Đánh đổi an toàn lấy triệu tim TikTok, đáng không?

CTG - Chuyên gia tâm lý, TS Đào Lê Hòa An đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm cho các bạn trẻ yêu thích dùng Facebook, TikTok... tham dự buổi trò chuyện chuyên đề “Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả trong thời kỳ 4.0”.

Nhiều tình huống ví dụ cụ thể trong cuộc sống, rất gần gũi với bạn trẻ trong chuyên đề về sử dụng mạng xã hội - Ảnh: BÌNH MINH
Nhiều tình huống ví dụ cụ thể trong cuộc sống, rất gần gũi với bạn trẻ trong chuyên đề về sử dụng mạng xã hội - Ảnh: BÌNH MINH

Chương trình diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội thanh niên 2024. Tại buổi chia sẻ, TS Hòa An đã sử dụng nhiều tình huống ví dụ cụ thể trong cuộc sống, rất gần gũi với người trẻ như mua hàng qua các nền tảng thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok, hay lý do vì sao nhiều bạn trẻ "bất chấp" để có được like và "tim" từ cộng đồng.

Nghiện "tim" TikTok, like Facebook

Giải thích lý do các bạn trẻ thích dùng mạng xã hội, TS Hòa An cho rằng những nền tảng này đánh trúng tâm lý của không chỉ người trẻ mà của tất cả mọi người. Đó là làm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất của con người, trong đó có nhu cầu thể hiện bản thân.

Tuy sử dụng mạng xã hội và mua hàng trực tuyến nhiều, không ít người trẻ thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân hoặc dùng các nền tảng này an toàn.

"Các bạn có bao giờ bị lừa khi mua quần áo trên mạng chưa? Các bạn nhận hàng không như ý muốn và kiểm tra lại thấy shop ở một tỉnh thành khác, rồi các bạn làm thế nào?", anh An đặt tình huống.

Tương tự, với việc bất chấp để câu like, câu view, nhận "tim" trên mạng xã hội, TS Hòa An nói khi nhận được nhiều ủng hộ từ cộng đồng, các bạn trẻ sẽ tăng hormone hạnh phúc. Cảm giác này "gây nghiện" và cám dỗ đến mức nhiều người trẻ tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm nhưng không nhận thức được.

Chuyên gia tâm lý, TS Đào Lê Hòa An đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm cho các bạn trẻ tham dự - Ảnh: BÌNH MINH

Chuyên gia tâm lý, TS Đào Lê Hòa An đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm cho các bạn trẻ tham dự - Ảnh: BÌNH MINH

TS An dẫn lại những câu chuyện thương tâm từng xuất phát từ việc các bạn trẻ câu like, câu view, như một nữ sinh lớp 7 "hứa" rằng bài đăng đủ 2.000 lượt thích, em sẽ… mang xăng đốt trường.

"Một bình luận trong bài đăng nói với cô bé rằng 'anh đã huy động rất nhiều người vào like cho em. Hôm nay em không giữ lời hứa thì biết tay anh", TS Hòa An kể. "Người này mua sẵn xăng, đến nhà cô gái và ép lên xe chở đến trường, nơi có sẵn 8 người khác đang dùng điện thoại sẵn sàng livestream", anh An kể thêm. Kết quả, trước áp lực "ảo" biến thành áp lực thật, cô bé rưới xăng vào phòng y tế đốt và bị phỏng cấp độ 3!

Chuyên gia tâm lý Hòa An cũng dẫn chứng trường hợp cô gái bị cấm bay 6 tháng vì tạo dáng tại đường băng sân bay, một hành vi rất nguy hiểm và bị nghiêm cấm, chỉ để đăng tải lên mạng xã hội TikTok.

"Các bạn cần học cách quản lý thông tin cá nhân và sử dụng mạng xã hội sao cho bản thân có kết nối nhưng phải ý thức bảo mật và an toàn", anh nhấn mạnh.

 

Theo TS An, mỗi người có thể bị thu thập đến khoảng 5.000 dữ liệu từ số điện thoại, sở thích, người thân, nơi đến… "Các bạn vô tình đánh đổi thông tin cá nhân để mạng xã hội thu thập, và bù lại các bạn được sử dụng những chức năng như cuộc gọi video, ứng dụng chỉnh sửa ảnh…".

Đừng vô tình vi phạm pháp luật

Thượng úy Nguyễn Xuân Toàn, công tác tại Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Ảnh: BÌNH MINH

Thượng úy Nguyễn Xuân Toàn, công tác tại Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Ảnh: BÌNH MINH

Trong phần sau của chuyên đề, thượng úy Nguyễn Xuân Toàn, công tác tại Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhắc nhở học sinh, sinh viên cần có kỹ năng sử dụng mạng xã hội và công nghệ để bảo vệ bản thân, không vô tình hoặc cố ý vi phạm pháp luật, hoặc trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.

Thượng úy Toàn cho biết hiện nay tại Việt Nam, ba mạng xã hội được yêu thích nhất gồm Facebook, Zalo và TikTok. Khi tương tác với các nền tảng này, các vấn đề phát sinh thường xảy ra ở sinh viên bao gồm đăng tải, chia sẻ thông tin và quản trị hội nhóm; mua bán tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân.

"Có nhiều hành vi đăng tải thông tin xấu độc một cách cố ý, có động cơ, mục đích xấu, biết sai nhưng vẫn làm. Tuy nhiên, có những người chỉ vô ý, không có động cơ xấu, thậm chí có thể có mục đích tốt nhưng vô tình gây thiệt hại cho xã hội", thượng úy Toàn giải thích. Trong đó, giai đoạn dịch COVID-19 là một trong những ví dụ cho thấy sự bùng phát của thông tin giả, tin sai lệch rất nhiều.

"Nếu thấy thông tin 'nóng sốt', muốn chia sẻ ngay mà không kiểm chứng thì rất dễ bị sai", anh Toàn nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, thượng úy Toàn cũng hướng dẫn các bạn trẻ những cách để xử lý trước các trường hợp thấy tin giả, tin sai lệch. Theo đó, cần lưu lại các bằng chứng như đường link, chụp ảnh màn hình, tải video nghi giả về máy tính.

"Không chia sẻ, và cảnh báo bạn bè, người thân không chia sẻ thông tin. Đồng thời, cảnh báo cho người đăng tải về nội dung sai lệch, và gửi tin giả kèm bằng chứng cho cơ quan chức năng có thẩm quyền", thượng úy Toàn nói.

Các hoạt động trong Lễ hội thanh niên từ 22 đến 24-3 - Ảnh: BTC

Các hoạt động trong Lễ hội thanh niên từ 22 đến 24-3 - Ảnh: BTC

Theo Tuoitre