Ông Đinh Văn Lừng, người có uy tín xóm Bương Bái, xã Vân Sơn (Tân Lạc) phát huy vai trò là "cây cao bóng cả", tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực phát triển KT-XH ở địa phương.
Cầu nối của "ý Đảng - lòng dân”
Chiếm 64,27% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mường sống tập trung tại các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thuỷ và thành phố Hoà Bình. Trong đó Tân Lạc - Mường Bi là mảnh đất mường cổ còn lưu giữ đậm nét giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đây cũng là địa phương mà tiếng nói của NCUT luôn được đồng bào hết sức coi trọng. Trung tuần tháng 9, chúng tôi có chuyến công tác lên "nóc nhà” đất mường cổ, đó là xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc).
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Lừng, NCUT xóm Bương Bái, xã Vân Sơn chia sẻ: Chúng tôi sống ở đây, hiểu nếp nghĩ, cách làm của bà con, đó là thuận lợi lớn trong tuyên truyền, vận động. Hiện nay, ngoài tuyên truyền bà con tích cực lao động sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật thì NCUT còn tích cực vận động con cháu, dòng họ và người dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể, khuyến khích con cháu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chúng tôi cũng tích cực tham gia xây dựng quy ước, hương ước của xóm; động viên gia đình, dòng họ và người dân thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, để chuẩn bị cho triển khai các công trình, dự án, NCUT trên địa bàn xã tập trung tuyên truyền đến bà con về 6 điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có một nội dung rất quan trọng đó là "đất cho ĐBDTTS”. Chúng tôi hy vọng làm tốt ngay từ khâu tuyên truyền, vận động để bà con hiểu đúng và chấp hành đúng sẽ hạn chế được các phát sinh, đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai quá nhiều như hiện nay.
Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển KT-XH, chấp hành nghiêm pháp luật, nhiều NCUT trong vùng ĐBDTTS của tỉnh đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Cụ thể như truyền dạy cho con cháu và người dân các nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn dân tộc; truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian; giữ gìn và phát huy giá trị chiêng Mường… Đối với công tác xã hội, từ thiện vì cộng đồng, nhất là sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều NCUT đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện và vận động người dân tham gia quyên góp ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”, ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ...
Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, NCUT là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, NCUT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều NCUT tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh; là hội viên mẫu mực của các tổ chức xã hội… Những cố gắng của NCUT góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ XHCN.
Tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín
Toàn tỉnh hiện có trên 1.400 NCUT trong ĐBDTTS. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NCUT như: được cấp phát báo chí; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; được tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc; được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; được đến thăm, làm việc tại các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, MTTQ các cấp ở Trung ương; biểu dương khen thưởng kịp thời… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho NCUT trên địa bàn tỉnh mỗi năm khoảng 2,8 tỷ đồng. Có thể nói, các chế độ, chính sách hiện hành về cơ bản đã kịp thời động viên, khích lệ NCUT phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khó khăn liên quan đến chế độ đãi ngộ dành cho NCUT.
Cụ thể như hiện nay NCUT không có phụ cấp hàng tháng. Trong khi với điều kiện địa hình miền núi rộng lớn, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt cần đảm bảo chi phí xăng xe, điện thoại cho NCUT thực hiện công việc tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, NCUT trong vùng ĐBDTTS của tỉnh hầu hết là những người lớn tuổi, họ đã dành nhiều tâm sức để thực hiện tốt vai trò của mình nhưng có một số người không thuộc nhóm đối tượng được cấp BHYT miễn phí do ngân sách Nhà nước đóng. Sự cống hiến đầy trách nhiệm của họ cần được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, để họ càng có thêm điều kiện thực sự trở thành nhân cốt quan trọng, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần vượt mọi khó khăn. Làm sâu sắc thêm lòng tự tin, tự hào của đồng bào, góp phần giải quyết những vấn đề nổi lên trong cuộc sống và thúc đẩy vùng DTTS, miền núi hội nhập, phát triển cùng đất nước.
Do đó, căn cứ theo những quyết định mới được ban hành, với mong muốn chăm lo tốt hơn nữa cho NCUT trên địa bàn tỉnh, ngày 9/8/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có Công văn số 08/MTTQ-BTT đề xuất Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức chi hỗ trợ NCUT trong ĐBDTTS. Với sự vào cuộc lãnh chỉ đạo, phân công nhiệm vụ khẩn trương của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành tờ trình gửi UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách đặc thù đối với NCUT trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Đây là Nghị quyết rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Nội dung chính Ban Dân tộc đề xuất là hỗ trợ hàng tháng đối với NCUT bằng hệ số 0.1 lần mức lương tối thiểu hiện hành và hỗ trợ mua BHYT cho 183 NCUT theo hình thức bảo hiểm tự nguyện (đây là những NCUT chưa được hỗ trợ BHYT theo các chính sách khác); tổng kinh phí dự kiến khoảng gần 4,2 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn để lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm can thiệp, thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước; phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc. Với tiếng nói có sức ảnh hưởng đặc biệt, NCUT là đối tượng mà các thế lực thù địch tập trung tác động móc nối, lôi kéo, nhất là ở các khu vực tập trung đông ĐBDTTS, như vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên để tạo dựng "ngọn cờ” lập cái gọi là "nhà nước tự trị”, kích động ly khai, tự trị dân tộc... hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của NCUT trong ĐBDTTS; kịp thời có những chính sách phù hợp, thiết thực chăm lo những "cây cao bóng cả" của bản làng.
Theo Báo HB