mô hình canh tác của Sơn đã lâu nhưng đến năm 2021 mới có duyên nhờ cậu ấy tư vấn. Gần 1 năm sử dụng phân vi sinh cho vườn cây, tôi thấy có tín hiệu khả quan. Vụ tiêu vừa qua, tôi thu được khoảng 6 tấn. Mong sao vườn cây phục hồi, chứ nghĩ tới cảnh đẫm chất hóa học tôi sợ lắm”, bà Tuyết nói.
Anh Sơn là con nhà nông, gia đình sở hữu hàng chục ha đất trồng cà phê, hồ tiêu. Lợi nhuận không được bao nhiêu khi chi phí vật tư leo thang, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Anh từng bị ám ảnh do đeo bình xịt thuốc hóa chất quá nhiều, đến nỗi chảy máu cam. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác an toàn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cho nhà nông.
Thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp
Qua internet, anh Sơn biết cách sử dụng phân vi sinh để dần loại bỏ phân hóa học. Anh xin gia đình 2 ha đất có sẵn cà phê kèm hồ tiêu thử nghiệm. Nhận thấy vườn cây có sự thay đổi tích cực, năng suất không giảm, anh tiếp tục học cách làm phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, trái cây bỏ đi và làm thêm đạm cá cung cấp dinh dưỡng cho cây.
“Ban đầu, nghe nơi đâu có mô hình hay là mình vác ba lô cùng chiếc xe máy cũ tìm đến tận nơi học hỏi. Có chuyến đi kéo dài cả chục ngày, gia đình tưởng mình bỏ nhà đi bụi. Năm 2010, biết tin Lâm Đồng có vườn cà phê cho thu 10 tấn nhân/ha, mình tìm đến và học luôn mô hình canh tác cà phê không hãm ngọn. Về nhà thử nghiệm, mình mất 3 năm để hoàn thiện mô hình cho phù hợp với khu vườn”, anh chia sẻ.
Anh Sơn còn tìm gặp các giáo sư đầu ngành của Viện Sinh học Nông nghiệp qua các khóa học. Nhờ chia sẻ của các chuyên gia, anh có thêm động lực, niềm tin và kiến thức về nông nghiệp an toàn. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng đam mê nông nghiệp sạch, anh tham gia vào nhiều hội nhóm như: Hội kỹ thuật cà phê đạt 10 tấn, Hội hồ tiêu, Hội Nông dân Việt Nam…
Không chỉ chia sẻ trên mạng xã hội, anh còn trực tiếp tới từng vườn cây “bắt bệnh”. Từ năm 2017 đến nay, anh đi khắp các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam tư vấn cho bà con cách cải tạo đất bằng các phương pháp an toàn như dùng vôi, phân vi sinh, cách tự sản xuất phân bón. Thời gian đầu anh phải lấy mẫu đất của nông dân đi xét nghiệm để xem mức độ ô nhiễm; giờ có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn qua đất đã biết được “bệnh” để “kê thuốc” phù hợp.
“Mục tiêu của mình là chung tay thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp, để nông dân bám đất, bám cây. Canh tác an toàn nhưng phải đảm bảo năng suất, thu nhập ổn định”, anh nói thêm.
Theo TP