Đằng sau mức lương hàng chục triệu đồng nơi xứ người

(CTG) Lựa chọn xa quê hương, mỗi người có một hoàn cảnh, lý do khác nhau; nhưng có lẽ đằng sau số tiền hằng tháng họ gửi về cho gia đình là rất nhiều sự đánh đổi. Đó là những chuỗi ngày vất vả, cực nhọc; là cuộc sống đơn độc, tha hương nơi xứ người.

Những tháng ngày cơ cực

Sang Nhật Bản từ năm 2022, chị em song sinh Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thảo (26 tuổi), quê ở tỉnh Hà Tĩnh, tâm sự: "Cuộc sống ở nơi xứ người không phải màu hồng như cả 2 tưởng tượng. Sau gần 3 năm làm việc xa quê hương, chị em mình đã trải qua những ngày tháng rất vất vả".

Hằng cho biết để có được mức tiền lương trung bình mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng phải làm việc rất vất vả ở những cánh đồng rộng mênh mông, người lúc nào cũng lấm lem đất cát. "Công việc hiện tại của tụi mình là trồng và thu hoạch hành tây. Nhiều người cứ nghĩ đi làm ở nước ngoài thì lương cao lắm, cuộc sống sẽ thoải mái, nhưng sự thật thì khác xa", Hằng nói.

Đằng sau mức lương hàng chục triệu đồng nơi xứ người- Ảnh 1.

Công việc của Thương rất vất vả vì phải làm việc ngoài trời. ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Hằng cũng cho biết làm việc vào mùa nào cũng có những vất vả riêng. Thời gian trồng hành rơi vào mùa đông, trời rất lạnh. Dù đã mang 2 - 3 lớp bao tay nhưng lúc tiếp xúc với đất là tay lạnh cóng đến mức tê cứng không cử động được. Còn mùa hè là thời gian thu hoạch, vì thời tiết nắng nóng cộng thêm đất cứng nên phải lê lết người dưới đất mới nhổ được củ hành lên, rất vất vả. "Bây giờ nghĩ lại khoảng thời gian làm việc ngoài trời vào mùa đông, thật sự mình rất ám ảnh", Hằng tâm sự.

Bên cạnh những vất vả khi làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt thì những bữa cơm trưa của chị em Hằng cũng vội vã, diễn ra ngay giữa cánh đồng. "Có nhiều người không chịu nổi nên bỏ trốn sang công ty khác làm, sau đó bị phát hiện rồi bị trục xuất về nước", Hằng kể.

Hằng cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, hai chị em có một khoảng thời gian làm việc ở tỉnh Đồng Nai. Dù làm việc tăng ca 12 giờ/ngày nhưng mức lương mỗi tháng chỉ được khoảng 9 - 11 triệu đồng. "Lúc ấy, vì mong muốn một mức thu nhập cao hơn để phụ giúp gia đình và có cuộc sống tốt hơn nên tụi mình quyết định đi xuất khẩu lao động", Hằng nói.

Hằng chia sẻ: "Một tháng nếu được đi làm đầy đủ và tiết kiệm hết mức, sau khi trừ chi phí ăn uống, mỗi người gửi về quê được 20 triệu đồng. Nhưng có những lúc không có việc để làm nên phải nghỉ ở nhà, do đó thu nhập mỗi tháng không được cố định".

Suốt 3 năm liền không được về thăm nhà, Hằng tâm sự dù rất nhớ nhưng cũng không thể làm gì khác. "Đi làm thì nơi nào cũng vất vả, con đường này mình đã chọn thì phải cố gắng. Bây giờ chỉ mong sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm, tụi mình sẽ xin chuyển sang công ty khác để có một công việc đỡ vất vả hơn. May mắn là có hai chị em cùng đồng hành nên buồn vui gì cũng chia sẻ với nhau để vượt qua", cô nàng bày tỏ.

Đằng sau mức lương hàng chục triệu đồng nơi xứ người- Ảnh 2.

Hằng (trái) và Thảo đi xuất khẩu lao động từ năm 2022. ẢNH: NVCC

Đằng sau mức lương hàng chục triệu đồng nơi xứ người- Ảnh 3.

Hằng cho biết cuộc sống nơi xứ người không phải màu hồng như cô vẫn nghĩ. ẢNH: NVCC

Vay nợ để đi xuất khẩu lao động

Còn với Quang Thị Thương (26 tuổi), quê ở tỉnh Sơn La, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên quyết định vay tiền để đi xuất khẩu lao động. Ngày rời quê hương để đến Nhật Bản, Thương hy vọng sẽ có được một công việc với mức lương cao để gửi về lo cho ba mẹ. Thế nhưng, cuộc sống ở nơi xứ người không như những gì cô gái này mong đợi.

"Lúc còn ở nhà, mình đã làm việc nhiều nơi nhưng mức lương cũng chỉ được 5 triệu đồng/tháng. Nhiều người nói rằng khi đi xuất khẩu lao động thì sẽ có mức lương cao hơn gấp nhiều lần, nên năm ngoái mình cố vay 200 triệu đồng để sang Nhật Bản. Nhưng cuộc sống ở xa quê hương đầy khó khăn và áp lực, từ lúc sang đây mình đã đổi chỗ làm đến 3 lần", Thương chia sẻ.

Thương cho biết sở dĩ phải đổi công ty làm việc nhiều lần là vì mức lương nhận được quá thấp và cô gặp vấn đề về tâm lý.

"Vay nợ để đi xuất khẩu lao động rồi lại cố gắng cày cuốc để kiếm đủ tiền trả nợ, nhưng đến hiện tại mình mới chỉ trả được 1/3 số tiền. Ba tháng đầu sang Nhật, mình nhận được mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền ăn. Sau khi chuyển công ty, mức lương mỗi tháng được khoảng 20 triệu đồng, trừ tiền ăn thì mình gửi về cho gia đình được khoảng 10 triệu đồng. Đi làm xa nhưng hiện tại cũng chỉ mong kiếm đủ ăn và có tiền trả nợ", Thương chia sẻ.

Công việc của Thương ở đất nước mặt trời mọc là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hằng ngày cô phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mặc thời tiết có nắng nóng rát mặt hay lạnh buốt cũng phải làm việc. "Công việc trước kia của mình là trồng hoa cúc, bây giờ thì trồng các loại rau, củ. Vì là lao động tay chân nên rất vất vả, mưa nắng gì cũng phải làm, những lúc làm việc trong nhà kính càng cực hơn, mồ hôi đổ như tắm", Thương kể.

Dù trải qua nhiều vất vả, cực nhọc ở xứ người, nhưng chị em Hằng và cả Thương đều đang cố gắng mỗi ngày. Động lực để họ tiếp tục bám trụ nơi xứ người cũng chỉ vì mong một ngày nào đó khi trở về nước sẽ có một cuộc sống sung túc hơn.

Theo TN