Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số

(CTG) Hướng đến Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiều ý kiến tâm huyết của bạn trẻ mong muốn hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số trang bị về kỹ năng số cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; làm cầu nối đưa chuyển đổi số tới vùng sâu, vùng xa; giúp thanh niên an toàn trên “mặt trận số”.

Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số ảnh 1

Tổ chức Hội là người bạn đồng hành giúp thanh niên tự tin, hội nhập trong kỷ nguyên số

TS. Phan Duy Anh - Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM), Phó Chủ nhiệm CLB Các nhà khoa học trẻ TPHCM: Trí thức trẻ góp sức đưa chuyển đổi số tới vùng sâu, vùng xa

Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số ảnh 2

TS. Phan Duy Anh

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, việc tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông đã trở thành yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững và toàn diện của xã hội. Tuy nhiên, tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, việc đưa chuyển đổi số vào đời sống người dân vẫn là một thách thức. Trí thức trẻ, với năng lực, tư duy đổi mới và nhiệt huyết, có thể đóng vai trò là cầu nối quan trọng, giúp chuyển đổi số lan tỏa đến các khu vực này, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Để hiện thực hóa vai trò này, Hội LHTN Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình kết nối trí thức trẻ, thực hiện những dự án cụ thể, như xây dựng hệ thống học trực tuyến cho học sinh vùng cao, ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp, hay triển khai các trạm y tế thông minh. Những hoạt động thiết thực này có thể là bước khởi đầu quan trọng để cải thiện đời sống người dân. Có thể tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn người dân cách sử dụng công nghệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và y tế. Qua đó, trí thức trẻ không chỉ chuyển giao công nghệ mà còn giúp người dân dần thay đổi nhận thức, sẵn sàng đón nhận những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Đồng thời, thông qua những dự án cộng đồng mà Hội triển khai, trí thức trẻ, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có cơ hội khẳng định vai trò, năng lực nghiên cứu và trách nhiệm của mình đối với công tác xã hội.

Chị Rơ Châm Byich - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Ia Krăi (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Giải thưởng 15 tháng 10: Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số về kỹ năng số

Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số ảnh 3

Chị Rơ Châm Byich

Tôi nhận thấy trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội LHTN Việt Nam đã có nhiều chương trình, hoạt động đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhất là các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp. Điều này đã khơi nguồn cảm hứng và tạo cơ hội, môi trường cho thanh niên nói chung, người trẻ tại buôn làng dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu chính đáng trên quê hương, cũng như giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống.

Trong thời gian tới, nhất là khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm nhất là làm thế nào để bắt kịp, tận dụng được điều kiện, cơ hội phát triển từ chuyển đổi số khi trình độ, sự hiểu biết còn chưa cao và vẫn còn những hạn chế về cơ sở vật chất, công nghệ; quan tâm đến các cơ hội học tập, việc làm… Tôi mong muốn tổ chức Hội bổ sung, làm mới nội dung và phương thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp, trang bị kỹ năng và giới thiệu việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi rất kỳ vọng, Hội sẽ có thêm nhiều chương trình, cuộc thi, giao lưu văn hoá các dân tộc thiểu số trên cả nước, cũng như từng địa phương. Đây sẽ là cơ hội để người trẻ của mỗi đồng bào dân tộc thiểu số, của mỗi địa phương, vùng miền quan tâm, tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và có thể phát triển kinh tế từ các giá trị văn hoá, nét đặc sắc của phong tục truyền thống. Bên cạnh đó, tổ chức Hội tập huấn, trang bị kỹ năng cho đội ngũ làm công tác thanh niên, cán bộ Hội cơ sở để thiết kế các hoạt động trong thực tiễn và hoạt động trên không gian mạng, từ đó đoàn kết, tập hợp, định hướng hiệu quả cho thanh niên.

Chị Hoàng Minh Hằng - Phó Bí thư Huyện Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Thanh Trì, Hà Nội: Giúp thanh niên làm giàu từ nền tảng số

Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số ảnh 4

Chị Hoàng Minh Hằng

Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX diễn ra đúng thời điểm này, là dịp để thảo luận đưa ra các quyết sách và hiệu triệu người trẻ phát huy vai trò, sứ mệnh thanh niên Việt Nam trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Giai đoạn tới, với sự bùng nổ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) ở tất cả lĩnh vực của đời sống, thanh niên tiếp tục đóng vai trò tiên phong, chủ lực. Mỗi người trẻ cần không ngừng trang bị, hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức và linh hoạt thích ứng, làm chủ công nghệ AI để nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc.

Tôi kỳ vọng, trong nhiệm kỳ mới, Hội tổ chức nhiều hoạt động, trải nghiệm ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo ở các lĩnh vực cho thanh niên, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường, kết nối để hội viên, thanh niên làm giàu trên các nền tảng số, gia tăng thu nhập từ đó nâng cao kinh tế đất nước.

Tổ chức Hội cần tận dụng các nền tảng số trong công tác tuyên truyền, định hướng lối sống tích cực, có hoài bão, biết cống hiến, sẻ chia, yêu văn hoá Việt cũng như có kỹ năng hội nhập, tham gia dựng xây - bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức, quy tụ nhiều lãnh đạo, KOL trẻ ở các ngành nghề từ chính trị - kinh tế - y tế - văn hoá - thể thao; tổ chức những hoạt động đặc sắc đa dạng ở các ngành nghề, mang tính hệ thống kết nối bền vững có màu sắc riêng.

Thiếu uý Bàn Văn Lư - Gương Thanh niên Sống đẹp năm 2024:An toàn trên “mặt trận số”

Đại hội toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX: Giúp thanh niên tự tin, làm giàu trong kỷ nguyên số ảnh 5

Thiếu úy Bàn Văn Lư

Là một chiến sĩ Công an tham gia công tác đoàn tại cơ sở, tôi nhận thức sâu sắc rằng, nhiệm vụ của mình không chỉ gói gọn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự mà còn phải góp phần xây dựng một cộng đồng thanh niên mạnh mẽ, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong hành trình ấy, Hội LHTN Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là ngọn đuốc dẫn đường, lan tỏa những giá trị sống tích cực và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thanh niên trên mọi lĩnh vực.

Với Đại hội lần này, tôi hy vọng Hội LHTN Việt Nam sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong việc thúc đẩy thanh niên sống đẹp, sống có ích và tự tin tiến bước vào quá trình hội nhập. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng sâu rộng, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh và kiến thức sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trực tuyến, tội phạm công nghệ cao và những rủi ro khác trên không gian mạng.

Do đó, tổ chức Hội cần phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng chức năng để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp luật, kỹ năng bảo vệ an ninh cộng đồng, cũng như cách nhận diện và phòng chống các hành vi phạm pháp trên nền tảng số. Đây không chỉ là cách giúp thanh niên bảo vệ chính mình mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của họ.

Bên cạnh đó, tôi đề xuất Hội đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tình nguyện gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và phòng chống tội phạm tại địa phương. Các chiến dịch như “Thanh niên với an toàn thông tin”, hay “Tình nguyện số hóa cộng đồng” có thể vừa tạo cơ hội để thanh niên trải nghiệm thực tiễn, vừa khẳng định vai trò tiên phong của họ trong xây dựng xã hội an toàn và văn minh. Đặc biệt, việc tăng cường kết nối thanh niên trong lực lượng Công an với các bạn trẻ từ nhiều lĩnh vực khác, sẽ tạo nên một môi trường giao lưu, học hỏi hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện về cả tư duy lẫn hành động.

Theo TP