Đại học tư: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

(CTG) Hướng đi cho các trường tư tại Việt Nam, xét về mô hình vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận sẽ thế nào? Lối ra cho mọi vấn đề nằm ở chỗ chấp nhận thực tế và các quy luật của nó. Đồng thời có chính sách quản lý và điều chỉnh theo hướng tối ưu hóa các lợi ích mang lại cho tất cả các nhóm đối tượng liên quan.

Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, khi chuyển giao công nghệ đóng vai trò là một nhân tố quan trọng trong công cuộc cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia, giáo dục đại học cần phải được xem là ưu tiên số một. Sự thành công của các nước công nghiệp mới trong chính khu vực châu Á của chúng ta là minh chứng cho nhận định này. Bởi nhìn vào thực tiễn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines... có thể thấy nhà nước đã dành quan tâm xứng đáng cho giáo dục ĐH.

Thừa nhận có "thị trường giáo dục"?

Trong hệ thống các nghiên cứu về lãnh đạo và quản lý giáo dục, giáo dục ĐH vốn được xem là "tháp ngà" (ivory tower), nơi tụ hội của giới tinh hoa (elite). Nhưng sự nghiên cứu này lại dường như không có chỗ đứng uy tín cho các trường ĐH tư, khi mà khởi nguồn cũng như sự chiếm lĩnh "độc tôn" trong nghiên cứu về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH đều thuộc về các ĐH công (public universities).

Tuy nhiên lý thuyết về lãnh đạo và quản lý trong giáo dục ĐH, đặc biệt lý thuyết quản lý hiện đại lại dựa trên thực hành và kỹ nghệ quản lý của các tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận vừa và lớn tại khu vực tư. Điều này phần nào giải thích sự thiếu toàn diện trong cơ sở kiến thức cũng như các nghiên cứu chính sách để quản lý các trường ĐH tư (private universities). Yếu tố lợi nhuận, phi lợi nhuận chưa được làm rõ khi áp dụng lý thuyết quản lý trong kinh doanh vào giáo dục ĐH. Trong bài viết này, khái niệm "ĐH tư" bao gồm các trường ĐH tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Trên thế giới, như ở Mỹ chẳng hạn, sự ra đời của các trường tư vì lợi nhuận bùng nổ vào những năm 1990. Các lý thuyết về quản lý hiện đại trong các nền giáo dục phương Tây đã cho thấy: Cả 4 hệ quả, biểu thị trong sự tái cấu trúc của giáo dục ĐH, đều dẫn tới tư nhân hóa (privatisation) giáo dục ĐH, "doanh nghiệp hóa" (corporatisation) - hoạt động theo mô hình doanh nghiệp của các trường ĐH công, các khoản trợ cấp Chính phủ phải thể hiện được "giá trị đồng tiền" (Deem, 1998). Như vậy, đã đến lúc phải thừa nhận có thị trường giáo dục để điều tiết, có chính sách và lộ trình phù hợp với đặc thù mỗi quốc gia.

Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Kể từ năm 1990, với sự xuất hiện lác đác một số trường ĐH (ngoài công lập), và nay, mỗi năm lại càng tăng lên số lượng các trường ĐH tư, các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam gắn với việc tăng quy mô đào tạo. Động cơ lợi nhuận thể hiện rõ trong các hoạt động giáo dục. Đối với trường tư không có hội đồng trường mà có hội đồng quản trị.


 
Trường ĐH tư thục Hải Phòng 


Điều lệ hoạt động nêu rõ hội đồng quản trị là những người đóng góp tiền. Với cách làm như thế, những người có tiền sẽ điều khiển được giáo dục. Và đương nhiên, bỏ tiền vào đầu tư thì lợi nhuận sẽ là vấn đề quan tâm hàng đầu và dễ hiểu, mặc dù trong thực tế, vẫn có những nhà đầu tư có tâm huyết cho giáo dục và không vì lợi nhuận.

Coi trọng lợi nhuận trong phát triển giáo dục không có gì là sai trái, đặc biệt khi lợi nhuận biểu hiện ở "đầu ra", ở tính hiệu quả của các nguồn đầu tư vào xây dựng trường sở, tổ chức dạy và học cho sinh viên. Chúng ta đang tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân làm ra của cải, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì lĩnh vực giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường không thể coi là ngoại lệ.

