Lo lắng với đề xuất thiếu thực tiễn
Mới đây, tại dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) đang lấy ý kiến các bộ ngành, người dân, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung điều 30 quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên (HS-SV). Cụ thể, HS-SV từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của HS-SV thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, nếu quy định này được thông qua, tới đây, HS-SV sẽ không được làm thêm quá 20 giờ/tuần/kỳ học. Với kỳ nghỉ thì thời gian làm thêm không quá 48 giờ/tuần.
Cũng như nhiều bạn trẻ đón nhận thông tin này với tâm trạng lo lắng, ngay cả phía người sử dụng lao động cũng băn khoăn với đề xuất trên. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CP Dịch vụ giải trí Hà Nội, nêu ý kiến: "Nhiều SV thường tranh thủ làm ca nửa ngày hoặc làm thêm "full time" 8 tiếng vào cuối tuần, việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của các bạn. Nếu quy định dưới 20 tiếng/ngày, doanh nghiệp rất khó tuyển người bởi giờ giấc quy định rất ít, thu nhập ít, không đủ để các bạn HS-SV trang trải chi phí đi lại. Doanh nghiệp cũng không thể tuyển nhiều người cho một vị trí. Nói chung quy định này bất lợi cho cả 2 phía. Khi đưa một chính sách vào thực tế, khi cả người lao động và người sử dụng lao động đều có ý kiến chưa đồng thuận thì cơ quan soạn thảo cũng nên xem xét lại".
Học kinh nghiệm nước ngoài, nhưng phải phù hợp
Dưới góc độ chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), đánh giá đây là đề xuất rất đáng được quan tâm. Mục tiêu của chính sách này đưa ra là để làm sao đảm bảo cho HS-SV có thời gian học tập, phát triển thể chất, tinh thần; đồng thời có việc làm, có thu nhập và kỹ năng mềm.
Ông Trung nhìn nhận: "Ở các nước, họ đưa ra quy định giới hạn giờ làm thêm đối với SV nước ngoài học tập tại nước bản địa. Mục đích của họ khống chế giờ làm thêm là để giữ việc làm cho lao động người bản địa. Việc quản lý giờ làm thêm ở nước ngoài dựa trên mã số công dân, ý thức tuân thủ pháp luật rất tốt, nhất là chủ sử dụng lao động".
Còn tại VN, với ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, vị chuyên gia này lo ngại: "Nếu chúng ta quy định không chặt chẽ, không cẩn thận, khi đưa ra lại vô hình trung dẫn đến những hệ lụy như làm thêm giờ "chui", chủ sử dụng né tránh trả lương làm thêm giờ hoặc SV bị "ép" trả lương thấp hơn khi làm quá thời gian. Như vậy phần thiệt thòi lại chính là SV - đối tượng đang cần được bảo vệ".
Đồng tình với ý kiến trên, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho hay mục tiêu của các quốc gia đưa ra quy định giới hạn giờ làm thêm đối với du học sinh là bởi họ lo ngại SV sang đó du học không đúng mục đích.
"Ở VN hiện nay, SV học theo tín chỉ, không phải học theo niên khóa như trước đây và đã có cơ chế giám sát học tập nếu nghỉ học quá 20% số tiết sẽ bị cấm thi và nếu thi rớt sẽ phải đóng tiền thi lại. Về mặt cơ chế, tôi cho rằng quy định quản lý SV theo tín chỉ như vậy là rõ ràng và đủ. Việc tiếp thu phương pháp quản lý SV từ nước ngoài là tốt, nhưng cũng cần phải xem xét khi đưa ra quy định phải phù hợp với VN, tránh việc mô phỏng quy định từ nước ngoài thiếu tính thực tiễn", ông Lộc góp ý.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận nhiệm vụ chính của HS-SV là học. Hiện các trường ĐH-CĐ đã có cơ chế quản lý SV học tín chỉ, có thi cử và đánh giá rõ ràng. Việc HS-SV đủ tuổi lao động, đi làm thêm là việc nên khuyến khích, giúp các bạn trẻ có thể bù đắp một phần chi phí sinh hoạt, trang trải cuộc sống, thêm kinh nghiệm sống, trau dồi kỹ năng…
Theo ông Nghĩa, các nước đưa ra quy định giới hạn giờ làm thêm đối với SV nước ngoài là để đảm bảo cho thị trường lao động trong nước, không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động nước sở tại, chứ không áp dụng với SV bản địa. Mặt khác, đưa ra rào cản này còn để tránh trường hợp xin visa du học là để đi làm. Trong trường hợp bị phát hiện đi học không đúng mục đích sẽ bị rút visa.
Với hơn 2 triệu SV VN đang theo học tại các trường ĐH-CĐ, ông Phạm Trọng Nghĩa đánh giá đây là lượng lao động không nhỏ. Vì vậy, chính sách đưa ra giới hạn 20 giờ/tuần cũng cần phải có khảo sát, đánh giá tác động. Mức lương tối thiểu theo giờ hiện nay đang trả cho HS-SV dao động trong khoảng 20.000 đồng/giờ, nếu quy định được áp dụng, tiền đi làm thêm chỉ đủ trang trải một phần rất nhỏ cho HS-SV.
"Mỗi chính sách đưa ra phải được dựa trên bằng chứng khoa học, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, có đánh giá tác động cụ thể. Trong số hơn 2 triệu SV có bao nhiêu em đi làm? Lực lượng này tác động đến thị trường lao động như thế nào? Việc đi làm thêm ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của HS-SV?... Đây là những vấn đề mà ban soạn thảo cần làm rõ", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo TN