Đang cần rất nhiều lao động

(CTG) Doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng mới, nhu cầu tuyển dụng lao động của một số ngành nghề tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát.

Các vị trí liên quan đến ứng dụng công nghệ được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều sau dịch Covid-19. NGỌC THẮNG

Thiếu lao động phổ thông và kỹ sư có tay nghề

Trong khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, buộc phải đóng cửa, sa thải lao động, thì Công ty TNHH LG Display Hải Phòng vẫn có nhiều đơn hàng mới từ các đối tác nước ngoài. Do mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu nên công ty này đang cần tuyển dụng thêm 5.000 công nhân sản xuất và 1.000 kỹ thuật viên... Ngoài tuyển dụng lao động phổ thông, công ty đang thiếu và cẩn tuyển 500 kỹ sư các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí, chế tạo… và 300 phiên dịch tiếng Anh, tiếng Hàn.

Bà Đinh Thị Huyền Anh, phụ trách nhân sự Công ty TNHH LG Display Hải Phòng, cho hay: “Với một số lượng lớn lao động như vậy, chúng tôi buộc phải tuyển dụng lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 hạn chế người dân và các phương tiện đi lại giữa các địa phương nên phải chờ tháo dỡ lệnh cách ly. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tuyển được 2/3 nhu cầu lao động phổ thông. Còn với kỹ sư và phiên dịch, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và các trường đại học để tìm kiếm nhân sự”.

Theo bà Huyền Anh, để kịp tiến độ các đơn hàng, công ty vẫn ưu tiên tuyển lao động có kinh nghiệm, song với những lao động chưa có kinh nghiệm, công ty vẫn tuyển và có các khóa đào tạo, bố trí sắp xếp nhân sự cho phù hợp với các vị trí. Trong khi mức lương và thu nhập nhiều nơi giảm thì thu nhập của công nhân tại công ty vẫn giữ ở mức 9 - 11 triệu đồng/tháng, cao so với mặt bằng chung tại các khu công nghiệp.

Tương tự, Tổng công ty May 10 (Hà Nội) cũng đã biến thách thức trong dịch Covid-19 thành cơ hội phát triển. Tận dụng nguồn lực sẵn có, công ty đã nắm bắt nhu cầu thị trường bắt tay vào sản xuất khẩu trang y tế với công suất đạt tới 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng. Cuối tháng 4, sau khi hoàn tất thủ tục cấp phép, dây chuyền này bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên. Hiện công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 200 công nhân vị trí may, cắt, là…

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết: “Hiện đã có một đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD, tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020. Đồng thời, một đối tác khác của Mỹ cũng đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế”.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay trong 2 tuần gần đây, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bắt đầu gia tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 4, có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tìm nhân sự qua sàn giao dịch việc làm, chỉ giảm khoảng 20% so với tháng cuối năm 2019.

“Đây là thời kỳ dịch Covid-19 được khống chế và dần đẩy lùi. Các doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất, giải quyết các đơn hàng tồn đọng, do đó rất cần đến nhân sự, nhân lực. Sau dịch, các nhà tuyển dụng cũng bớt khắt khe hơn trước, nếu như trước đây họ thường đòi hỏi yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm, bây giờ họ không còn đặt nặng vấn đề này. Họ tuyển dụng và hỗ trợ các ứng viên đào tạo để người lao động có thể sớm thích ứng với công việc”, ông Thành nói.

Thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi

Theo ông Vũ Quang Thành, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, các chỉ tiêu, vị trí, nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục gia tăng, kèm theo đó là nhiều công việc mới phát sinh, chuyển đổi nghề nghiệp sau dịch Covid-19.

“Hiện tại, nhiều ngành nghề nhu cầu tuyển dụng sụt giảm về mức 0% như ngành du lịch, nhưng các ngành liên quan đến ứng dụng các giải pháp về công nghệ lại tăng 40 - 50%. Đợt dịch vừa qua là tiền đề để các đơn vị, doanh nghiệp thí điểm ứng dụng các giải pháp về công nghệ để quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, các công việc liên quan đến công nghệ, liên quan đến 4.0 được tuyển dụng nhiều hơn”, ông Thành thông tin.

Bà Lê Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng dịch Covid-19 không phải là cơn gió thoảng qua, mà nó là cú hích thay đổi thị trường lao động. Bên cạnh việc doanh nghiệp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp bảo hiểm, hệ thống việc làm cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. “Dự báo nhu cầu tuyển dụng các ngành cung ứng dịch vụ kết nối qua mạng, thương mại điện tử, sản phẩm dệt may, thiết bị y tế, dược phẩm... chắc chắn sẽ tăng”, bà Hương nhận định.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng tại TP.HCM của Công ty nhân sự Adecco Việt Nam, cho hay trong quý 2, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam cũng là lúc nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành dịch vụ vận tải, chuỗi cung ứng, hậu cần, hàng tiêu dùng, nông nghiệp (đặc biệt là thức ăn chăn nuôi) có thể sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi các doanh nghiệp ngành dịch vụ nhà hàng. Các yêu cầu tuyển dụng ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, công nghệ thông tin và thương mại điện tử vẫn duy trì ở mức tương tự quý 1 và sẽ chiếm phần lớn tỷ lệ việc làm trong quý 2.

Theo TNO