Đại Lâm: Vẫn còn những nỗi lo về môi trường

(CTG) Làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề nấu rượu và nuôi lợn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế cho địa phương. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi sinh cho làng. Vừa qua, nhóm Phóng viên Cổng Thánh Gióng đi cùng đoàn khảo sát của Trung tâm Thiên nhiên và Con người có dịp “mắt thấy, tai nghe” về tình trạng trên.


Ô nhiễm làng nghề giảm… 
 



Một nét thanh bình, yên ả của làng rượu Đại Lâm, Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh


Trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về địa danh làng Đại Lâm trên mạng internet. Những thông tin thu được nhiều nhất về nơi đây vẫn là ô nhiễm môi trường, như mùi hôi thối nồng nặc, bầu không khí bị ô nhiễm... Thậm chí, nhiều người còn cảnh báo chỉ cần tới đầu làng sẽ được ngửi trọn vẹn “đặc sản mùi” của làng này: mùi rượu và mùi hôi thối nồng nặc. 

Đường làng Đại Lâm với những thùng phuy rượu, săm rượu được để ở ngay ngoài đường. Nhưng “đặc sản mùi” mà nhiều người dọa, chúng tôi thấy không đến mức như vậy. Phải chăng môi trường làng nghề đã được cải thiện?

Trao đổi với một cán bộ của thôn Đại Lâm, được biết  ô nhiễm mùi ở đây đã giảm đi đáng kể. Trước đây, những chất thải từ nghề nấu rượu, nuôi lợn được thải thẳng ra các ao, hồ, thông qua hệ thống mương rãnh, rồi từ đó sẽ đổ ra sông Cầu. Vì vậy, nếu một vài năm trước đây, nếu đến nơi này, khách phương xa thường không thể chịu nổi cái mùi nồng nặc. 

Mấy năm nay, các ao hồ được lấp đi để phục vụ nhu cầu đất ở cho người dân nên cái “ổ mùi” cũng giảm đáng kể. Mặt khác, xã cũng đã tiến hành đầu tư, giúp cho việc cống hóa các mương, rãnh nên việc phát sinh mùi cũng đã được giảm đáng kể. 

Một nguyên nhân nữa là do sự mai một của làng nghề Đại Lâm nên số gia đình nấu rượu giảm đi nhiều. Thời điểm đoàn khảo sát đến, địa phương đang phải hứng chịu dịch lợn tai xanh nên thành ra số lợn nuôi trong các chuồng của mỗi hộ gia đình cũng giảm đi nhiều. 

Người dân địa phương cho biết, mỗi năm, số gia đình nấu rượu, nuôi lợn lại ít đi bởi thu nhập nghề này không cao. Mỗi ngày nấu một tạ rượu, thì thu nhập đem lại cũng chỉ khoảng 60-70.000 đồng, chủ yếu là tận dụng nguồn bã rượu để chăn nuôi lợn. Nhưng vài năm nay, dịch bệnh liên miên khiến cho chăn nuôi trì trệ, thu nhập người dân cũng bị hạn chế. 

Nhưng lại có những nỗi lo mới 

Cũng như nhiều làng nghề khác, Đại Lâm vướng phải nỗi lo mới do rác thải sinh hoạt. Nơi đây vẫn còn thiếu một khu xử lý rác thải tập trung. Người dân vẫn còn thói quen “tự lập các bãi rác”, trên những con đường làng chúng tôi gặp nhiều những bãi rác tự phát như thế. 

Mặc dù, địa phương được xây dựng hệ thống tưới tiêu rất hoành tráng, nhưng hệ thống dẫn, thoát nước thải vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng tôi được chứng kiến những “dòng nước đen xì” quanh quẩn thôn xóm, sát với những bức tường nhà dân. Nước thải sinh hoạt và nước thải làng nghề vẫn được tiêu thoát chung trong một hệ thống. Hầu như các gia đình nấu rượu có quy mô nhỏ lẻ, không có liên kết nên rất khó khăn để xây dựng được một hệ thống xử lý tiêu thoát riêng dành cho nước thải của quá trình sản xuất rượu và chăn nuôi.
 
 



Một mương dẫn nước thải ở làng Đại Lâm
 


Do đất thôn Đại Lâm không rộng, nên nhiều hộ dân có “ý tưởng táo bạo”. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở xóm Đình, chúng tôi được chứng kiến công trình nuôi lợn … trên tầng hai. Chất thải của lợn sẽ được dẫn xuống hệ thống biogas, giúp gia đình chị đun nấu khá thoải mái. Chị Dung phân trần: “Do đất nhỏ hẹp, nên gia đình tôi buộc phải nuôi lợn ở trên tầng hai. Nhiều khi gió thốc xuống, mùi khó chịu lắm chú ạ! Nhưng lâu dần cũng thành quen”. 
 



Các thành viên đoàn khảo sát và phóng viên đang tập trung thăm quan chuồng lợn 2 tầng của nhà chị Nguyễn Thị Dung, tại xóm Đình, Đại Lâm


Hiện nay, người dân Đại Lâm quan tâm nhất là nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù, thôn đã có một nhà máy cung cấp nước sạch, nhưng tại thời điểm phóng viên đến, nhà máy nước đã ngừng hoạt động vài ngày do các giếng bị cạn. Được biết, nhà máy nước này mới có một bể chứa dung dịch khoảng 180m3, trong khi nhu cầu của người dân lên tới 400m3. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch.  



Chất lượng nước liệu có được đảm bảo?

 
Những gia đình này vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan đây vẫn là nguồn nước giếng. Quan sát bằng mắt thường, chúng tôi thấy nguồn nước ở đây bị nhiễm sắt khá nặng. Để có nước ăn, người dân phải dùng bể lọc từ than củi, cát vàng…Chúng tôi vẫn băn khoăn mãi, liệu chất lượng nước có được đảm bảo? Một câu hỏi vẫn cần chờ lời giải đáp… 
 

Bài và ảnh: Anh Tuấn