Hoạt động vì lợi nhuận không phải là một "tội lỗi"gì nếu nhà trường tuân thủ đúng các quy định pháp lý của một đơn vị kinh doanh. Song cần phải xem xét những khác biệt mang đặc thù của "kinh doanh giáo dục" để có các quy định quản lý phù hợp.

Tuy nhiên, coi trọng lợi nhuận trong phát triển giáo dục không có gì là sai trái, đặc biệt khi lợi nhuận biểu hiện ở "đầu ra", ở tính hiệu quả của các nguồn đầu tư vào xây dựng trường sở, tổ chức dạy và học cho sinh viên. Chúng ta đang tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân làm ra của cải, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì lĩnh vực giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường không thể coi là ngoại lệ.
Hoạt động vì lợi nhuận không phải là một "tội lỗi" gì nếu nhà trường tuân thủ đúng các quy định pháp lý của một đơn vị kinh doanh. Song cần phải xem xét những khác biệt mang đặc thù của "kinh doanh giáo dục" để có các quy định quản lý phù hợp.

Đặc biệt chúng ta đang kêu gọi các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư vào giáo dục bằng cách dành những ưu đãi về thuế, về đất đai. Nhưng mặt khác lại cản trở các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận bằng rất nhiều điều kiện "phải xin" và "được cho", bằng các chính sách phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư. Vô hình chung, các chính sách đó đã tạo kẽ hở cho sự thiếu minh bạch, sự không thừa nhận một thị trường giáo dục ĐH.

Ngoài ra, để có được đánh giá xác đáng trong các khái niệm "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận" trong mô hình các trường tư thục, cần phải xem xét đặc thù mỗi quốc gia. Với Việt Nam, phải nhìn lại xuất phát điểm rất thấp của nền kinh tế đất nước. Có thể nói mô hình giáo dục ĐH của Việt Nam với phần lớn các trường công cho tới những năm 80, cũng tương tự như các nước châu Âu. Chính sách đầu tư giáo dục tại các nước này đang tỏ rõ là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Xây dựng mô hình trường tư "đạt chuẩn"

Hầu hết các trường tư ở Mỹ là phi lợi nhuận, mặc dù có một số trường tư là vì lợi nhuận và hoạt động như các doanh nghiệp. Mặc dù cuộc tranh luận về các ưu, nhược điểm của các trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận ở Mỹ còn đang tiếp diễn, có một điểm thống nhất cơ bản. Đó là các trường tư phải sử dụng các khoản tiền một cách khôn ngoan, họ phải chịu trách nhiệm trước các ủy viên quản trị độc lập, các cơ quan quản lý, sinh viên và gia đình họ.

Trong 20 năm qua, chính sách trợ cấp giáo dục ngay tại Hoa Kỳ cũng bị tác động bởi các suy thoái chu kỳ trong nền kinh tế và giảm đáng kể. Ví dụ từ 49% xuống còn 27% đối với trường ĐH California, Berkeley và từ 39% xuống 14% đối với ĐH Texas. Học phí theo đó tăng dần, thậm chí sinh viên trái tuyến (thuộc bang khác) phải nộp học phí ngang với các trường tư.

Trong khi đó các trường tư 20 năm qua hoạt động theo hướng ngược lại. Ví dụ: 10 năm qua, ĐH Yale đã mở rộng các chương trình tài trợ tài chính, miễn giảm chi phí hoàn toàn cho các gia đình có thu nhập dưới 60,000USD/năm, giảm một khoản lớn cho các gia đình có thu nhập tới 120,000USD/năm, và tài trợ một phần đối với hầu hết các gia đình có thu nhập dưới 200,000USD/năm.

