Chủ đề TN làm giàu đã “hâm nóng” 120 đại biểu ngay những phút đầu tiên. Bí thư Huyện đoàn A Lưới (Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Việt Hùng thẳng thắn: “Năng lực cán bộ Đoàn yếu trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nên đầu ra cho cán bộ Đoàn thường chỉ về... hội nông dân, hội phụ nữ, chứ mấy ai được cất nhắc lên vị trí quản lý kinh tế”. Anh Hùng mong mỏi: “Đoàn cần tăng cường các lớp tập huấn về quản lý kinh tế cho cán bộ Đoàn cơ sở và TN cơ sở”.
Khát vọng thoát nghèo
Anh Phạm Huy Giang, trưởng Ban TN nông thôn T.Ư Đoàn, trao đổi: T.Ư Đoàn đã có rất nhiều chương trình ký kết liên tịch với các bộ, ngành. Vấn đề là cán bộ Đoàn các địa phương vận dụng, khai thác để áp dụng như thế nào cho hiệu quả. Còn về vốn vay, nguyên nhân là do chính bản thân tổ chức Đoàn chứ không phải vì lý do gì khác. Lấy Lào Cai, Hà Giang làm ví dụ, các tỉnh miền núi khó khăn như thế mà tỉnh đoàn lại giúp được nhiều TN vay vốn, với số dư nợ mỗi tỉnh lên tới 200 tỉ đồng!
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng để thoát nghèo, làm giàu chính đáng mỗi TN cần phải có ý chí, khát vọng mãnh liệt, phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đối đầu với khó khăn, thậm chí chấp nhận thất bại thì sẽ thu được kết quả thành công. Đại biểu Trần Thái Nghiêm (Cần Thơ) cũng tán thành quan điểm của anh Hiệp. Nghiêm cho biết không chỉ anh mà rất nhiều TN tại địa phương vì có ý chí, khát vọng làm giàu nên kinh tế đi lên, thu nhập 100-200 triệu đồng/năm.
Phạm Thanh Hà (Hà Tĩnh) và Lê Thanh Tùng (TP.HCM), Tạ Thành Tích (Nam Định)… những đại biểu có mặt là những minh chứng người thật việc thật cho nỗ lực vượt khó làm giàu. Như Tùng, nhà nghèo khó, muốn thoát nghèo và thực hiện ước mơ nuôi côn trùng, Tùng ngày vẫn đi phụ hồ, đêm đêm lại bắt dế về nuôi thí nghiệm. Ròng rã hơn hai năm, Tùng mới tìm ra bí quyết nuôi dế và chính thức dồn vốn vào đó.
Tùng phấn khởi: “Nay mỗi năm tôi xuất bán khoảng 3 tấn dế và với giá như bây giờ là khoảng 500 triệu đồng”. Hà cũng kể: anh vào Nam kiếm ăn cũng không được nên quyết về quê, làm giàu trên đất mẹ. Hà đi học nghề, mở xưởng sửa chữa xe máy, máy cơ khí, nông cụ...và nay anh đã là một điển hình TN tiên tiến, làm kinh tế giỏi nhất nhì huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)…
Tất cả đều tán thành: TN là nguồn lực chính trực tiếp phát triển kinh tế, góp phần đưa đất nước đi lên. Muốn thế mỗi TN cần mạnh dạn suy nghĩ, xung kích, dám nghĩ dám làm thì chắc chắn thành công.
Tình nguyện: phải thiết thực, hiệu quả
Mở đầu diễn đàn “TN tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì chủ quyền Tổ quốc”, đại biểu Tăng Quốc Lập (Đồng Nai) chỉ rõ một cách thẳng thắn: “Hoạt động tình nguyện của TN còn mang tính phong trào, hình thức, thường chỉ dấy lên cao trào rồi lắng xuống mà không duy trì được bền lâu”. Đại biểu dân tộc Dao Đặng Hữu Linh (bí thư Đoàn xã Đồng Sơn, Hoành Bồ, Quảng Ninh) trăn trở vì “kinh tế khó khăn, trình độ học vấn hạn chế, không được thường xuyên tiếp cận kiến thức mới… do vậy phong trào hoạt động tình nguyện chưa thật sự sôi nổi và xuyên suốt”.
Linh mong muốn T.Ư Đoàn có sự hỗ trợ sát sườn hơn nữa đối với cán bộ Đoàn cơ sở. “Cần nhân rộng các mô hình đội hình tình nguyện chuyên và thường trực với các hoạt động tình nguyện đơn giản trong cuộc sống như làm đường, sửa chữa sự cố điện, trợ giúp công việc đồng áng… có như thế hoạt động tình nguyện mới gần gũi được với bà con hơn”, Linh hiến kế.
Nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Tuyết (Đoàn khối các cơ quan T.Ư) cho rằng hoạt động tình nguyện vì cộng đồng cần phải đẩy mạnh tính thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Phải lắng nghe, thấu hiểu bà con cần gì, muốn gì ở hoạt động tình nguyện, tránh tình trạng lãng phí công sức mà không hiệu quả.
Theo Tuổi Trẻ |