Các không gian văn hóa, du lịch của Hà Nội còn chưa được khai thác hết tiềm năng. Ảnh: Như Ý
Ðiểm sáng Hồ Gươm
Phố đi bộ Hồ Gươm lâu nay thành điểm đến thu hút du khách cả trong và ngoài nước. Trong tương lai khi Hà Nội cho phép thí điểm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh không giới hạn thời gian thì không gian văn hóa như phố đi bộ Hồ Gươm có vai trò không nhỏ, vừa là điểm đến, vừa tạo ra hiệu quả thương mại từ các hoạt động nghệ thuật và dịch vụ. Phố đi bộ Hồ Gươm vào các dịp lễ tết hiện vẫn ở tình trạng quá tải, vì thế cần thêm nhiều không gian để kéo giãn mật độ, đa dạng hóa hoạt động cộng đồng.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kỳ vọng khai thác hiệu quả hơn hoạt động từ không gian đi bộ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm có mục tiêu đưa tuyến Hàng Khay-Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn thành tuyến đi bộ kết hợp trung tâm thương mại. Không gian trình diễn nghệ thuật, thời trang kết hợp ẩm thực ở tuyến phố này kết nối với các phố như Đinh Lễ - Nguyễn Xí, khu vực Lý Thái Tổ. Phố đi bộ Hoàn Kiếm, không gian phố cổ truyền thống và sau này là không gian mới ở trục Phùng Hưng tạo ra mạng lưới văn hóa-du lịch-thương mại của trung tâm thủ đô.
“Sức hấp dẫn của một thành phố phụ thuộc vào sự đa dạng, đặc biệt là vai trò của nghệ thuật và sáng tạo. Điều này làm cho chất lượng đô thị, chất lượng đời sống và giá trị đô thị tăng lên”, KTS. Đoàn Kỳ Thanh, một trong những chuyên gia tham gia thiết kế, tư vấn nhiều không gian sáng tạo cho Hà Nội (Zone 9, Hanoi Creative, phố đi bộ Trịnh Công Sơn), nhận định.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội, cho rằng, Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên di sản phong phú để phát triển kinh tế đêm. “Quận Hoàn Kiếm là địa bàn tiêu biểu với nhiều không gian văn hóa, không gian sáng tạo có thể phát triển du lịch-thương mại. Bên cạnh việc phát triển phố đi bộ Hoàn Kiếm thành công, Hoàn Kiếm còn hàng loạt không gian nổi bật như phố sách, Hỏa Lò, Hoàng thành, Văn Miếu, trục Phùng Hưng có thể đưa vào khai thác trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.
Khơi dậy tiềm năng
Đi sau nhưng lại chưa đạt được thành công, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là bài học để Hà Nội rút kinh nghiệm khi xây dựng và phát triển các không gian văn hóa- sáng tạo. Ông Hiếu cho rằng, mỗi khu vực có vị trí và thế mạnh riêng. Không gian Tây Hồ có sự khác biệt về văn hóa, lịch sử so với Hồ Gươm nên vẫn có thể phát triển thành sản phẩm hấp dẫn, tuy thế không thể nóng vội. “Phố đi bộ Hồ Gươm mất vài năm vừa làm vừa hoàn thiện. Không gian chợ đêm Đồng Xuân ở trục Hàng Ngang-Hàng Đào phát triển gần hai chục năm nay tạo đà để phát triển cả về dịch vụ lẫn mô hình quản lý cho phố đi bộ Hồ Gươm. Vì thế, không gian Tây Hồ cũng cần thêm thời gian để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cách thức hoạt động và mô hình quản lý. Ngay cả với không gian sẵn có Hồ Gươm, tôi nghĩ rằng Hoàn Kiếm vẫn còn có thể nâng cao hiệu quả hơn nữa, nhất là sau khi khu vực này được chỉnh trang vỉa hè, cây xanh, ông Hiếu nói.
Theo KTS Thanh, tổ chức các hoạt động ở các không gian văn hóa, không gian sáng tạo muốn thành công thì điều quan trọng nhất là cần chính sách minh bạch, cởi mở. Vì thế, ông Thanh đề xuất, chính quyền thành phố cần khuyến khích sự tham gia của người dân, để họ không chỉ đến xem mà còn trở thành người cống hiến sáng kiến, tham gia tổ chức và thậm chí quản trị hoạt động văn hóa nghệ thuật. “Nếu chỉ dựa vào ngành văn hóa, e không đủ sức. Muốn làm được điều này, Hà Nội cần có đề án tổ chức thống nhất để khuyến khích, ủng hộ người dân với quy chế rõ ràng, cần đội giám tuyển nội dung chất lượng cũng như hạ tầng đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng”, ông nói.
Không chỉ nhìn thấy tiềm năng từ không gian đi bộ và không gian sáng tạo, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nói rằng, Hà Nội còn sở hữu kho di sản để khai thác du lịch. Hà Nội vẫn là điểm đón hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước, thế nhưng du lịch thủ đô còn không ít hạn chế, nhất là sự thiếu vắng sản phẩm và điểm đến về đêm. Không gian văn hóa, sáng tạo trong tương lai trở thành nơi để du khách thêm trải nghiệm, thậm chí thêm lựa chọn từ kho di sản giàu có của thủ đô.
Hiện nay, một doanh nghiệp du lịch lớn của Hà Nội tích cực nghiên cứu sản phẩm du lịch gắn với các không gian văn hóa, di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội. Sau khi kết hợp với BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện trưng bày và tua tham quan về đêm tạo dấu ấn, doanh nghiệp này đang bắt tay để cho ra sản phẩm trải nghiệm Hoàng thành về đêm. Trong lúc chờ đợi tua liên kết Ninh Bình-Hà Nội mang tên Đêm trước dời đô, du khách có thể trải nghiệm di sản thế giới Hoàng thành khác biệt về đêm, dự kiến ra mắt dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.
Như vậy, thay vì “sáng rối, tối nước”, khách du lịch và người dân có thêm nhiều lựa chọn điểm đến, nhiều hoạt động văn hóa, thương mại và dịch vụ về đêm hơn nữa trong tương lai.
Theo TPO