Hơn thế, nguồn lực công trong các nước phát triển sẽ phải dành cho dân số già với chi phí y tế ngày càng tăng. Do đó, ngân sách cho giáo dục chắc chắn sẽ tiếp tục bị cắt giảm. Đồng thời, cạnh tranh quốc tế giữa các trường ĐH cũng đòi hỏi huy động nguồn lực không chỉ từ khu vực công. Các trường công và trường tư tốt nhất của Hoa Kỳ chủ yếu dựa và nguồn thu học phí và họat động từ thiện.

Lịch sử hình thành các trường ĐH không vì lợi nhuận của Hoa Kỳ, đặc biệt các trường tư thường bắt đầu từ các khoản quyên góp từ thiện. Các trường để tồn tại và phát triển sẽ cần tiếp tục dựa vào nguồn thu học phí và các tổ chức từ thiện. Điều này rất khác biệt so với thực tiễn tại Việt Nam.

Có thể thấy, do nhiều yếu tố lịch sử, lại là một nước đang phát triển, Việt Nam không có văn hóa thực thi các hoạt động xây dựng trường tư theo kiểu phi lợi nhuận như tại Hoa Kỳ hay các nước phát triển khác. Hiện nay hầu hết các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam đến từ các nước phát triển, là các tổ chức cứu trợ và phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Và khi đã thừa nhận yếu tố kinh tế thị trường trong phát triển giáo dục của chúng ta giai đoạn hiện nay, nên chăng cần chấp nhận ý kiến của các nhà kinh tế học. Đó là, lợi nhuận lớn của các cá nhân đòi hỏi những người thu lợi trực tiếp từ giáo dục phải chia sẻ một phần chi phí.

Vậy hướng đi cho các trường tư tại Việt Nam, xét về mô hình vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận sẽ thế nào? Lối ra cho mọi vấn đề nằm ở chỗ chấp nhận thực tế và các quy luật của nó. Đồng thời có chính sách quản lý và điều chỉnh theo hướng tối ưu hóa các lợi ích mang lại cho tất cả các nhóm đối tượng liên quan.

Một lộ trình có thể được đề xuất như sau: Ngay bây giờ phải xây dựng một mô hình ĐH tư "đạt chuẩn" (với các tiêu chí về đầu vào, đầu ra) cho tất cả các trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Để đến năm 2015, sẽ chọn ra được một số hạn chế những trường tư tốt nhất Việt Nam. Đến năm 2020: toàn bộ các trường tư sẽ được chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận, theo chuẩn thực hành tại các nước phát triển.



Đại học Yale, Hoa Kỳ
 


 Giải pháp này được đề xuất dựa trên nền tảng của Thuyết Phức hợp (Waldrop, 1993), trong đó lý giải, giáo dục ĐH chất lượng cao bằng cách tập trung nguồn lực để duy trì động lực thay đổi: Tập trung nguồn lực vào số lượng có hạn các cơ sở giáo dục ĐH chất lượng cao để giữ vững đà đổi mới chất lượng.

Hiểu một cách đơn giản về thuyết phức hợp và sự thay đổi trong giáo dục, như một quả bóng tuyết khi nó càng lăn thì kích cỡ ngày càng to, đà và tác động mạnh dần lên theo quán tính. Hiệu ứng "quả bóng tuyết" có thể hiểu theo cách nhà kinh tế học Arthur (1989) gọi là "Lý thuyết kinh tế hoàn trả tăng dần".

Như vậy đối với các trường tư ở Việt Nam, khi đã có các chính sách chuẩn hóa, hay các tiêu chuẩn cụ thể được đặt ra cho một mô hình ĐH tư thục "chuẩn", nếu trường nào đáp ứng được sẽ không những tồn tại, phát triển mà còn đóng vai trò động lực tạo đà cho "quả bóng tuyết".

Tựu trung lại, cho dù là trường tư vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các trường là không thể thay thế khi xem xét các lợi nhuận xã hội mà giáo dục mang lại. Vấn đề là hỗ trợ ở mức nào, chính sách quản lý ra sao, đòi hỏi một lộ trình phù hợp như đã đề xuất ở trên. Hy vọng các nhà quản lý và các nhà giáo dục sẽ nhanh chóng thống nhất được quy trình với các hoạt động triển khai cụ thể tạo lối đi cho các trường tư tại Việt Nam.

Theo Tuần Việt Nam